21h ngày cuối năm 2021, một nhóm nhân viên nhà hàng bước chân vào buồng cáp treo trên đỉnh núi Sandia, gần thành phố Albuquerque (Mỹ) sau khi tan ca. Ai nấy đều trong tâm trạng phấn khởi bất chấp gió rít và tuyết rơi nặng hạt.
Trong buồng cáp treo, chị Amber Santos, 31 tuổi, đứng bên cạnh thùng rác đựng thức ăn thừa cả nhóm phải mang xuống từ Ten 3, nhà hàng trên đỉnh Sandia. "Gần về nhà rồi", chị Santos nghĩ như vậy trong lúc hệ thống cáp treo bắt đầu chuyển động.
Cùng lên đường về nhà đón năm mới là 19 nhân viên của Ten 3 và 2 nhân viên vận hành hệ thống cáp treo. Họ ngồi trên hai buồng cáp, một buồng có 20 người, buồng kia chỉ chở một người.
Nhưng khi tới gần tháp thứ hai của hệ thống cáp, hai buồng cáp treo dừng lại. Tới 23h, chúng vẫn không nhúc nhích.
“Có điều bất thường”, chị Santos nói với đồng nghiệp.
Máy bay trực thăng hỗ trợ công tác giải cứu. Ảnh: Albuquerque Journal. |
Cuộc cứu hộ giữa bão tuyết
Đối với những người mắc kẹt, sự kiện đếm ngược đón năm mới cuối cùng lại trở thành màn đếm ngược kéo dài hơn 12 tiếng tới thời điểm được giải cứu.
Khi nhiệt độ giảm xuống khoảng -5 độ C, nhóm hành khách gặp nạn bắt đầu phải phân chia khẩu phần những viên kẹo dẻo và 6 chai nước họ mang theo. Họ đã dành những giờ đầu tiên của năm 2022 chờ được giải cứu.
Tới chiều ngày 1/1, toàn bộ 21 người đã an toàn. Không ai bị thương, nhà chức trách cho biết.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn bang New Mexico (NWSR) huy động khoảng 30 tình nguyện viên để trợ giúp cuộc giải cứu.
Spencer Moreland, một chỉ huy thuộc NWSR, cho biết ông nhận được cuộc gọi từ cảnh sát bang New Mexico vào lúc 3h ngày 1/1 và có mặt tại hiện trường vào một tiếng sau. Tới 5h, đội giải cứu bắt đầu hành trình hơn 4 tiếng leo lên mặt núi dốc trong cơn bão tuyết.
Hành khách mắc kẹt xuống trực thăng sau khi được chở tới nơi an toàn. Ảnh: Albuquerque Journal. |
Nhân viên giải cứu phải tới một chiếc cột, trèo lên buồng cáp treo và thiết lập hệ thống dây thừng để hạ người mắc nạn xuống nơi an toàn, ông Moreland nói.
Từ đó, họ đi bộ cùng nhóm hành khách thêm gần 100 m nữa để tới nơi trực thăng hạ cánh. Lần lượt từng nhóm người mắc nạn được trực thăng chở về.
Những người cứu hộ phải chống chọi với điều kiện hiểm trở, Larry Koren - phi công chở người mắc nạn tới nơi an toàn bằng cách hạ cánh tại một chỏm núi hẹp - nói.
Ông Koren, người kiêm nhiệm vị trí phó cảnh sát trưởng Phòng cảnh sát hạt Bernalillo, cho biết nhân viên cơ quan mình và các quan chức địa phương vốn đã huấn luyện với nhóm vận hành cáp treo từ trước để chuẩn bị cho tình huống này.
Nhưng họ chưa bao giờ nghĩ sẽ thực sự tiến hành cuộc giải cứu như vậy. “Chúng tôi không bao giờ đoán được mình sẽ cần giải cứu 21 người giữa bão tuyết”, ông Koren nói.
Michael Donovan, người quản lý tuyến cáp treo đỉnh Sandia, cho biết gió và băng giá khiến dây cáp khẩn cấp bắt chéo với một tuyến cáp khác, ngăn buồng cáp treo tới vị trí.
Ông Donovan cho biết nhóm giải cứu đã gặp may vì tầm nhìn được cải thiện nên trực thăng có thể tham gia hỗ trợ. Nếu không, những người mắc nạn có thể sẽ phải đi bộ tới chỗ an toàn trong khi họ không được chuẩn bị trước.
“Một số đầu bếp chỉ đi dép lê”, ông Donovan nói.
Một hành khách được hạ dần xuống đất từ buồng cáp treo mắc kẹt. Ảnh: Albuquerque Journal. |
Rét và tuyệt vọng
Ban đầu, việc mắc kẹt trên cáp treo vào đêm giao thừa được coi là một hành trình khôi hài dù nguy hiểm, chị Santos nói.
Video trên trang mạng xã hội cho thấy chị cùng những người trong buồng cáp treo đã cùng reo lên “chúc mừng năm mới” vào lúc nửa đêm.
Nhưng rồi nhiệt độ dần tụt xuống. Khi ngoài trời lạnh chưa đầy 2 độ C vào lúc 0h57, nhóm hành khách phải dùng tới những chiếc chăn giữ nhiệt khẩn cấp được cất trong buồng cáp treo và chuyền tay nhau những viên kẹo từ balô.
“Mọi người đều yên lặng”, chị Santos nói. “Ngoài trời tối và lạnh. Chúng tôi lạnh run người vì chăn khẩn cấp không giữ lại chút ấm nào”.
Ảnh chụp bài đăng mạng xã hội của chị Amber Santos cho thấy cảnh tượng bên trong buồng cáp treo. Ảnh: Amber Santos. |
“Bạn bắt đầu có ý nghĩ ‘Liệu mình sẽ chết như thế này ư, trong một chiếc hộp bé tí, bên cạnh là đồng nghiệp?’”, chị nói.
Gió lạnh khiến buồng cáp treo lay động như chiếc xích đu ở sân chơi trẻ em.
Lúc 3h49, cả nhóm co cụm lại. Mọi người hầu hết giữ im lặng nhưng vẫn động viên nhau, chị Santos nói. Lúc đó là -4 độ C, chị tiếp tục run rẩy và không ngủ được.
Dù vậy, chị Santos vẫn cố giữ cho tâm trạng tích cực: Ít nhất buồng cáp treo có sẵn toilet cùng hệ thống loa để giữ liên lạc với nhân viên vận hành đường cáp.
Nhân viên vận hành cho biết đội giải cứu đang trên đường đến nhưng tới 4h sáng 1/1, chị Santos tin rằng mình sắp chết.
“Bạn chỉ thấy tuyệt vọng”, chị nói. “Bạn lạnh và cảm thấy buồn. Bạn chỉ muốn ở nhà vào ngày cuối năm với bạn bè như những người khác”.
Nhưng rồi đội giải cứu đã tới. Sau khi đu dây xuống đất - một trải nghiệm mà chị Santos thấy “thật sự thú vị”, chị lên trực thăng và được kiểm tra sức khỏe. Cuối cùng, chị lên xe về nhà.
“Tôi thật sự không biết nói gì về hôm nay. Thật sự cạn lời”, chị Santos viết trên Instagram sau khi đã an toàn. “Mọi chuyện thật tồi tệ”.