Không phủ nhận sẽ thực hiện việc chuyển giao công nghệ, song đại diện VINACAS cho rằng: Việc này sẽ được xem xét kỹ lưỡng, làm sao có lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN).
“Nói một đằng, làm một nẻo”?
Mới đây, ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó chủ tịch VINACAS, một trong những người đặt nền móng cho ngành điều Việt Nam, đã thay mặt một số DN trong ngành gửi tới VINACAS cũng như các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ, đề nghị không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.
Sản lượng điều thô của Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu chế biến. |
Theo ông Lãng, Bờ Biển Ngà (vốn là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô) gần đây đã tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển điều và mục tiêu chế biến điều, nhằm cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ. Theo đó, một mặt, Bờ Biển Ngà gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu thô, mặt khác lại tăng cường hợp tác với Việt Nam để được nhận chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều... Điều này được thể hiện qua việc nước này liên kết mở trường dạy nghề tại Bờ Biển Ngà với Đại học Bách Khoa TP HCM; ký biên bản hợp tác với Bình Phước, VINACAS, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam…
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Lãng cho rằng: Nhiều tổ chức, xã hội nghề nghiệp, trong đó có một số vị lãnh đạo VINACAS, Đại học Bách khoa TP HCM và các DN bán máy cùng một số hội viên của VINACAS… đang âm thầm cổ súy cho “bạn”, để thực hiện mục tiêu chiến lược này nhằm “bức tử” ngành điều.
Những năm trước, vấn đề xuất khẩu công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam qua châu Phi cũng đã từng bước được đặt ra, nhưng do gặp phản ứng dữ dội từ báo chí, từ nhiều cán bộ lão thành và người có công với ngành điều, cuối cùng ý định trên phải gác lại.
Cũng theo ông Lãng, tại thời điểm đó, VINACAS từng khẳng định: Công nghệ chế biến điều là của Việt Nam mà chủ sở hữu là ngành điều Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như VINACAS đang “nói một đằng, làm một nẻo”. Cụ thể, VINACAS đã không có ý kiến gì trước việc Đại học Bách Khoa TP HCM mở trường dạy nghề ở Bờ Biển Ngà, cũng như việc mở rộng bành trướng của Hội đồng bông và hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA) tại Việt Nam.
“Rất nhiều hội viên VINACAS cảnh báo, khi đã nắm được công nghệ chế biến thì có thể các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô, tập trung mục tiêu chế biến trong nước. Điều này làm các nhà xuất khẩu tăng giá, chậm xếp hàng, khiến thị trường khan hiếm giả tạo, gây thiệt hại rất lớn cho các DN điều Việt Nam. Về phía Việt Nam, nếu thiếu nguyên liệu thì ngành chế biến điều Việt Nam sẽ lao đao, bởi hiện sản lượng điều thô chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu chế biến”, ông Lãng nhấn mạnh.
Hợp tác sẽ có điều kiện
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký VINACAS không phủ nhận vấn đề này và cho biết: Hiệp hội đã tiếp nhận đầy đủ thông tin, đang tiến hành xử lý để có phản hồi chính thức cho các DN. Ông Giang lý giải, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đạo VINACAS làm đầu mối nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển điều với hai quốc gia là Bờ Biển Ngà và Campuchia.
Về vấn đề này, VINACAS đã làm việc với đông đảo DN hội viên cũng như các chuyên gia. Thực tế cho thấy, hợp tác phát triển là xu thế chung, tất yếu. Hiện nay, các vấn đề hợp tác như thông tin, chuyển giao giống hay thương mại không gặp vướng mắc gì nhiều, song đang có nhiều quan điểm chưa đồng thuận từ phía DN đối với vấn đề hợp tác trong chuyển giao công nghệ, máy móc bởi lo lắng nếu chuyển giao thành công, DN sẽ gặp phải khó khăn khi NK điều thô.
“Trong hợp tác, ngoài yếu tố chủ quan từ phía DN Việt Nam thì cũng phải xem xét yếu tố đối tác mong muốn hợp tác ở vấn đề gì, dựa trên yêu cầu hợp tác cụ thể sẽ xây dựng chiến lược hợp tác để đôi bên cùng có lợi. Định hướng rõ ràng về lâu dài là vẫn sẽ có sự hợp tác, chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều tuy nhiên thời điểm cần xác định kỹ càng và việc hợp tác cũng phải có điều kiện. Ví dụ, khi hợp tác chuyển giao công nghệ thì quốc gia hợp tác với Việt Nam phải có chính sách hỗ trợ ưu đãi cho DN điều Việt Nam…”, ông Giang nói.
Liên quan tới việc hợp tác của các tổ chức và cá nhân đối với phía Bờ Biển Ngà trong chuyển giao công nghệ, điển hình như trường hợp Đại học Bách khoa TP HCM hợp tác mở trường dạy nghề và đào tạo tại Bờ Biển Ngà, theo ông Giang rất khó kiểm soát, thậm chí từ góc độ của VINACAS là không thể kiểm soát.
“Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên tiến hành việc hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ. Về lâu dài có thể hợp tác chuyển giao nhưng ở thời điểm, mức độ phù hợp, làm sao có lợi nhất cho DN, ngành hàng. Xem xét, đàm phán các nội dung hợp tác, VINACAS sẽ chịu trách nhiệm làm việc, sau đó báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Còn vấn đề đứng ra hợp tác trực tiếp thì các Bộ phải triển khai chứ VINACAS không làm được”, ông Giang khẳng định.
Theo VINACAS, trong giai đoạn 2006-2015, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới và cũng có thể nói là nước nhập khẩu điều lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Điều được nhập khẩu từ khoảng 25 quốc gia, trong đó từ Bờ Biển Ngà chiếm tới 36% tổng kim ngạch.