Sau 7 tháng đào bới, một nhóm chuyên gia do cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass dẫn đầu đã khai quật "một số khu vực" của thành phố từng tồn tại cách đây 3.000 năm tuổi. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu ban đầu của nhóm là tìm ngôi đền từng cử hành tang lễ của vua Tutankhamun. Thay vào đó, họ lại khai quật được nhiều khu vực của thành phố thất lạc. Thời gian gần đây, Ai Cập công bố một loạt khám phá lớn, với hy vọng sẽ hồi sinh ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau hai cuộc nổi dậy và đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Thành phố được ông Hawass gọi là "sự trỗi dậy của Aten". Nó được cho là xây dựng từ thời Vua Amenhotep III thuộc vương triều thứ 18. Vua Amenhotep III là người cai trị Ai Cập giai đoạn 1391-1353 trước Công nguyên. "Cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 9/2020. Chỉ sau vài tuần, gạch bùn xuất hiện khắp nơi", theo tuyên bố của Bộ Cổ vật Ai Cập. Ảnh: Xinhua. |
Phần phía nam của thành phố bao gồm một lò bánh mì, lò nướng và kho đồ gốm. Phần phía bắc, vẫn chưa được khai quật hết, gồm các khu hành chính và dân cư. “Đó là khu hành chính và công nghiệp lớn nhất trong thời đế chế Ai Cập ở Tây Luxor", ông Hawass nói. Ảnh: Reuters. |
Ông Hawass cho biết thành phố vẫn hoạt động trong thời kỳ ông Amenhotep III đồng nhiếp chính với con trai Akhenaten. Tuy nhiên, Akhenaten đã bỏ nơi này khi lên ngôi và thành lập thủ đô mới Amarna ở tỉnh Minya, cách Cairo khoảng 250 km về phía nam và cách Luxor 400 km về phía bắc. Ảnh: Zahi Hawass. |
"Việc phát hiện thành phố thất lạc mở ra cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống người Ai Cập cổ đại, vào thời điểm đế chế đang ở thời kỳ thịnh vượng nhất", Betsy Brian, giáo sư nghiên cứu Ai Cập tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, cho biết. Ảnh: Xinhua. |
Theo giáo sư Brian, phát hiện mới nhất cũng giúp làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử: Tại sao Akhenaten và Nefertiti quyết định chuyển đến Amarna. Trong ảnh là bức vẽ Akhenaten và Nefertiti cùng 3 con gái. Ảnh: Getty. |