Đám cưới của vợ chồng Kha, nhìn bề ngoài, lung linh, lãng mạn và là niềm mơ ước của không ít bạn trẻ Việt Nam. Nhưng, đằng sau hoa hồng, rượu ngoại và bánh ngọt là một bí mật mà cô gái 27 tuổi sẵn sàng bỏ một gia tài nhỏ để che giấu: Kha đang mang thai 3 tháng, và người sánh bước cùng cô tại lễ đường thật ra là một người lạ, được thuê để tiến hành đám cưới giả nhằm tránh điều tiếng của xã hội.
Đám cưới giả nghìn USD
"Tôi sẽ bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ mình nếu không chồng mà có chửa", Kha, cô dâu bất đắc dĩ trong đám cưới, nói với AFP.
Tại nhiều vùng của Việt Nam, quan niệm về tình dục, mang thai và hôn nhân vẫn tương đối bảo thủ. Việc đi ngược lại các giá trị truyền thống của dân tộc có thể hủy hoại danh dự của cả gia đình. Đó là một trong những lý do khiến Kha bỏ ra khoản tiền 1.500 USD để tiến hành đám cưới giả nhằm hợp thức hóa cái thai đang lớn dần trong bụng.
Cô dâu trong một đám cưới giả ở Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Dịch vụ đám cưới giả đang phát triển chóng mặt tại Việt Nam, nơi 70% số người trên 15 tuổi đã kết hôn. Các công ty dịch vụ cung cấp từ cha mẹ, họ hàng tới bạn bè giả để tổ chức đám cưới đàng hoàng như thật. Nhiều thanh niên sẵn sàng chi ra hàng nghìn USD để tổ chức những đám cưới giả nhằm thỏa mãn yêu cầu lập gia đình từ cha mẹ, hoặc tránh xung đột khi gia đình hai bên không đồng ý chuyện kết hôn.
Ở Việt Nam, tổ chức đám cưới không có nghĩa sẽ trở thành vợ chồng hợp pháp. Kha và người chồng "hờ" cũng tương tự như vậy. Cô gái 27 tuổi cho biết sẽ mãi mãi biết ơn người đàn ông đã giúp cô dàn dựng màn kịch để giữ lại thể diện cho gia đình trước bạn bè và họ hàng.
"Tôi như một người chết đuối vớ được cọc vậy", Kha cười sung sướng khi trả lời AFP.
Kha cho biết sẽ nói với những người khác trong dòng họ rằng cô bị chồng bỏ rơi. Với Kha, làm một bà mẹ đơn thân bị chồng ruồng bỏ tốt hơn là có một đứa con ngoài giá thú.
Một đám cưới giả ở Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Khoảng cách thế hệ
Quan niệm về mối quan hệ nam nữ đang thay đổi nhanh chóng trong giới trẻ Việt Nam. Ngày càng có nhiều đôi bạn trẻ lựa chọn sống thử trước hôn nhân hoặc thuê một căn hộ để sống riêng sau khi kết hôn.
Tỉ lệ phá thai đang tăng chóng mặt với số vụ phá thai được chính thức ghi nhận là 300.000 ca trong năm 2017. Con số này không phản ánh đúng thực tế bởi nhiều vụ phá thai được thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân và không được ghi chép.
Tuy nhiên, kết hôn lại là một vấn đề truyền thống hoàn toàn khác. Nhiều người vẫn gặp phải áp lực rất lớn từ gia đình và xã hội, đặc biệt từ những người cao tuổi vốn đã sống cả đời với lối suy nghĩ của văn hóa truyền thống.
"Nhiều người không dám sống thật với tình cảm của mình. Họ phải đối mặt với những phong tục tập quán, văn hóa và đánh giá theo lối cũ", nhà nghiên cứu tâm lý Nguyen Duy Cuong nhận xét.
Nhà nghiên cứu cho rằng nhiều bạn trẻ phải bỏ tiền thuê người làm đám cưới giả bởi họ không có lựa chọn nào khác: nói dối hoặc gia đình tan vỡ.
Huong (trái) và Quan (phải) trong đám cưới giả ở Nghệ An. Ảnh: AFP. |
Đó cũng là lý do mà Quan và Huong, một cặp đôi khác, cùng lên kế hoạch tổ chức một đám cưới giả.
Quan xuất thân từ một gia đình có điều kiện. Trong khi gia đình Quan không chấp nhận Huong bởi cô đến từ một vùng quê nghèo khó, cha mẹ Huong kiên quyết đôi trẻ phải làm đám cưới vào năm Dậu 2017 bởi thầy bói phán đây là năm tốt nhất cho đám cưới của hai người.
Đám cưới được tổ chức tại Nghệ An, quê nhà của Huong. Đám cưới này không hoàn toàn giả, trừ toàn bộ gia đình nhà trai. Mọi việc chút nữa đổ bể khi một người họ hàng "hờ" được thuê nhầm lẫn về thời tuổi thơ của Quan trong bài diễn văn đọc trước hàng trăm quan khách. Quan nói dù có chút lừa gạt trong lễ thành hôn, tình cảm và cam kết gắn bó trọn đời của đôi trẻ là chân thật.
"Đám cưới của chúng tôi vừa là thật, lại vừa là giả", Quan nói.
Huong trong lễ thành hôn với Quan. Ảnh: AFP. |
Một tháng sau lễ thành hôn, Quan vẫn chưa tiết lộ về đám cưới cho gia đình mình. Dẫu phải lên kế hoạch nói sự thật với bố mẹ trong tương lai, Quan cho biết cảm thấy "thực sự nhẹ nhõm" khi mọi việc đã được an bài.
Căn bệnh của xã hội
Quan và Huong là 2 trong số hàng trăm khách hàng đã sử dụng dịch vụ đám cưới giả của Vinamost, một công ty dịch vụ có nhiều kinh nghiệm tổ chức đám cưới giả ở Hà Nội. Những người sử dụng dịch vụ của công ty này phải trả mức phí trọn gói tới 4.400 USD.
Nguyen Xuan Thien, người sáng lập công ty, cho biết công ty của ông đã tổ chức hàng nghìn đám cưới giả trong vài năm qua. Mỗi ngày, có tới vài trăm người được công ty thuê để tới dự các đám cưới, tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước.
Nguyen Xuan Thien là giám đốc công ty Vinamost cung cấp dịch vụ đám cưới giả. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi rất lo lắng về thực trạng hiện nay. Giống như người ta chữa bệnh tại bệnh viện, chúng tôi giúp đỡ các chàng trai cô gái và gia đình họ, nhưng chúng tôi không muốn tình trạng này phát triển thêm", ông Thien nói với AFP. Doanh nhân này cho biết ông coi những điều mà Vinamost làm chỉ như một loại hình dịch vụ xã hội và không mang tới nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó, Kha cho biết đám cưới giả kia đã giải thoát cô khỏi gánh nặng che giấu cái thai đang lớn dần trong bụng.
"Thật mệt mỏi khi phải nói dối về cái thai, nhưng bây giờ tôi rất tự tin vào tương lai phía trước", Kha nói với AFP. Cô sẽ lâm bồn vào tháng 4 này.