Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông sản Việt bị 'cướp' mất thị trường

Trước biến động của kinh tế toàn cầu, hàng loạt mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh cả lượng và chất, thậm chí bị "cướp" mất thị trường.

Tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế” diễn ra ngày 16/9, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết, một thập kỷ trở lại đây, kinh tế thế giới biến động mạnh. Sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nội tệ mới đây đã tác động lớn tới thương mại nông sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng, cho rằng, sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu đang giảm đáng kể so với trước. Bằng chứng là gạo Việt Nam trước đây có giá cạnh tranh 5-25% so với Thái Lan, Ấn Độ, nhưng thời gian gần, giá bán xấp xỉ bằng nhau.  Còn xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng theo đà tuột dốc.

Biến động kinh tế Trung Quốc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông sản Việt. Ảnh: Ngọc Lan.

“Năm 2012-2013, Việt Nam chiếm trên 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc, nhưng đến năm 2014 giảm xuống còn 53%, và 4 tháng đầu năm 2015, con số này chỉ còn là 47%. Đối thủ thế chân Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan”, ông Kiên nêu.

Tương tự, với mặt hàng cà phê, tình trạng phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng gây sức ép lớn với xuất khẩu mặt hàng  Robusta của Việt Nam. Ngoài ra, hàng thủy sản cũng đang mất thị phần ở Mỹ, vào tay các nước Ấn Độ, Indonesia.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, trước biến động kinh tế, nông sản Việt đang dần đuối sức, gặp khó trong vấn đề cạnh tranh và liên tục bị các nước khác “cướp” mất thị trường.

Theo nhóm nghiên cứu bộ môn Thị trường và ngành hàng, để tháo gỡ khó khăn, trước mắt cần tận dụng thị trường Mỹ, do đồng USD còn có mức giá cao. Theo đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt có lợi thế như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ vào thị trường này.

Ngoài ra, phải kết nối nhanh chóng để có được các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia, vì các nước này có thể thiết hụt nguồn cung năm nay. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch sang Trung Quốc đối với sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ… cũng cần đẩy mạnh.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm