Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ACV lý giải về thông tin sân bay Long Thành ‘quên’ ga ngầm đường sắt

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã có trong quy hoạch sân bay Long Thành, hoàn toàn độc lập với công trình Nhà ga hành khách T1.

Mạng xã hội đang chia sẻ thông tin: “Nhà ga số 1 thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đang được các đơn vị triển khai thi công, gói thầu đầu tiên đã đóng 1.545 cọc móng. Điều hết sức đáng tiếc ở giai đoạn này là hạng mục ga ngầm đường sắt không có trong thiết kế và khi đã đóng xong cọc móng, đương nhiên sẽ không thể kết hợp xây ga đường sắt ngầm”.

Ngay lập tức thông tin này gây xôn xao mạng xã hội với nhiều ý kiến cho rằng đây là sự lãng phí khó có thể chấp nhận. Trong khi đó, nhiều ý kiến hồ nghi về tính xác thực của thông tin.

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Theo quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT- sân bay) Long Thành được phê duyệt, hai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm- Long Thành đều đi dọc và nằm hoàn toàn ở trong phạm vi giữa tuyến đường trục nội cảng của Cảng HKQT Long Thành (trong lòng khoảng cách 40m giữa tuyến đường trục nội cảng).

Giai đoạn 1 xây dựng Cảng HKQT Long Thành không thi công xây dựng công trình nào trong phạm vi quy hoạch và đã dự trù khoảng đất trống để cho các công trình xây dựng đường sắt và ga tàu đường sắt trong tương lai theo quy hoạch. Các nhà ga hành khách T1, T2, T3, T4 cùng các công trình xây dựng khác như các nhà để xe đều nằm ngoài, nằm ở hai bên của tuyến đường trục giao thông nội cảng này.

"Theo đề xuất tại nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao hiện nay do Tổng công ty Thiết kế công trình giao thông (TEDI) đang thực hiện, ga đường sắt sẽ được bố trí ngầm trong phạm vi giữa đường trục chính, về phía trước và cách nhà ga hành khách T1 - Cảng HKQT Long Thành là 220m, cách nhà để xe T1 là 35m.

Công trình sau khi đưa vào khai thác sẽ được kết nối bởi hệ thống cầu bộ hành đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ nhà ga hành khách T1 thông qua nhà để xe T1 để kết nối tiếp với ga đường sắt”, đại diện ACV cho hay.

san bay Long Thanh anh 1

Công trường Cảng HKQT Long Thành.

Đại diện ACV cũng khẳng định, công trình nhà ga hành khách T1 – Cảng HKQT Long Thành và các ga đường sắt tốc độ cao, đường sắt nhẹ là các công trình độc lập với nhau về vị trí. Do đó, các kết cấu công trình xây dựng không ảnh hưởng đến nhau và đã có phương án kết nối giữa các công trình này để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến nhà ga hành khách mà không liên quan đến phần móng cọc nhà ga.

Việc thiết kế và thi công được triển khai theo tiến độ của từng hạng mục công trình. Việc đấu nối các hệ thống kỹ thuật như cấp điện, nước, thông tin liên lạc… sẽ được kết nối chung trong tổng thể hạ tầng kỹ thuật của Cảng HKQT Long Thành.

“Do đó, thông tin trên là chưa chính xác, dẫn đến hiểu lầm về quy hoạch chung của Cảng HKQT Long Thành cũng như quá trình đầu tư xây dựng các công trình trong cảng”, vị đại diện ACV thông tin.

san bay Long Thanh anh 2

TEDI cung cấp bản quy hoạch thiết kế mặt bằng vị trí các ga đường sắt trong Cảng HKQT Long Thành.

Trao đổi với PV VietNamNet để làm rõ hơn, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi ngầm ở khoảng giữa dọc theo đường trục chính của Cảng HKQT Long Thành, bố trí 1 ga nằm trong khoảng giữa cụm nhà ga T1, T2. Tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành đi ngầm ở khoảng giữa dọc theo đường trục chính của Cảng HKQT Long Thành, bố trí 1 ga nằm trong khoảng giữa cụm nhà ga T1, T2 và 1 nhà ga trong khoảng giữa cụm nhà ga T3, T4.

Hệ thống nhà ga gồm 4 ga, bố trí đối xứng thành 2 cụm T1, T2 và T3, T4. Phía trước các nhà ga là công trình nhà để xe ô tô cao tầng. Đường trục chính bố trí ở giữa tách các nhà ga tại mỗi cụm thành nhà ga phía Bắc và phía Nam. Hệ thống các công trình kỹ thuật, công trình tiện ích khác.

TEDI cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các dự án, chủ đầu tư các dự án đã có các văn bản thỏa thuận. Theo đó, ACV có văn bản gửi Ban QLDA Đường sắt PMUR thống nhất tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đi ngầm trong khoảng giữa đường trục chính kết nối giao thông của Cảng HKQT Long Thành; Ga đường sắt tốc độ cao đặt tại khu vực giữa cụm ga T1 và T2. Ga đường sắt đô thị đặt trước khu vực cụm T1 và T2 (cạnh ga đường sắt tốc độ cao) và cụm T3, T4.

Sau đó, Ban QLDA Đường sắt PMUR cũng có có văn bản thống nhất các nội dung đề nghị của ACV.

“Có thể nói, việc triển khai các dự án đã có sự phối hợp chặt chẽ đảm bảo tính tổng thể, đúng các nội dung quy hoạch của các dự án liên quan. Các tác động qua lại trong việc đầu tư xây dựng các công trình tại các thời điểm khác nhau đã được nghiên cứu cụ thể và hạn chế ảnh hưởng xấu”, đại diện TEDI khẳng định.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng với 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tổng thể của Bộ Giao thông Vận tải, sau hơn 5 tháng khởi công, các nhà thầu đã huy động hơn 3.200 nhân lực và gần 1.300 máy móc thiết bị để thi công các gói thầu.

Riêng dịp Tết Nguyên đán trên công trường vẫn bố trí gần 800 kỹ sư, công nhân thi công xuyên Tết. Hiện nay, phần ngầm của nhà ga đã thi công xong, tiến độ thi công đường băng và nhà ga đảm bảo tiến độ, tiến độ giải ngân của các gói thầu đạt hơn 11.300 tỷ đồng.

Miền Bắc sắp đón rét đậm hiếm gặp vào đầu tháng 3

Dự báo trong ngày 1-2/3, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh khiến trời rét đậm, vùng núi rét hại, trời mưa nhỏ rải rác làm tăng thêm cảm giác buốt giá.

https://vietnamnet.vn/acv-ly-giai-ve-thong-tin-san-bay-long-thanh-quen-ga-ngam-duong-sat-2253132.html

N.Huyền/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm