Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CP làm thức ăn nhanh

Với mô hình xe đẩy và ki-ốt nhỏ, Five Star đang nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại Việt Nam.

Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, cuối cùng CP Việt Nam (CPV) đã hoàn thành chuỗi khép kín theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food) từ trang trại đến bàn ăn, mà hoàn toàn không phụ thuộc vào đối tác nào khác. Công ty này hiện cũng đang có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và cung cấp thực phẩm tươi sống tại Việt Nam.

Khép kín với thức ăn nhanh

Cuối năm 2012, CP Thái Lan từng đưa ra chiến lược hợp tác cùng chuỗi bán lẻ 7-Eleven để đẩy mạnh chữ F cuối cùng (Food) với sản phẩm thức ăn nhanh. Thời điểm đó, ông Piyawat Titasattavorakul, Giám đốc Ðiều hành 7-Eleven Thái Lan, từng cho biết, CP Thái Lan sẽ liên kết với 7-Eleven để hoàn thành hệ thống bán lẻ thực phẩm tại Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tuy vậy, hệ thống 7-Eleven hiện vẫn chưa thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam. Còn chiến lược nhượng quyền thương hiệu Five Star mà CPV vừa thực hiện lại tỏ ra khá hiệu quả. Ðây là hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm chế biến sẵn của công ty đến tay người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm này, CPV đã hoàn thiện và mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star. Với mô hình xe đẩy và ki-ốt, Five Star đang nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại Việt Nam. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC, nhưng với quy mô nhỏ và tiện lợi. Cửa hàng Five Star nằm ngay những góc đường nhỏ, khách không cần phải gửi xe nếu muốn mua mang đi.

Mô hình Five Star đã có mặt tại 9 quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Bangladesh, Campuchia, Ấn Ðộ, Myanmar, Malaysia... Tại Việt Nam, sản phẩm chính của Five Star sử dụng nguyên liệu gà tươi của CPV với quy trình sản xuất khép kín từ con giống, chăn nuôi cho đến thành phẩm. Qua tìm hiểu, mức giá gà rán của Five Star hiện khá rẻ. Một đùi gà và phần gà rán chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng. Giá này được cho là khá phù hợp với sinh viên, học sinh.

Mô hình nhượng quyền Five Star đang phát triển với 3 dạng: xe gà rán, xe gà quay và ki-ốt. Mô hình nhượng quyền của xe gà rán và xe gà quay chỉ khoảng 6-7 triệu đồng một xe vì không phải trang trí mặt bằng. Còn chi phí đầu tư cho mỗi ki-ốt là 14 triệu đồng, cũng khá phù hợp với người nhận nhượng quyền tại Việt Nam.

Chị Trần Kim Chung, chủ một ki-ốt nhượng quyền thương hiệu Five Star tại quận 1, TP HCM, cho biết, do vị trí kinh doanh ngay gần trường học và ký túc xá, nên khách hàng của chị chủ yếu là sinh viên và học sinh. Nhờ mức giá bán khá rẻ nên việc kinh doanh cũng khá tốt. Theo chị, lợi nhuận trung bình từ ki-ốt gà rán này vào khoảng 500.000-1 triệu đồng một ngày.

Ngoài mô hình kinh doanh thức ăn nhanh gà rán, gà quay... CPV còn đầu tư cho các hệ thống bán lẻ. “Thực phẩm sạch của CPV hiện được đưa đến người tiêu dùng thông qua các kênh như CP Shop, Fresh Mart”, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc CPV, chia sẻ.

Fresh Mart là hệ thống cửa hàng phân phối thực phẩm của CPV, với các sản phẩm quen thuộc như thịt, trứng tươi và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác. Còn CP Shop cung cấp các sản phẩm mang thương hiệu CP như xúc xích, trứng gà, thịt gà và thịt heo... Hai mô hình này của CPV được cho là cạnh tranh với mô hình tiện lợi Co.op Food của Co.op Mart.

Đường đến 3F của CPV

Hiện có rất ít doanh nghiệp thực hiện được mô hình khép kín như CPV, bởi lý do tài chính và yếu tố thời gian đầu tư dài. Chính bản thân CPV cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian để có thể hoàn thiện mô hình này.

Sau khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1988, CPV phải mất 5 năm mới bắt đầu xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại gà giống và nhà máy ấp trứng đầu tiên tại Đồng Nai. Sau đó, họ tiến ra Hà Nội xây nhà máy thức ăn chăn nuôi Chương Mỹ, trại gà giống và nhà máy ấp trứng vào năm 1996.

Sau khi có nhà máy con giống và sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm 1998, CPV mới xây nhà máy sản xuất hạt giống ngô CP-Seeds tại tỉnh Đồng Nai. Đây là bước cuối nhằm hoàn thiện chuỗi khép kín trong khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện thức ăn chăn nuôi do công ty sản xuất chiếm 19,4% thị phần tại Việt Nam. Ngành thực phẩm cũng cho thấy sự thống trị của CPV, với hơn 30% thị trường.

Hiện CPV có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương. Ngoài ra, Công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến với nhà máy chế biến thịt Đồng Nai, nhà máy chế biến thịt Phú Nghĩa (Hà Nội)...

Trong năm 2013, mặc dù lợi nhuận suy giảm nhưng ông Sooksunt, CPV, cho biết công ty vẫn quyết định chi 60 triệu USD70 triệu USD trong 2 năm 2013 và 2014 để tiếp tục đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu gần nhất có được từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2013, doanh thu từ ngành nông sản của CPV đạt 1.808 triệu USD, tăng 18,3% so với năm 2012. Trong đó, ngành thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% doanh thu, ngành nuôi trồng và kinh doanh thực phẩm chiếm 53,4% còn lại.

Thị trường thức ăn nhanh… xì hơi

Cạnh tranh trên thị trường thức ăn nhanh, đồ uống Việt luôn “nóng” và hoàn toàn không dễ dàng đối với người mới, cho dù đó là các “ông lớn”.

 

 

http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/cp-lam-thuc-an-nhanh-3285693/#axzz3lsfB3E3F

Theo Thanh Hương/Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm