“Không ai khởi nghiệp mà không một lần nếm thất bại”, chàng kĩ sư hóa học sinh năm 1989 quê Đồng Tháp bắt đầu câu chuyện bằng triết lý của dân kinh doanh. Tốt nghiệp, anh rời Pháp về Việt Nam, với mong muốn có thể đóng góp xây dựng quê hương.
“Ghét tàn lụi nên làm xanh tươi”
Ban đầu sau khi về nước, anh và một người bạn mở một tiệm bánh ngọt. Nhưng nhiệt huyết dồi dào của tuổi trẻ không làm cơ sở đảm bảo sự thành công cho dự án. Thất bại, anh lại bắt tay xây dựng dự án gốm giả đá, với nhiều hy vọng. Nhưng may mắn vẫn chưa thật sự mỉm cười với anh khi dự án chưa đưa vào ứng dụng đã “chết lâm sàn”.
Cuộc sống bắt đầu thay đổi vào năm 2015, khi anh tìm được lý tưởng với đặc sản quê nhà.
Ngô Chí Công chia sẻ về mô hình ướp sen tươi tại Đồng Tháp. Ảnh: Thái Nguyễn |
Ở Đồng Tháp, Chí Công phát hiện ra lợi thế của cây sen và những giá trị về văn hóa cùng thương mại cao, nên đã ấp ủ thực hiện một dự án khá táo bạo.
“Mình ghét cây sen. Đây là sự thật. Hoa sen mau tàn mà cảm giác của mình là rất sợ điều này. Khi hoa tươi, mùi thơm và vẻ đẹp của cây sen lại không có bất kì loại hoa nào sánh bằng. Và vì ghét sự tàn lụi, mình quyết định ướp tươi hoa sen bằng kĩ thuật bảo quản hoa của Pháp”, Chí Công chia sẻ.
Vốn là dân hóa học chuyên nghiệp, Chí Công lại có lợi thế khi tiếp thu những công nghệ tinh túy của vùng đất dẫn đầu về tinh chế hương hoa, anh lập tức lên một kế hoạch cho việc biến hoa sen thành hoa bất tử.
Sen bất tử giá 100.000 đồng
Với số vốn tích góp được từ sau khi du học và vay mượn người thân (gần 1 tỷ đồng), năm 2015, Công bắt đầu tập trung nghiên cứu đặc thù của cây sen của Đồng Tháp. Tiếp thu mô hình ướp hoa tươi thành công của Đà Lạt, Công nghiên cứu để tạo ra một phương pháp ướp hoa sen tươi với những đặc trưng khác biệt.
“Du học tại Pháp có lợi thế là mình được dạy rất kỹ tư duy. Hầu hết phương pháp mình áp dụng cho cây sen Đồng Tháp là kiến thức tự tìm tòi học hỏi với một người bạn. Cũng nhờ vậy mà dù chưa hề có một tiền đề nào trước đây tại Việt Nam đối với phương pháp ướp tươi hoa sen, nhưng mình vẫn không gặp khó”, Công cho biết.
Theo anh Công, đặc điểm khác biệt của cây sen ướp tươi chủ yếu ở màu sắc của từng bộ phận. Với những loại hoa khác, thường phương pháp ướp tươi đơn giản hơn, bởi chỉ cần giữ độ tươi của một màu duy nhất. Riêng với hoa sen, vì đặc thù màu sắc có độ chuyển liên tục nên phải tẩm ướp sao đảm bảo được màu hồng ở phần đỉnh hoa và trắng dần về cuống. Đối với hoa nở bung thì phải giữ được màu vàng ở nhị hoa.
Một sản phẩm sen tươi ướp của Chí Công. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Bên cạnh đó, thông thường hoa sen chỉ duy trì được độ tươi tầm 1-2 ngày. Với phương pháp ướp này, hoa sen có thể giữ độ tươi từ 6 tháng đến một năm.
“Những sản phẩm hoàn chỉnh hiện tại của mình từng mất cả trăm lần thử nghiệm. Hư - bỏ - làm lại. Cứ thế để có thể làm được một bông hoa hoàn hảo nhất”, Công nói thêm.
Công nghệ ướp tươi này khó nhất là việc đảm bảo về thời gian. Hoa thường phải cắt vào sáng sớm, vì đó là thời điểm cánh hoa nở đều và đẹp nhất. Sau 2 giờ thu hoạch phải xử lý lập tức để đảm bảo độ tươi của hoa. Nếu không tuân thủ, mẻ hoa đó chắc chắn sẽ thất bại.
Nguồn nguyên liệu chính anh sử dụng chủ yếu từ hoa sen lấy tại TP. Cao Lãnh, huyện Tháp Mười của Đồng Tháp. Đối với những vùng nguyên liệu ở xa thường sẽ xử lý ngay tại ruộng.
Công nhớ lại, khi mẻ hoa đầu tiên “ra lò”, người dân Đồng Tháp đã đón nhận vô cùng trân trọng. Sau đó, anh phối hợp với một showroom tại TP.HCM và Paris để phân phối. Dù khá tỉ mỉ và tốn công trong việc ướp và giữ tươi, hoa sen của Công đến tay người dân cũng chỉ dao động khoảng 100.000 đồng/bông.
Hiện mỗi ngày cơ sở anh sản xuất được khoảng 100-150 bông sen để cung ứng cho thị trường. Campuchia, Myanma, một số nước Phật giáo là nơi tiêu thụ sen ướp của anh nhiều nhất.
“Mong muốn của tôi khi thực hiện dự án cây sen ướp tươi là mang hình ảnh cây sen Đồng Tháp đi khắp năm châu. Bạn bè khắp nơi sẽ cảm nhận được hình ảnh chất phác của con người Đồng Tháp qua từng bông sen giản dị”, Công chia sẻ.
Tận dụng từ hoa đến lá của sen Tháp Mười
Nhắc đến vùng đất Đồng Tháp, sen có lẽ là loại cây mang trong mình dồi dào nhất tinh thần văn hóa và thương mại với người dân “xứ sen”. Chính việc áp dụng thành công dự án ban đầu, anh Công dần hướng đến việc đưa ra những dự án phát sinh, để có thể phần nào giúp người dân Đồng Tháp khai thác tối đa tiềm lực của loại cây mang lại nhiều giá trị thương mại.
Mỗi hoa cung cấp cho thị trường có giá 100.000 đồng. Ảnh: Thái Nguyễn |
Nhận thấy các phế phẩm từ lá sen sau khi thu hoạch rất dồi dào nhưng bị bỏ phí, Công nghĩ ra một biện pháp tận dụng triệt để lá cây. Ngoài sản phẩm sen ướp tươi là chủ lực, Công còn phát triển dự án lá sen khô dùng trong việc làm tranh nổi 2D, 3D,…
Dự án này phần nào đáp ứng công việc cho nhiều lao động cao tuổi đã về hưu. Anh còn phối hợp với trung tâm khuyết tật của tỉnh đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật làm tranh với mức lương tương đương với lao động bình thường.
“Nhìn người dân quê mình khi về già cảm thấy cô quạnh và ‘buồn tay’, mình nghĩ ra ý tưởng giúp họ có một công việc để kiếm thêm tài chính. Quan trọng là ai cũng cảm thấy vui vẻ với việc giúp thêm cho gia đình từ chính sản vật của quê nhà”, Công khẳng định.
Điều khiến anh có động lực là sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Đồng Tháp với mô hình khởi nghiệp sen ướp tươi của anh. Anh cũng là gương mặt tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp vừa nhận được hỗ trợ của quỹ khởi nghiệp “Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.