Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai cản được Simone Biles?

Biles không thi đấu quá thuyết phục ở bài thi vòng loại môn thể dục dụng cụ nữ, nhưng vẫn đủ sức để góp mặt ở cả 6 nội dung chung kết.

Simone Biles đến Tokyo với niềm hy vọng của hàng triệu cổ động viên Mỹ. Dường như áp lực đó khiến cô chưa là chính mình tại bài thi vòng loại hôm 25/7. Nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước. Người hâm mộ xứ cờ hoa và trên toàn thế giới vẫn chờ đợi màn trình diễn chói sáng nhất của ngôi sao thể dục dụng cụ tại Olympic Tokyo 2020.

Simone Biles Olympic Tokyo anh 1

Biles hướng tới giành cả 6 HCV môn thể dục dụng cụ tại Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Áp lực của Biles

5 năm trước, Biles lần đầu đến với Thế vận hội. Cô gái 19 tuổi khi đó với chiều cao 1,42 m đã biến Rio 2016 thành sân khấu của riêng mình với 4 tấm HCV. Cô chính là người đại diện cầm cờ trong lễ bế mạc cho đoàn thể thao mạnh nhất thế giới lúc đó.

Đến với Tokyo lần này, không chỉ là việc tiếp tục viết nên những trang sử mới cho thành tích cá nhân của mình, Biles còn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt ba người đàn em lần đầu tiên đến với Olympic bảo vệ thành công tấm HCV đồng đội nữ danh giá. 4 năm trước, sát cánh cùng cô là Gabby Douglas, Aly Raisman, những nhà vô địch Olympic London 2012. Lần này, với những đồng đội trẻ, áp lực đặt trên vai cô gái 24 tuổi là không hề nhỏ.

Hành trang của Biles đến Tokyo với tư cách là một trong những vận động viên thể dục dụng cụ thành công nhất trong lịch sử. 25 tấm huy chương tại các giải vô địch thế giới, trong đó có 19 HCV, 4 tấm HCV tại Rio 2016 cùng thành tích vô tiền khoáng hậu 5 lần vô địch thế giới liên tiếp ở bài thi thể dục tự do và chưa bao giờ thất bại trong phần thi toàn năng mà cô tham gia kể từ năm 2013.

Những con số trên dường như khiến nhiều người nghĩ Biles sẽ dễ dàng có những tấm huy chương tại Tokyo, nhưng mọi thứ lại không như vậy.

Simone Biles Olympic Tokyo anh 2

Biles gặp đôi chút khó khăn ở bài thi xà lệch tại vòng loại. Ảnh: Reuters.

Có người đã nhận xét: “Biles mang trong mình sự kết hợp từ những gì tinh tuy nhất của thể dục dụng cụ. Sự tinh tế và đẹp đẽ đi liền với sức mạnh cơ bắp. Cô đã cho thấy vẻ đẹp không chỉ là một cô gái tóc vàng với vòng eo nhỏ, nghệ thuật không nằm ở những ý tưởng đã có sẵn, mà là phải tạo ra cái mới và từ đó có thể định nghĩa lại cái đẹp”.

Một trong những sức hút lớn nhất của Biles là ở nụ cười, một nụ cười tươi trên sàn đấu, nụ cười đã giúp cô vượt qua bao nghịch cảnh thuở ấu thơ để có thể vươn lên đỉnh cao như hôm nay. Nhưng dường như, người hâm mộ đang không thấy điều này ở Tokyo. Phải chăng những áp lực đã khiến cô trở nên như vậy.

Trong phần thi vòng loại, Biles đã mắc lỗi đến 3 lần trong các bài thi từ xà lệch, nhảy chống cho đến thể dục tự do, nơi mà xưa nay cô dường như không có đối thủ. Sau bài thi xà lệch không mấy thành công, Biles đã rơi những giọt nước mắt. Thế mới thấy, áp lực trong thể thao lớn đến như thế nào, đặc biệt là đối với những môn thi đấu biểu diễn. Áp lực cũng như kỳ vọng của người hâm mộ khiến cho cô gái 24 tuổi không thật sự là chính mình.

Biles mắc lỗi, không thật sự là chính mình nhưng đẳng cấp của cô vẫn là sự khác biệt rất lớn ở kỳ Thế vận hội lần này. Bằng chứng là việc dù không có những bài thi ưng ý, cô vẫn có mặt trong cả 6 phần thi chung kết ở những ngày tiếp theo bao gồm đồng đội, toàn năng và 4 bài thi đơn môn.

Ở vòng loại, Biles lần lượt giành được các số điểm bài thi thể dục tự do 14,133 - hạng 2, nhảy chống 15,183 điểm - hạng 1, xà lệch 14,566 điểm - hạng 10, cầu thăng bằng 14,066 điểm - hạng 7.

Số điểm trong bài thi toàn năng của Biles là 57,731, dẫn đầu các vận động viên vào chung kết. Bám ngay sau Biles là Andrade Rebeca (Brasil) và người đồng đội Lee Sunisa. 6 vị trí dẫn đầu đều kém Biles không quá 1 điểm. Bên cạnh đó, trong phần thi đồng đội, Biles và tuyển Mỹ xếp thứ 2 với 170,562 điểm, đứng sau đoàn vận động viên Ủy ban Olympic Nga (ROC) với 171,629 điểm.

Simone Biles Olympic Tokyo anh 3

Gánh nặng đè lên đôi vai của Biles. Ảnh: Reuters.

Đối thủ lớn nhất là bản thân

Rất nhiều đang chờ đón Biles và các đồng đội ở phía trước. Mọi chuyện sẽ không dễ dàng như ở Rio 2016. Theo dõi các bài thi tại Tokyo lần này, không khó để nhận ra nhiều động tác được Biles mang đến Olympic 5 năm về trước đã được các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới sử dụng. Đó cũng là điều tất yếu trong thể dục dụng cụ và cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của cô gái 24 tuổi.

Trong bài phỏng vấn mới đây, Biles có chia sẻ: “Tôi đang cố gắng rất nhiều để cải thiện hơn nữa bản thân mình. Mỗi khi ngồi nghĩ lại về những gì mình đã làm được với thể dục dụng cụ, tôi cũng thấy nó thật điên rồ. Tôi đang phấn khích để đến với Tokyo và mục tiêu lớn nhất của tôi là chiến thắng chính bản thân mình”.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi để chiến thắng số phận nghiệt ngã, khẳng định bản thân mình và vươn tới những đỉnh cao trong quá khứ là lớn hơn nhiều so với thử thách lần này. Mọi thứ có khó khăn đến đâu, nhưng chỉ cần vượt qua áp lực và chiến thắng được bản thân mình, chắc chắn vinh quang sẽ lại tiếp tục đến với Biles.

Và người hâm mộ Mỹ tin chắc Biles sẽ làm được. Cô sẽ lại biến Tokyo trở thành sân khấu của riêng mình, không chỉ trên hành trình trở thành vận động viên thể dục dụng cụ vĩ đại nhất lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu người trên thế giới đang từng ngày nỗ lực để vượt qua nghịch cảnh, vươn tới những đỉnh cao.

Giấc mơ có thật của thể dục dụng cụ nam Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử, thể dục dụng cụ (TDDC) có 2 VĐV nam cùng tham gia một kỳ Olympic, điều trước đây chỉ có trong giấc mơ của những nhà chuyên môn.

Nữ VĐV 46 tuổi giải nghệ sau 8 kỳ Olympic

Vận động viên thể dục dụng cụ Oksana Chusovitina người Uzbekistan tuyên bố giải nghệ sau Thế vận hội Tokyo 2020.

Duy Minh

Bạn có thể quan tâm