Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1 tỷ USD vẫn không đủ để ‘giải cứu’ Apple ở Indonesia

Theo chính phủ Indonesia, đề xuất xây nhà máy của Apple không đáp ứng đủ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa nhằm cấp phép bán iPhone 16.

Apple có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu tiếp tục không tuân thủ các quy định đầu tư của Indonesia. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường đông dân thứ 4 thế giới vẫn vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm bán iPhone 16, dù Táo khuyết đã đề xuất kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất AirTag tại đây, Bloomberg đưa tin.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 8/1, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết AirTag không thể tính vào tỷ lệ nội địa hóa cho iPhone.

Chính phủ nước này yêu cầu các hãng công nghệ phải sản xuất một phần smartphone hoặc linh kiện tại đây. Tuy nhiên, AirTag chỉ được xem như một phụ kiện, chứ không phải là thành phần của iPhone.

“Tính đến chiều nay, chính phủ không có cơ sở để cấp chứng nhận nội địa hóa cho Apple để bán iPhone 16 tại Indonesia. Họ cần đàm phán thêm với chúng tôi để có thể được cấp phép”, ông Agus cho biết.

Lệnh cấm iPhone được Indonesia áp dụng từ tháng 10/2024 nhằm gây sức ép buộc tập đoàn phải đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Sự chậm trễ trong việc gỡ bỏ lệnh cấm đã khiến Táo khuyết mất đi cơ hội khai thác một thị trường đầy tiềm năng với 280 triệu dân.

Tại Indonesia, Apple đang phải cạnh tranh với các đối thủ như Samsung và Xiaomi. Những hãng này đã tuân thủ quy định nội địa hóa từ năm 2017 bằng cách xây dựng nhà máy tại đây.

Theo ông Agus, trong trường hợp Apple tiếp tục không tuân thủ, hãng có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ chính phủ. Nhưng đây sẽ là “biện pháp cuối cùng”. “Chúng tôi sẽ xem xét các phương án khác”, ông nói. Bộ trưởng cũng tiết lộ chính phủ đã gửi một đề xuất phản hồi đến Apple để tiếp tục thương lượng.

Trước đó, tối ngày 7/1, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Rosan Roeslani cho hay tập đoàn đã đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất AirTag trên đảo Batam, gần Singapore, với giá trị 1 tỷ USD. Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2026. Các giám đốc của công ty cũng đang ở Jakarta để đàm phán với chính phủ về đề xuất đầu tư.

Dù vậy, thẩm quyền cấp chứng nhận nội địa hóa lại thuộc về Bộ Công nghiệp. Ông Agus khẳng định sản xuất AirTag không liên quan trực tiếp đến tỷ lệ nội địa hóa iPhone, Reuters đưa tin. “Không có cơ sở để bộ cấp chứng nhận nội địa hóa, bởi nhà máy này không liên quan đến linh kiện iPhone”, ông giải thích.

Từ năm 2017, Indonesia đã áp dụng quy định yêu cầu các smartphone được bán trong nước phải đạt ít nhất 35% tỷ lệ linh kiện hoặc giá trị nội địa hóa. Các công ty đối thủ của Apple như Samsung và Xiaomi đã xây nhà máy tại Indonesia để tuân thủ quy định này. Ngoài ra, những cách khác để đạt tỷ lệ nội địa hóa bao gồm sử dụng nguyên liệu trong nước, thuê lao động địa phương, phát triển ứng dụng và đầu tư vào các học viện đào tạo lập trình viên.

Trước đó, Apple đã cố gắng đáp ứng một phần quy định này bằng cách mở các học viện lập trình viên tại Indonesia từ năm 2018. Nhưng hãng không có bất kỳ cơ sở sản xuất nào tại quốc gia này.

Bộ trưởng Agus cũng nhấn mạnh rằng không có thời hạn cụ thể để Táo khuyết phải tuân thủ các quy định. “Nếu Apple muốn bán iPhone 16 và đặc biệt là khi họ dự định ra mắt iPhone 17, quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào họ”, ông nói.

Hiện tại, đại diện của Apple tại Indonesia từ chối bình luận về vấn đề. Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo cấp cao như Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ toàn cầu Nick Ammann và quan chức Indonesia vẫn đang diễn ra, theo Bloomberg.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm