“Khó khăn lớn nhất là đảm bảo các vấn đề về quyền riêng tư, đồng thời tránh gian lận và tội phạm mạng”, ông James Villafuerte, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Phòng nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), chia sẻ với Zing về quá trình ứng dụng công nghệ số của các nước Đông Nam Á.
Tại buổi hội thảo “Thúc đẩy Đông Nam Á dựa trên tri thức và công nghệ” diễn ra ngày 17/8, ADB công bố báo cáo "Khai thác tiềm năng big data (dữ liệu lớn) ở Đông Nam Á hậu đại dịch", nhằm định hướng thúc đẩy ứng dụng big data trong khu vực.
Ông James Villafuerte, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Phòng nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Ảnh: ADB. |
Trong các đề xuất, ông Villafuerte nhấn mạnh “điều quan trọng nhất là xây dựng văn hóa dữ liệu, đảm bảo các chính sách có bằng chứng khách quan và dựa trên phương pháp khoa học”.
“Bên cạnh đó, những người có chuyên môn và cống hiến cho lĩnh vực này cần được công nhận, có cơ hội thăng tiến trong khu vực công, vì đây là động lực quan trọng để thu hút nhân tài”, ông cho biết thêm.
“(Những người theo đuổi lĩnh vực này) từng cho rằng trở thành nhà khoa học dữ liệu sẽ chỉ bị coi là mọt sách. Nhưng trên thực tế, với tư cách là một nhà hoạch định chính sách, tôi nghĩ chúng ta sẽ cần thu hút nhiều nhân lực hơn, vì hiện có rất ít nhân tài, ngay cả trong ADB”, ông nói với Zing.
Cú hích lớn
Trong buổi hội thảo, ông Remesh Subramaniam, lãnh đạo phụ trách vùng Đông Nam Á của ADB, cho biết: “Hơn hai năm qua, tốc độ thu thập và chia sẻ dữ liệu gia tăng nhanh chóng, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của các nền kinh tế”.
“Tốc độ số hóa rõ ràng đã tăng nhanh trong đại dịch Covid-19. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của big data đối với quá trình cung cấp hiệu quả các dịch vụ công, chẳng hạn chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và giáo dục, mở đường cho việc ứng dụng”, ông cho biết thêm.
Vị chuyên gia cũng đưa ra những dẫn chứng trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, cơ quan y tế có cơ hội tận dụng big data từ các ứng dụng truyền thông xã hội hoặc điện thoại thông minh, để hỗ trợ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh, cũng như triển khai vaccine.
Ngoài ra, theo ông Subramaniamd, nguồn dữ liệu như hình ảnh vệ tinh cũng giúp xác định tỷ lệ đói nghèo tốt hơn.
“Big data cũng có thể được ứng dụng để cải thiện hiệu quả của các chương trình phúc lợi xã hội, như những gì Philippines, Thái Lan, Indonesia và Campuchia, và nhiều quốc gia khác trong khu vực đã làm”, ông nói.
Nhiều quốc gia ứng dụng big data trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Dimensional Insight. |
Trong khi đó, ở lĩnh vực giáo dục, ông Villafuerte cho biết việc áp dụng nhanh chóng giải pháp học tập trực tuyến đã cho thấy cơ hội cải thiện các chính sách giáo dục và sử dụng big data để nâng cao chất lượng thị trường lao động.
Nghiên cứu “Khai thác tiềm năng của big data ở Đông Nam Á hậu đại dịch” cũng chỉ ra rằng trong lĩnh vực giáo dục, các nền tảng truyền thông xã hội cũng như cổng thông tin việc làm trực tuyến cung cấp một lượng lớn dữ liệu về xu hướng việc làm và kỹ năng.
Theo đó, báo cáo ước tính giải pháp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa trải nghiệm học tập, học từ xa và tìm việc làm trực tuyến, có thể đóng góp 77,1 tỷ USD GDP hàng năm cho các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2030.
“Bên cạnh đó, lợi ích từ việc ứng dụng big data vào y tế ước tính đạt 25 tỷ USD, thông qua phân tích số liệu để can thiệp vào các vấn đề sức khỏe cộng đồng, dùng công nghệ kỹ thuật số và big data để theo dõi bệnh nhân từ xa, giảm thời gian nằm viện và số lần nhập viện”, vị chuyên gia trích dẫn báo cáo.
Về vấn đề này, bà Ada Wong, phụ trách các vấn đề công khu vực châu Á tại Sanofi, chia sẻ cơ hội ứng dụng công nghệ và big data vào chăm sóc sức khỏe được đề cập “rất kịp thời”.
“Nguồn tài chính hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bền vững là một trong những vấn đề quan trọng nhất, được các nhà hoạch định chính sách và bên liên quan đề cập”, bà nói. “Đây là cơ hội có lợi cho tất cả các bên, bao gồm cả khu vực tư nhân”.
Nhiều thách thức
Cũng trong buổi hội thảo, ông Nguonly Taing, Giám đốc điều hành Trung tâm Khởi nghiệp Techo, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối với quá trình ứng dụng công nghệ và big data.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng. Họ chiếm hơn 58% GDP (Campuchia). Vì vậy, chúng ta phải hỗ trợ họ áp dụng công nghệ số. Từ đại dịch Covid-19, chúng ta đã học được rằng các doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động kinh doanh nếu không áp dụng công nghệ số”, ông nói.
Nhiều quốc gia đang chú trọng ứng dụng công nghệ số trong giáo dục. Ảnh: OECD Education and Skills Today. |
Dù đánh giá cao tốc độ ứng dụng công nghệ số trong đại dịch, chuyên gia cảnh báo chính phủ các nước Đông Nam Á cần thận trọng trong những bước tiến tiếp theo.
“Chính phủ phải thận trọng xây dựng nền tảng kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng việc sử dụng big data không bị lạm dụng. Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu, chúng ta cần tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, các quy định chống gian lận và vi phạm an ninh mạng”, ông Villafuerte nói.
Một thách thức khác mà ông Taing chia sẻ trong buổi hội thảo là vấn đề thiếu dữ liệu và nguồn nhân lực.
“Khó khăn chính mà (Campuchia) đang đối mặt là không thu thập đủ dữ liệu để coi là big data, và không đủ nhân lực để tận dụng hết tiềm năng của nguồn dữ liệu này. Đó là lý do cần có sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, cũng như các nhà nghiên cứu thông qua chương trình đối tác”, ông nhận định.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của ADB James Villafuerte cũng đề xuất 7 công cụ hỗ trợ chính sách quan trọng giúp mở khóa tiềm năng của big data.
“Đầu tiên là quản trị chiến lược, đòi hỏi chính phủ phải lập kế hoạch và lộ trình để ứng dụng big data. Thứ hai là tính khả dụng và chất lượng dữ liệu, bao gồm áp dụng chính sách dữ liệu mở, tăng cường thu thập, xử lý dữ liệu và tạo ra một nền tảng tích hợp cho phép các hệ thống dữ liệu khác nhau cùng tương tác”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Villafuerte cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế quản lý rủi ro, tăng cường nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ liên quan, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, cũng như xây dựng văn hóa dữ liệu.