Lower Ninth trở thành khu dân cư nghèo khổ nhất tại New Orleans sau siêu bão lịch sử Katrina năm 2005. Sau hơn một thập kỷ, cư dân nơi đây đã thực hiện nỗ lực tái thiết phi thường và dần hồi sinh khu vực từng một thời bị nhấn chìm trong biển nước.
Ông Ronald Lewis là một trong số những cư dân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng lại khu phố. Ông sáng lập ra House of Dance & Father, một bảo tàng cộng đồng, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá đường phố của người Mỹ gốc Phi tại đây.
“Chúng tôi từng bị nước nhấn chìm, giờ lại bị bầu không khí chứa virus nhấn chìm"
Đối với nhiều người, Ronald Lewis là vị anh hùng từng vực dậy cả khu phố sau thảm hoạ. Chính vì thế, sự ra đi của ông sau khi nhiễm virus corona khiến người dân nơi đây bàng hoàng.
“Ông ấy là một trong những người tuyệt vời nhất. Sau thảm hoạ Katrina, Ronald đứng lên vì mọi người với trái tim nhân hậu và sự quan tâm”. Jimmy Lewis, một người hàng xóm trả lời phỏng vấn của The Guardian.
Ông Jimmy Lewis, một người sống sót sau siêu bão Katrina, đang tiếp tục chiến đấu với đại dịch mới. Ảnh: The Guardian. |
Ký ức về siêu bão vẫn hằn sâu trong tâm trí của những người sống sót, bao gồm ông Jimmy Lewis. Lower Ninth tiếp tục “chao đảo” vì đại dịch toàn cầu Covid-19 càng khiến ông Lewis chiêm nghiệm về sự tương đồng giữa hai thảm hoạ này.
“Chúng tôi từng bị nước nhấn chìm. Lần này, chúng tôi lại bị bầu không khí chứa virus nhấn chìm. Đây là một thử thách lớn mà chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua” ông chia sẻ. New Orleans, thành phố lịch sử của bang Louisiana phía bờ Nam nước Mỹ, đang trở thành tâm dịch mới.
Hôm 26/3, NBC dẫn số liệu của Sở Y tế Louisiana cho biết bang này có hơn 2.300 ca nhiễm Covid-19 và có tỉ lệ người tử vong vì dịch cao nhất tại Mỹ. Chỉ riêng khu vực tàu điện ngầm tại thành phố New Orleans đã chiếm tới 70% số ca nhiễm.
Hãng tin địa phương Advocate đầu tuần nhận định New Orleans có mật độ dân cư lây nhiễm cao hơn nhiều khu vực tại thành phố New York đông đúc. Một nghiên cứu của Đại học Louisiana cũng mới chỉ ra New Orleans là nơi có tốc độ virus corona lây lan nhanh nhất trên thế giới trong 2 tuần qua.
“Nếu bạn thấy tình trạng tại Tây Ban Nha và Italy đang rất tồi tệ thì tình hình ở đây cũng đang trên đà phát triển như thế đấy”, Tiến sĩ Gary Wagner đứng đầu nghiên cứu nói trên cho hay. Thống đốc Louisiana, ông John Bel Edwards, ước tính các bệnh viện của bang sẽ hoạt động hết công suất vào 4/4.
Ác mộng trở lại
Giống nhiều điểm nóng khác trên thế giới, New Orleans bắt đầu phải cân nhắc và đưa ra quyết định khó khăn trong ưu tiên cứu người do thiếu hụt giường bệnh.
Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Đại học Tulane, bác sĩ David Mushatt chia sẻ “Thật đau lòng khi thấy nhiều bệnh nhân nhiễm virus không được điều trị hết khả năng. Các y bác sĩ cũng không thể làm việc toàn thời gian vì không đủ đồ bảo hộ”.
Bác sĩ Mushatt hiện đang bị cách ly vì nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Ảnh: The Guardian. |
Bác sĩ Mushatt từng tham gia tuyến đầu chống dịch ở New Orleans và bị lây chéo virus corona từ bệnh nhân. Hiện ông đang bị cách ly nhưng vẫn không thôi trăn trở, lo lắng về trách nhiệm cứu người. “Mọi chuyện có tệ hơn không? Chúng ta sẽ có đủ máy thở, đủ y tá và đủ giường bệnh chứ?”.
Giới chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến New Orleans trở thành tâm dịch mới nổi ở Mỹ. Kể từ cuối tháng 2, thành phố này ăn mừng lễ hội thường niên Mardi Gras, sự kiện quy tụ một triệu du khách đổ ra đường diễu hành.
“Cộng đồng nơi đây vốn rất gắn kết, đặc biệt vào mùa lễ hội xuân. Khi nhóm người càng đông thì cơ hội lây lan càng cao” giáo sư Richard Oberhelman của Đại học Tulane cho hay.
Giờ đây, mọi góc phố đông đúc của New Orleans đều vắng tanh sau khi Thống đốc bang yêu cầu người dân ở nhà vào cuối tuần. “Vấn đề không phải là số ca tăng lên mà vấn đề là tỉ lệ tử cao hơn mỗi ngày” ông Edwards cho hay.
New Orleans là một trong những khu vực nghèo nhất nước Mỹ với 20% dân số có hoàn cảnh khó khăn. Nền kinh tế của thành phố phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Advocate đưa tin số người thất nghiệp bang Louisiana tăng từ 1.400 lên 71.000 chỉ trong một tuần vừa rồi.
Tại cửa hàng tạp hoá duy nhất của Lower Ninth, ông chủ Burnell Cotlon mới phát hành thẻ tín dụng do nhiều khách hàng thân quen không có đủ tiền mặt để mua nhu yếu phẩm. “Nhạc công, nhân viên khách sạn nhà hàng, những người làm công 40h/tuần giờ đây đều trắng tay. Nhiều người đến khóc lóc và khẩn khoản xin việc ở chỗ tôi”.
Ông chủ Burnell Colton trong cửa hiệu tạp hoá nhỏ tại phường Ninth, thành phố New Orleans. Ảnh: The Guardian. |
Ông Colton, người từng mất một cửa hàng trong cơn bão Katrina, ngậm ngùi chia sẻ: “Cơn ác mộng ngày nào như lặp lại thêm một lần nữa. Tôi vẫn nhớ hồi bão Katrina, tôi mất hết nhà cửa và oà khóc như một đứa trẻ”.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang nhận về nhiều lời chỉ trích do phản ứng kém hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch. Nhiều người so sánh cách ông Trump đối mặt với Covid-19 giống Tổng thống Bush giải quyết siêu bão Katrina năm 2005: cả hai đều phản ứng chậm chạp và không ngăn chặn được nhiều thiệt hại về người và của.