Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ai được hỗ trợ trong gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ?

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng mới, với mức thủ tục cắt giảm 2/3 so với gói 62.000 tỷ. Địa phương có quyền quyết định mức hỗ trợ của lao động tự do.

Nhung diem moi cua goi ho tro 26.000 ty dong anh 1

Ngày 1/7, Thủ tướng ký Nghị quyết 68 đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng.

Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Chính phủ ban hành sau hơn một năm Việt Nam đối mặt với 4 đợt bùng phát Covid-19 khiến hàng triệu lao động bị ảnh hưởng.

Trong Nghị quyết 68 lần này, Chính phủ đặc biệt chú ý đến người lao động tự do, lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Mức tiền, thời gian hỗ trợ được quy định cụ thể.

Thêm nhiều đối tượng mới

Ngoài người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, Nghị quyết 68/2021 cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng so với gói 62.000 tỷ đồng hồi tháng 4/2020.

Đối tượng Mức hỗ trợ Điều kiện hỗ trợ
Người tạm hoãn hợp đồng lao động 1,8 triệu đồng/người Tạm hoãn từ 15 ngày liên tục đến dưới một tháng
Người tạm hoãn hợp đồng lao động 3,7 triệu đồng/người Tạm hoãn trên một tháng
Lao động ngừng việc phải cách ly hoặc ở trong các vùng bị phong tỏa 1 triệu đồng/người Từ 14 ngày trở lên (từ 1/5-31/12), có tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Người chấm dứt hợp đồng lao động 3,7 triệu đồng/người Từ 1/5 đến 31/12
Trẻ em và phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 6 tuổi... 1 triệu đồng/người
Trẻ em nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế 1 triệu đồng/người
Người lao động đang điều trị bệnh Covid-19 Tiền ăn 80.000 đồng/ngày Tổng số ngày không quá 45 ngày
Người cách ly y tế (F1) Tiền ăn 80.000 đồng/ngày Thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày
Lao động tự do Tùy từng địa phương quyết định (không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người; hoặc 50.000 đồng/ngày)

Với gói hỗ trợ này, các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn… (giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV) cũng được Chính phủ hỗ trợ. Điều kiện được hỗ trợ với đối tượng này là phải dừng việc từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền để chống dịch. Thời gian áp dụng từ 1/5 đến 31/12, mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người.

Với hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề, mà bị mất việc trên 15 ngày trong khoảng từ 1/5 đến 31/12 hỗ trợ một lần 3,7 triệu đồng/người.

Chính phủ cũng hỗ trợ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh, thuế) bị đóng cửa từ 15 ngày trở lên trong khoảng 1/5 - 31/12 để phòng, chống dịch được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ được thiết kế một đối tượng không được hưởng 2 lần hỗ trợ. Tuy nhiên, một số đối tượng ưu tiên như phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em cách ly, điều trị Covid-19... vẫn sẽ được cộng gộp thêm mức hỗ trợ.

Lần đầu tiên, gói hỗ trợ mới áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi để duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, gói hỗ trợ lần này còn có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động.

Đây cũng là lần đầu tiên, gói hỗ trợ mới áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi để duy trì việc làm cho người lao động. Kinh phí trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp từ 1/7 đến hết ngày 30/6/2022.

Người bán vé số, xe ôm, bán hàng rong được hỗ trợ ra sao?

Trong gói hỗ trợ mới, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Chính phủ giao các tỉnh căn cứ ngân sách địa phương xây dựng tiêu chí. Mức tiền hỗ trợ, không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc không thấp hơn 50.000 đồng/người/ngày.

Chính phủ giao các địa phương quyết định bởi chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như người lái xe ba gác, người bốc vác, người bán vé số…

Nhung diem moi cua goi ho tro 26.000 ty dong anh 2

Những lao động tự do làm các nghề xe ôm, lái xích lô, bốc vác... sẽ được hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Thanh.


Chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như lái xe ba gác, người bốc vác, bán vé số…

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ông Dung cho biết thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng gặp rất nhiều khó khăn. "Có những tổ trưởng dân phố phải đi 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ. Vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, nay cư trú chỗ này mai có thể cư trú chỗ khác, đồng thời phải xác nhận nơi ở và nơi cư trú", Bộ trưởng chia sẻ.

Chính phủ đã lấy ý kiến một số địa phương khi ban hành chính sách với lao động tự do và nhận được sự đồng tình. Ông Dung cho biết một số địa phương cũng đã chủ động có những gói hỗ trợ của riêng mình. Ví dụ, trong gói hỗ trợ 886 tỷ của TP.HCM vừa thông qua cũng xác định hỗ trợ một số nhóm lao động tự do như lái xe ba gác, người bốc vác, bán vé số... Hay ở Đà Nẵng vừa có quyết định hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch được vay 100 triệu đồng.

Theo đó, nếu người lao động đi làm tự do tại các khu công nghiệp, đô thị mà không có đăng ký tạm trú thì phải khai báo ở địa phương có xác nhận của thôn, của khu phố.

Trước đó, tháng 4/2020, Bộ LĐTBXH tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 (gói an sinh 62.000 tỷ đồng) hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Sau gần một năm triển khai, Nghị quyết 42/2020 đã có 14,4 triệu người được hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 39.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 13.000 tỷ đồng.

Tinh giảm thủ tục tối đa

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghị quyết 68 lần này đã thiết kế chính sách đơn giản nhất, dễ nhất cho người lao động tiếp cận. "Đặc biệt, thủ tục hành chính sẽ giảm 2/3 so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây", ông nói.

Bộ trưởng ví dụ trong Nghị quyết 42, việc miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội phải trải qua 4 thủ tục thì với gói hỗ trợ 26.000 tỷ này, tinh thần "cái gì luật không bắt buộc thì không cần".

Nhung diem moi cua goi ho tro 26.000 ty dong anh 3

Lao động tự do là nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp, nhưng cũng khó triển khai nhất. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhắc lại Nghị quyết 42 ban hành năm ngoái với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh đây là chính sách hỗ trợ rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, do vậy khi xây dựng Bộ LĐTBXH chưa hình dung hết được.

Rút kinh nghiệm, gói hỗ trợ lần này sẽ tinh giảm tối đa các thủ tục, các điều kiện để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất. Chẳng hạn, đối với việc miễn giảm toàn bộ Quỹ an toàn lao động, doanh nghiệp chỉ cần đến cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách lao động đã được đóng bảo hiểm hàng tháng, sau đó phía bảo hiểm sẽ xem xét trong thời gian 2-3 ngày và ra quyết định hỗ trợ hay không.

"Nếu không đồng ý hoặc không phù hợp, phía bảo hiểm phải trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động và lao động", ông nói và cho biết quyết định hướng dẫn 12 nhóm chính sách của gói 26.000 tỷ đồng dài tới 50 trang để đảm bảo chi tiết và dễ thực hiện.

Theo ông Dung, tổng số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội thông qua từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay ước tính 160.000 tỷ đồng. Trong đó, theo Nghị quyết 42/2020 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 39.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước chi ra 13.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Lao động nhấn mạnh gói 62.000 tỷ sẽ không hỗ trợ song song với gói 26.000 tỷ này. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ chỉ là gói hỗ trợ ngắn hạn chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2020, số tiền còn lại đã được chuyển lại theo chu kỳ ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang sử dụng cho những công việc khác.

Thủ tướng ký gói hỗ trợ 26.000 tỷ cho người lao động khó khăn vì dịch

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được ban hành để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm