Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X Gia Lai khởi nghiệp bằng son môi từ quả gấc

Làm son môi từ quả gấc với chi phí bỏ ra ban đầu 2,7 triệu đồng, đến nay, Vinh Nữ Diệu Mơ (Gia Lai), chủ dự án khởi nghiệp này đã có doanh thu 50 triệu đồng mỗi tháng.

Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa danh tiếng, Vinh Nữ Diệu Mơ (Gia Lai) được xem là một sinh viên sở hữu công trình khởi nghiệp đáng nể so với nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Giữa năm 2017, khi nhiều sinh viên vừa bước chân ra trường và còn bỡ ngỡ với chặng đường phía trước thì bản thân Diệu Mơ đã xác định được hướng đi trong tương lai: Thực hiện loại son môi thủ công từ quả gấc, tiến vào thị trường mỹ phẩm. 

Từ 2,7 triệu đồng...

Diệu Mơ cho biết trước đây khi còn ngồi trên ghế đại học, ngoài việc học đúng chuyên ngành kỹ thuật môi trường, tiếp xúc với nước, không khí, chất rắn,… thì cô chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ bắt tay vào tinh chế những thỏi son. Nhưng bản tính hiếu kỳ với phòng lab của khoa Hóa (nơi sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm,…) khiến Mơ thường xuyên lui tới chỗ này để… học lỏm.

Một thời gian sau, Diệu Mơ nảy ra sáng kiến thực hiện một loại son môi thiên nhiên từ trái gấc, kết hợp với những kiến thức đã thu lượm được từ các buổi học trực quan.

Sinh vien khoi nghiep bang san xuat son moi anh 1
Vinh Nữ Diệu Mơ vừa tốt nghiệp ĐH Bách Khoa thành công trong việc chế tác quả gấc thành son dưỡng môi. Ảnh: NVCC.

Diệu Mơ cho hay cô nảy sinh suy nghĩ làm son môi từ gấc do nghĩ đến thói quen dùng dầu gấc bôi lên môi vào mùa đông để tránh môi khô nẻ của người dân vùng Gia Lai. Về lý do chọn quả gấc làm son, Mơ cho hay loại quả này có màu đỏ đẹp, giá lại rẻ, dễ kiếm. 

Tháng 3/2015, Diệu Mơ đã rảo quanh khắp các cửa hàng nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade để mua và thử nghiệm tất cả các loại màu khoáng, sáp ong, ống chứa… Để đạt được thành phẩm như ý, không biết bao nhiêu lần Mơ gặp thất bại trong quá trình tinh chế.

Mơ cho hay vì ít kinh nghiệm, lại quá tin tưởng vào nhà cung cấp nên chi phí nhập nguyên vật liệu ban đầu rất cao. Sản phẩm liên tục hỏng, cộng thêm việc loay hoay tìm nguyên liệu trong thời gian đầu khiến cô cũng hoang mang.

“Khi bắt tay vào làm thì giai đoạn đầu rất chật vật, mình mất gần 2 tháng trời dành cho việc nghiên cứu kết cấu son sao cho không bị nhũn (dễ gãy) sau đó hoàn thiện song song với việc pha trộn màu khoáng và các hợp chất để cho thành phẩm ưng ý”, Diệu Mơ nói.

Mẻ son đầu tiên ra đời chỉ với 2,7 triệu đồng. Diệu Mơ chào bán tại những nơi tập trung đông đúc sinh viên như quán cà phê, ký túc xá, công viên sau mỗi giờ học. Có những đêm vì chào hàng quá “say sưa”, Diệu Mơ về tới phòng trọ đúng 0h. Thậm chí, có lúc Mơ vét hết tiền tiết kiệm để mua nguyên liệu, hết tiền đi xe bus phải đi bộ về nhà trọ. 

“Mình còn cắt các khoản tiêu vặt, mua sắm để đổ vào tiền vốn làm son. Vậy mà có khi chọn nhầm nguyên liệu không đạt yêu cầu, mất trắng số tiền này. Thất vọng vậy mà vẫn cứ ‘lì’, đâu có muốn từ bỏ”, Diệu Mơ cho hay.

... đến doanh thu 50-60 triệu đồng/tháng 

Thời gian khó khăn qua đi, Diệu Mơ không chỉ tìm đến những khách hàng là sinh viên kề cận khu vực mà mạnh dạn đem đi chào hàng với những công ty hoặc dân văn phòng, công sở. Mơ còn thực hiện marketing online trên những trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Thỏi son bình dị từ dầu gấc nhanh chóng được nhiều người rỉ tai và tìm đến mua.

“Hiên tại, doanh thu trung bình mỗi tháng của mình vào khoảng 50-60 triệu đồng. Đối với những dịp cao điểm như mùa lạnh hay lễ tết thì có thể tăng thêm khoảng 30%”, Diệu Mơ nói.

Sinh vien khoi nghiep bang san xuat son moi anh 2
Những thỏi son được làm từ trái gấc. 

Mỗi cây son thành phẩm bán ra thị trường có giá khoảng 160.000 đồng. Diệu Mơ cho biết, chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 40% giá vốn mỗi cây son, chưa kể đến các chi phí bán hàng (chiết khấu cho cộng tác viên), tiếp thị sản phẩm…

Tuy nhiên, loại son gấc này chủ yếu bán online và hợp tác phân phối sản phẩm với một số chi nhánh ở các tỉnh thành (TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Gia Lai và Buôn Ma Thuột).

Từ thành công bước đầu, Diệu Mơ quyết định thuê thêm nhân viên phụ việc để tập trung thời gian nghiên cứu và đến nay, cơ sở của bạn đã nghiên cứu và thương mại 3 dòng sản phẩm gồm son màu, son dưỡng không màu và son dưỡng dầu gấc. “So với mặt bằng chung giá son bên mình là khá cao, nhưng đánh giá tỷ lệ này tương đối hợp lý do quy mô sản xuất còn nhỏ”, Diệu Mơ nói.

Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của người khách hàng và mở rộng quy mô sản xuất, Diệu Mơ cũng quyết đinh sẽ áp dụng dây chuyền sản xuất với những loại máy móc tiên tiến. “Đưa vào dây chuyền với nguyên liệu và công thức không đổi, sự hỗ trợ của máy móc sẽ giúp chất lượng son càng tốt hơn”, Diệu Mơ cho biết.

Hiện tại, do chưa đủ vốn đầu tư nhà xưởng nên Diệu Mơ phải thuê một đơn vị gia công, đồng nghĩa giao công thức và quy trình sản xuất cho họ. Chi phí đầu tư một dây chuyển sản xuất có thể cung cấp cho thị trường nội địa lên đến 3-4 tỷ đồng. Chưa kể việc xin giấy phép sẽ phát sinh nhiều vấn đề nên dù không muốn đưa công thức ra ngoài nhưng điều kiện bắt buộc phải như vậy.

Nhìn lại những chặng đường khó khăn và thử thách trước mắt, Diệu Mơ tỏ ra khá tự tin và lạc quan về những thành công mà bản thân sẽ gặt hái được.

Là một khách hàng từng mua nhiều sản phẩm của thương hiệu son gấc, Hồng Ánh (sinh viên năm 4, ĐH KHXH&NV) chia sẻ, loại son này sử dụng rất an tâm và thường xuyên được bạn mang đi quảng cáo nhiều nơi.

“Son đánh môi vừa mềm, mịn mà màu cũng rất tươi, mùi thì dễ chịu. Đặc biệt là không hề kích ứng và thâm môi. Sản phẩm của người Việt mà chất lượng không kém cạnh bất kì thương hiệu mỹ phẩm nào thì mình rất hoan nghênh mở rộng quy mô sản xuất”, bạn Ánh chia sẻ.

Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng sau khi sử dụng lại cho rằng loại son của Diệu Mơ vì chỉ hướng đến mục đích dưỡng môi nên không bền màu. Các mặt hàng vẫn chưa đa dạng và đa dụng.

“Mức giá 160.000 đồng/cây son thì không phải là quá rẻ. Thêm vài chục nghìn nữa thì vẫn có thể mua được một cây son tầm trung của thương hiệu Mỹ, Úc”, một khách hàng tên Hoàng Hương chia sẻ. 



Thái Nguyễn

Bạn có thể quan tâm