Sự hỗn loạn mới nhất ở Kabul - với hàng chục nghìn công dân nước ngoài và người Afghanistan cố sơ tán khỏi đất nước khi Taliban lên nắm quyền - cùng với hạn hán và nền kinh tế tê liệt, có thể tạo ra một thảm họa mà quốc tế cần phải hành động ngay lập tức, quan chức của Liên Hợp Quốc cảnh báo vào ngày 21/8, theo Guardian.
Mary-Ellen McGroarty, giám đốc quốc gia của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, nói với Observer rằng hành động phối hợp nhanh chóng là rất quan trọng.
“Nếu không, một tình huống vốn đã khủng khiếp sẽ trở thành một thảm họa thực sự, một thảm họa nhân đạo toàn diện. Chúng ta cần tiếp tế cho đất nước, không chỉ về thực phẩm, mà còn là vật tư y tế, nơi trú ẩn. Chúng tôi cần tiền ngay bây giờ”, bà nói.
Bà McGroarty giải thích rõ: “Sẽ quá muộn nếu trì hoãn thêm 6 hoặc 7 tuần tới. Người dân không có gì cả. Chúng ta phải thu gom lương thực thực phẩm ngay bây giờ và đưa đến các tỉnh, trước khi tuyết vùi lấp đường đi”.
Người dân trèo tường để vào Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu từ Kabul, bà McGroarty cho biết cứ ba người Afghanistan thì có một người bị đói. Hơn hai triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Hạn hán đã khiến sản lượng lúa mì giảm 40%, trong khi đồng tiền của Afghanistan đang sụp đổ. Tỷ lệ mắc Covid-19 của nước này cũng đang tăng cao.
“Xung đột đã leo thang trong vài tháng qua. Hơn 500.000 người phải di dời, 250.000 người trong số đó đã đi kể từ tháng 5”.
“Hàng chục nghìn người đổ về Kabul. Họ đã bỏ lại nhà cửa và trang trại của mình. Mọi người không thể làm nông vì không an toàn khi ra ngoài. Họ không có gì ngoài bộ quần áo trên người. Điều cấp bách hiện nay là cần có một số hình thức ngừng bắn, cho phép mở rộng các hoạt động nhân đạo ra quy mô lớn”.