Trong 5 phút, Boris Konrad có thể ghi nhớ hơn 100 ngày tháng và sự kiện bất kỳ. Sau 30 giây, anh ta có thể đọc thứ tự cả bộ bài. Tại Giải Vô địch Trí nhớ Đức năm 2009, Konrad đã ghi nhớ 195 tên và khuôn mặt trong 15 phút, giúp anh giành huy chương vàng.
Trả lời câu hỏi về cảm giác sinh ra với bộ não ghi nhớ rất nhanh, Konrad đơn giản nói rằng anh không biết. Thực chất, tài năng của Konrad có được do luyện tập chứ không phải bẩm sinh.
Khả năng ghi nhớ của Boris Konrad có được sau quá trình rèn luyện. Ảnh: Daniel Kilov. |
Thành "siêu trí nhớ" nhờ rèn luyện
“Tôi sinh ra với trí nhớ bình thường và cứ rèn luyện”, Konrad chia sẻ giải thưởng có được trong các cuộc thi ghi nhớ là thành quả sau nhiều năm luyện tập, học hỏi các kỹ thuật như “lâu đài ký ức” (Memory Palace). Theo Konrad, ai cũng có thể áp dụng các kỹ thuật này để rèn luyện bộ não.
Cùng với Konrad, nhà khoa học thần kinh nhận thức Martin Dresler từ Trung tâm Y khoa Đại học Radboud (Hà Lan) đã nghiên cứu sâu hơn về sự ảnh hưởng đến não bộ của các kỹ thuật ghi nhớ.
23 người tham gia nghiên cứu đã dành 30 phút/ngày, trong 40 ngày liên tiếp để tăng khả năng ghi nhớ danh sách lên hơn gấp đôi. Ví dụ, người chỉ nhớ trung bình 26 từ trong một danh sách có thể ghi nhớ 62 từ sau luyện tập.
Sau 4 tháng kết thúc tập luyện, các nhà nghiên cứu đã mời nhóm tham gia trở lại, nhận thấy khả năng ghi nhớ vẫn rất cao dù không còn rèn luyện. Như vậy, đây không phải khả năng ngắn hạn và không đòi hỏi việc duy trì tập luyện.
Nhóm nghiên cứu của Dresler còn tìm thấy điểm chung sau khi khảo sát 35 người trong những nhà vô địch trí nhớ.
“Bọn họ nói rằng trí nhớ của họ khá bình thường trước khi học các phương pháp ghi nhớ và luyện tập... Phương pháp Loci là một trong những kỹ thuật cải thiện trí nhớ quan trọng nhất”, Dresler cho biết.
Các nhà khoa học đã quét não để kiểm tra sự thay đổi sau khi học các kỹ thuật ghi nhớ. Ảnh: Telegraph. |
Phương pháp luyện tập khả năng ghi nhớ
Phương pháp Loci đôi khi được gọi là “lâu đài ký ức”, là kỹ thuật ghi nhớ có hệ thống xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại, vẫn thịnh hành trong thời Trung cổ và Phục Hưng. Các giáo viên thường áp dụng nó để ghi nhớ ý chính trong những bài giảng dài.
Với phương pháp này, người ghi nhớ sẽ vẽ ra bản đồ của một thứ bất kỳ trong tâm trí, có thể là ngôi nhà hoặc con đường quen thuộc, sau đó gắn những hình ảnh đa giác quan, dễ nhớ vào từng khu vực để tìm lại chúng.
Để ghi nhớ một chuỗi sự kiện không liên quan đến nhau, Konrad sẽ lập bản đồ cơ thể người, từ bàn chân lên đỉnh đầu. Sau đó, anh ta “đặt” 2 từ lên mỗi vị trí để ghi nhớ chúng.
Ví dụ, đặt những từ ở bàn chân là “rêu” (moss) và “bò” (cow), Konrad sẽ tưởng tượng cảnh bước đi trên cánh đồng đầy rêu, bị rêu dính vào tất, ngắm một con bò nặng mùi đang gặm cỏ tren bãi rêu. Vị trí tiếp theo là đầu gối chứa từ “nữ hoàng và chiếc chuông” (queen and bell), Konrad sẽ nghĩ đến hình ảnh bước khỏi đám rêu và ngồi bên một gốc cây. Sau đó, Nữ hoàng Anh xuất hiện và ngồi lên đầu gối của Konrad, lấy trong túi một chiếc chuông và rung thật to.
Nội dung trên có vẻ ngớ ngẩn, nhưng Konrad khẳng định chúng rất dễ nhớ. Phương pháp này tận dụng khả năng của trí nhớ để lưu các vị trí trong không gian và tạo ra sự liên kết.
"Trí nhớ không tự tốt lên"
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học còn chụp lại não bộ để theo dõi sự thay đổi khi tập luyện. Ban đầu, cấu trúc của các bộ não đều giống nhau. Tuy nhiên khi chia thành 3 nhóm người để rèn luyện trí nhớ, chúng đã thay đổi.
Nhóm đầu tiên không tập luyện gì cả, đương nhiên không có sự thay đổi. Nhóm thứ 2 luyện tập theo phương pháp giống trò chơi Concentration, tìm và ghi nhớ vị trí của các thẻ bài giống nhau trên bàn. Trước khi luyện tập, họ có thể ghi nhớ trung bình 26-30 từ. Sau 40 ngày, con số trên tăng khoảng 11 từ.
Tại Giải Vô địch Trí nhớ Mở rộng Anh năm 2011, ứng viên được yêu cầu ghi nhớ 2.000 chữ số và thứ tự xếp của 12 bộ bài. Ảnh: Alamy. |
Nhóm thứ 3 áp dụng phương pháp Loci cho hiệu quả cao nhất. Sử dụng phần mềm Memocamp, họ đã tăng gấp đôi khả năng ghi nhớ trong 40 ngày. Hình chụp cộng hưởng từ phát hiện lưu lượng máu và hoạt động não cho khoảng 2.500 liên kết khác nhau, gồm 25 liên kết liên quan đến các kỹ năng ghi nhớ. Ảnh chụp sau quá trình rèn luyện cho thấy các liên kết đã tự sắp xếp lại giống liên kết của các nhà vô địch trí nhớ, còn những nhóm khác thì không.
Nhà thần kinh học Lars Nyberg từ Đại học Umea (Thụy Điển), người không tham gia nghiên cứu, cho rằng kết quả trên đã góp phần làm sáng tỏ bí mật sau tài năng ghi nhớ mà các “siêu trí nhớ” sở hữu.
“Nghiên cứu cho thấy sự rèn luyện có thể định hình não bộ theo cách tương tự nhau, củng cố quan điểm cho rằng khả năng ghi nhớ cao là thành quả tập luyện, không phải tài năng cá biệt”, ông nói.
Khả năng nhớ danh sách tên và khuôn mặt có một số ứng dụng thực tế như ghi nhớ những thứ cần mua hoặc ghép tên với khuôn mặt, đề bài phổ biến của các cuộc thi trí nhớ. Tuy nhiên, Giáo sư Monica Melby-Lervåg từ Đại học Oslo (Na Uy) cho rằng chúng không tác động nhiều lên khả năng ghi nhớ hoặc nhận thức tổng thể.
“Điều quan trọng là phương pháp này được áp dụng cho các công việc liên quan đến cuộc sống hàng ngày như thế nào, ngoài các cuộc thi ghi nhớ”, Melby-Lervag cho biết. Ngay cả các “siêu trí nhớ” cũng thừa nhận hay quên chìa khóa xe, ví tiền giống mọi người.
Như vậy, các phương pháp ghi nhớ chỉ có hiệu quả khi nhớ một danh sách cụ thể, và chỉ khi con người chủ động sử dụng.
“Trí nhớ không tự tốt lên. Khi không áp dụng những kỹ thuật này, đương nhiên khả năng ghi nhớ của bạn chỉ bằng trước đây mà thôi”, Dresler cho biết.