Google đã tiến hành hơn 180 vụ mua bán nhiều công ty khác nhau. Tổng số tiền "gã khổng lồ tìm kiếm" vung tay để mua lại 10 công ty đắt nhất đã lên tới 24,5 tỷ USD. Khoản chi đó quả là khổng lồ nhưng Google cũng thu lại không ít từ số tiền bỏ ra.
Tạp chí Time gần đây đã nhận định Google là công ty có những vụ mua lại “hoàn hảo” tại Thung lũng Silicon, một phần bởi Google biết cách giữ lại nhân tài. Tạp chí Time còn nhận thấy từ năm 2006 đến 2014, 2/3 trong số 211 nhà sáng lập các start-up đều chấp nhận đầu quân cho Google và họ vẫn là nhân viên của Google trong thời điểm hiện tại.
Phó chủ tịch mảng phát triển doanh nghiệp Don Harrison. |
Người đứng sau những vụ mua bán tỷ USD của Google chính là Phó chủ tịch mảng phát triển doanh nghiệp, ông Don Harrison. Harrison đảm nhận vị trí này cách đây 3 năm và đã làm việc cho Google được 10 năm. Ông đã có kinh nghiệm về mảng mua bán sáp nhập (M&A) từ những ngày đầu tiên với tư cách là một luật sư.
Google đưa một công ty vào danh sách “cần mua” khi công ty đó tạo ra những sản phẩm phù hợp với chiến lược sản phẩm của Google. Thông thường, Google có một đội làm việc nội bộ với nhau trên một dự án, lên kế hoạch rõ ràng loại sản phẩm nào họ muốn xây dựng và điều gì khiến sản phẩm hoặc nền tảng đó thành công.
Những người hiểu về công nghệ, có tầm nhìn tốt về sản phẩm, thường bắt đầu bằng việc xem xét xem đối thủ đang làm gì. Sau đó, họ sẽ đến gặp nhóm của Harrison và nói rằng “Chúng tôi rất thích cái này, các anh hãy tìm kiếm những công ty đang làm nó đi”. Sau đó, đội của Harrison sẽ đi nghe ngóng những thông tin ví dụ như công ty X, Y đang nói chuyện với một công ty nào đó và điều đó cũng khơi gợi sự quan tâm chú ý của Google dành cho một công ty.
Người sáng lập Android, Andy Rubin đã làm việc cho Google được 10 năm từ sau khi công ty của ông được mua lại. |
Sau khi nhận thấy một công ty nào đó phù hợp để mua lại, nhóm của Harrison, các nhà tài trợ và những giám đốc cấp cao của Google sẽ ngồi cùng nhau và thực sự quyết định xem mình sẽ làm gì. Điều đầu tiên được cân nhắc chính là chiến lược sản phẩm. Sau khi xây dựng được chiến lược sản phẩm, những người này sẽ đặt ra hàng loạt các câu hỏi như: “Công ty này có phù hợp với chiến lược sản phẩm của chúng ta không?”, “Nó có cụ thể hóa một đặc điểm tốt nhất của thứ mà chúng ta coi là chiến lược sản phẩm tốt nhất không?”.
Theo Harrison, một điều nữa mà nhóm phải cân nhắc cẩn thận đó là về người chủ doanh nghiệp, các trưởng nhóm, nhóm kỹ sư phần mềm, những nhân tài mà công ty sở hữu.
Theo Harrison, quá trình mua lại các công ty cũng khác nhau. Đầu tiên, Google sẽ tạo ra càng nhiều sự liên hệ với công ty càng tốt trong suốt quá trình thảo luận giữa các lãnh đạo cấp cao của Google và của công ty muốn mua lại. Việc thảo luận này có sự tham gia của những nhân vật “chóp bu” nhất từ phía Google như CEO Larry, Sergey, Sundar Pichai.
Nhắc đến việc mua lại công ty của Google, chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến thử nghiệm “Bàn chải đánh răng” mà CEO Larry Page cũng như Google luôn sử dụng để cân nhắc trước các thương vụ mua bán. Trước mỗi cuộc mua bán, ông luôn tự hỏi “Đây có phải là sản phẩm mà người tiêu dùng phải sử dụng nó ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi ngày? Và liệu sản phẩm đó có làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn”?
Larry Page và thử nghiệm "bàn chải đánh răng". |
Google sẽ hứng thú với sản phẩm và doanh nghiệp đó nếu nó đáp ứng được các tiêu chí này, bất kể nó là công nghệ y sinh, vệ tinh, máy học hay robot. Và theo Harrison: “Chúng tôi thực hiện cuộc thử nghiệm "bàn chải đánh răng" một cách nghiêm túc”.
Một cuộc mua bán sáp nhập với Google thành công hay không dựa trên đánh giá về khả năng tích hợp. Sau khi sáp nhập một công ty mới, họ sẽ đánh giá xem cả nhóm mới này có làm việc chủ động nhưng vẫn hòa đồng được với những nhân sự khác của Google và không bị tách biệt với cả công ty.
Don Harrison cũng dành lời khuyên cho những start-up muốn được xuất hiện trong tầm ngắm của Google đó là: hãy để Google thấy sản phẩm của công ty đó “lợi hại” đến thế nào. Họ hãy cứ điều hành công ty sao cho tốt. Không cần phải đến gặp trực tiếp những lãnh đạo của Google đề đạt yêu cầu và làm những trò “điên rồ” nhằm mong được chú ý.
Các start-up này cần phải tận dụng được các mạng lưới liên hệ và tốt hơn hết là được một ai đó tại Google tài trợ, hoặc giới thiệu hơn là tự mình gọi điện đến để trình bày với Google. Hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi nói chuyện nếu bạn được Google mời đến, bởi theo Harrison: “chúng tôi phải chọn lọc rất nhiều trước khi quyết định làm ăn với công ty nào đó bởi khối thông tin ngoài kia là vô cùng lớn”.