Doanh thu không có, cổ phiếu giảm ở mức giảm kỷ lục hay bị loại ra khỏi top 50 công ty có giá trị nhất sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan,... là những vấn đề mà HTC phải đối mặt.
Chuyện gì đã xảy ra?
Mặc dù từng là kẻ thức thời khi nhảy vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh những năm 2000. Họ cũng là hãng sản xuất thống lĩnh nền tảng Android. Quá khứ huy hoàng đã trở thành cái bóng quá lớn khiến HTC khó có thể vượt qua.
Vấn đề của HTC được cho là do nhiều yếu tố tác động: Chiến lược marketing yếu đến sản phẩm không có nhiều thay đổi qua các thế hệ hay bị những nhà sản xuất khác cạnh tranh.
HTC đã thúc đẩy Android ra sao?
Được thành lập vào năm 1997, thời kỳ ban đầu, HTC chỉ là công ty chuyên sản xuất các thiết bị cho các thương hiệu, nhà mạng khác trải dài từ châu Âu sang Mỹ. Khi có đủ kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, High Tech Computer phát hành smartphone có màn hình cảm ứng đầu tiên vào năm 2000. Hai năm sau, hãng giới thiệu di động đầu tiên chạy Windows Mobile. Năm 2005, công ty ra mắt thiết bị di động có kết nối 3G.
HTC còn là nhân tố quyết định giúp Palm Treo 650 có những thành công trên thị trường cũng như "phổ cập" nền tảng Windows Mobile đến với khách hàng cá nhân.
Từ công ty chuyên lắp ráp thiết bị, HTC dần có những bước tiến sâu thị trường smartphone. Bước đột phá của hãng đánh dấu với chiếc di động Android đầu tiên T-Mobile G1. Tiếp theo đó là Droid Incredible hợp tác với nhà mạng Verizon và smartphone 4G đầu tiên HTC Evo 3D. Việc Google chọn HTC là công ty sản xuất chiếc điện thoại thuần Android Nexus One đã đưa tên tuổi của hãng điện tử Đài Loan lên tầm cao mới.
Trong năm 2010, HTC còn được đánh giá là một trong những công ty sáng tạo nhất trên thế giới. Hãng nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu sản xuất smartphone có giá trị nhất thế giới với sức ảnh hưởng ngang ngửa với Apple tại thị trường Mỹ và châu Âu.
TouchFLO 3D, tiền thân của HTC Sense trên Android. |
Bên cạnh Android, HTC cũng sản xuất di động chạy Windows Phone. Hãng còn giới thiệu giao diện tùy biến TouchFLO 3D cho nền tảng Windows Mobiles 6.0. Tuy nhiên, với việc chết yểu của Windows Mobile TouchFLO 3D đã được HTC đưa sang Android với tên gọi HTC Sense.
Ra mắt cùng với phiên bản Android 2.1, HTC Sense bao gồm màn hình chính tích hợp thông tin thời tiết và những thông tin khác đã bù vào khoảng trống Google còn thiếu giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng vào năm 2011. Để cạnh tranh tốt hơn, Samsung đã tiếp thu những chiến lược của HTC vào mảng kinh danh di động của mình. Hãng giới thiệu giao diện TouchWiz cùng chiếc Galaxy S thế hệ đầu tiên. Cuộc chiến giữa HTC với Apple nhanh chóng trở thành cuộc so găng giữa Samsung và Apple.
HTC đã 'chết' như thế nào?
Sự sụt giảm của HTC dường như được báo trước bởi các quyết định kinh doanh sai lầm và chiến lược marketing không tạo được sức lan tỏa.
Năm 2011 đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ từ những ông trùm di động kiểu cũ. Samsung và Motorola mạnh tay chi ra những khoản tiền để nghiên cứu cũng như quảng bá smartphone của họ. Đáng lẽ, HTC cũng nên làm như thế để ngăn chặn hình ảnh của Motorola hay Samsung in đậm vào tâm trí khách hàng.
HTC mờ nhạt bên cạnh Samsung và Motorola. |
Thay vào đó, HTC lại đầu tư dàn trải không trọng tâm. Hãng mua lại công ty sản xuất chip đồ họa S3 Graphics với giá 300 triệu USD nhằm tránh khỏi những vụ kiện về bằng sáng chế. Đây không phải là khoản đầu tư lớn với HTC vào thời điểm đó, nhưng lại không giúp gì cho việc kinh doanh di động của HTC.
Tiếp đó, hãng điện tử Đài Loan tiếp tục đầu tư vào OnLive - cung cấp dịch vụ chơi game qua điện toán đám mây. Khoản đầu tư này đã khiến HTC lỗ 40 triệu USD.
Khoản đầu tư thông minh nhất của hãng đó chính là 50,1% tại Beats để tích hợp công nghệ âm thanh vào smartphone của mình. Nhưng đây lại tiếp tục là sai lầm khi hãng bán phân nửa số cố phần đó quá sớm. Để so sánh, HTC đầu tư vào Beats 300 triệu USD trong năm 2011 và sau đó Beats được Apple mua lại với giá 3 tỷ USD.
Trong khi HTC mải đầu tư dàn trải thì Samsung đã thế chỗ. Không chỉ cung cấp màn hình, bộ nhớ flash cho sản phẩm của mình, họ còn cung cấp linh kiện cho iPhone và ngay cả những thiết bị mang thương hiệu HTC. Hơn cả, HTC đã mất dần thị phần mảng kinh doanh di động vào tay Samsung.
Sự yếu kém của bộ phận truyền thông
Khi mọi người nghĩ về: "Cuộc chiến smartphone", họ sẽ nghĩ về Samsung và Apple. Với khẩu hiệu "quietly brilliant" (sự tỏa sáng trong thầm lặng), HTC tin rằng hãng không cần phô trương màu mè về sản phẩm của mình.
Trong khi HTC "quietly brilliant", Motorola xuất hiện mở mọi nơi với chiếc Droid. Samsung thì đá đểu Apple với khẩu hiệu "think different”. Cuộc chiến tại mặt trận Android trở thành cuộc đua song mã giữa Motorola và Samsung.
Năm 2012 đánh dấu sự tăng trưởng thần kỳ của Samsung, họ đã có tốc độ tăng trưởng lên tới 300%, Apple là 200% theo công ty nghiên cứu IDC. Trong khi đó, HTC có phần khiêm tốn với 17% so với năm 2011.
Sự yếu kém của bộ phận làm truyền thông thể hiện rõ nhất ở những sản phẩm dòng One. Thật khó để nhận ra sự khác biệt giữa chúng mà không nhìn vào thông số kỹ thuật. Samsung thay vì mắc kẹt như HTC, họ đã nhận ra rằng phải làm một thương hiệu riêng, dòng sản phẩm Galaxy đã ra đời.
Cả Samsung và Motorola đều không thật sự hoàn hảo. Nhưng họ không bao giờ đặt tên hai thiết bị y hệt nhau như HTC đã làm.
Trong những năm 2011 và 2012, HTC phát hành cả tá thiết bị với tên gọi không mang dấu ấn: Desire, Incredible, Sensation, Evo, ChaCha, Salsa, Vivid, Velocity, Amaze, Rhyme. Nó đã khiến khách hàng không thể nhận ra HTC trong thị trường smartphone đầy khốc liệt.
Trong năm 2011, thị phần của HTC giảm từ 67% xuống còn 32%. Trong khi Samsung tăng gấp 4 lần, có lẽ sự tỏa sáng thầm lặng là chiến lược sai lầm của bộ phận làm truyền thông của công ty?
Khi nhận ra bị bỏ xa bởi những đối thủ Android khác, HTC đã ký thỏa thuận quảng cáo với Robert Downey Jr (diễn viên thủ vai chính trong loạt phim bom tấn "Người sắt"). Chiến dịch đã giúp One M7 có doanh số bán hàng khả quan nhưng mọi nỗ lực đã quá muộn với HTC.
Robert Downey Jr bên cạnh chiếc One M7. |
Thị trường ngày một khốc liệt
Mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày Steve Ballmer - CEO của Microsoft chế giễu Apple khi hãng giới thiệu chiếc iPhone có giá 600 USD vào năm 2007. Smartphone cao cấp là món hời béo bở của các công ty. Nhưng một điều không thay đổi, thiết bị giá rẻ vẫn có phân khúc riêng của nó.
Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của giá rẻ với mức giá vào khoảng 300 USD. Thậm chí, những thiết bị cao cấp như OnePlus 2 chỉ có giá 330 USD. Chỉ bằng phân nửa so với model cao cấp của HTC hay Samsung.
Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy, các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi có thị phần ngày một lớn còn những thương hiệu như Samsung có dấu hiệu tăng trưởng âm. HTC thậm chí không nằm trong top 10 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
Thị phần smartphone theo hãng sản xuất từ IDC từ 2012 - 2015. |
Người tiêu dùng không mặn mà với những thiết bị Android cao cấp. Các hãng sản xuất thiết bị đến từ Trung Quốc bắt đầu trở thành mối đe dọa đến Samsung - kẻ thống trị Android thời điểm hiện tại. Còn Apple, họ vẫn có thị phần ổn định với những khách hàng trung thành. Chỉ những OEM Android là đang "giết" lẫn nhau.
HTC sẽ thế nào trong tương lai?
Điều gì sẽ đến với HTC trong cơn bão di động giá rẻ từ Trung Quốc đại lục? HTC tiến hành tái cơ cấu bằng việc sa thải hàng loạt nhân sự, hãng vẫn có những dòng tiền tích cực để ổn định tại thời điểm hiện tại.
Họ cần phải tìm cách thay đổi để sống sót khỏi làn sóng smartphone giá rẻ và chiếm được thiện cảm từ người tiêu dùng một lần nữa. Nhưng liệu HTC có thể vượt qua được sóng gió hay lại trở thành mục tiêu bị thâu tóm tương tự Motorola. Nhiều người trong số chúng ta hy vọng HTC sẽ trở lại thời kỳ đỉnh cao.