Mỗi phiên đấu thầu, số DN tham gia dao động từ 3 đến 6, chiếm từ 10-15% tổng số thành viên, còn lại là các tổ chức tín dụng.
Diễn đàn kinh tế Mùa thu năm 2013 đang diễn ra tại thành phố Huế. Các chuyên gia đều có những luận đàm về vấn đề kinh tế vĩ mô, trong đó vấn đề quản lý thị trường vàng được bàn luận khá sôi nổi.
Tại Kỷ yếu của Diễn đàn, PGS.TS Ngô Trí Long đã có bài viết về quản lý thị trường vàng ở nhiều góc độ. Riêng về hoạt động đấu thầu vàng, TS Long cho rằng đó là một sân chơi chưa bình đẳng. Theo TS Ngô Trí Long, hiện tại có 22 tổ chức tín dụng và 17 doanh nghiệp đã được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng; 39 đơn vị này có tổng số gần 2.500 điểm kinh doanh tại 63 tỉnh thành trên cả nước.
Vấn đề quản lý thị trường vàng được bàn luận khá sôi nổi tại diễn đàn kinh tế Mùa thu đang diễn ra taị Huế. |
Quan sát qua các phiên đấu thầu cho thấy, tổng số thành viên tham gia mỗi phiên giao động từ 16 - 22 thành viên. Trong đó mỗi phiên đấu thầu, số doanh nghiệp tham gia dao động từ 3 đến 6, chiếm từ 10-15% tổng số thành viên tham gia, đó là: SJC, DOJ, Phú Quý, ViettinGold, VietnamGold, Kim Ngọc Phú. Còn lại là các tổ chức tín dụng, ước lượng gần 90% số vàng đấu thầu của NHNN do các NHTM mua được.
Tại sao số lượng các doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng lại thấp? Bởi, điều kiện mà NHNN đưa ra mức đặt thầu tối thiểu những phiên đầu là 500 lượng, còn những phiên sau là 1.000 lượng, thì những doanh nghiệp nhỏ không thể nào có đủ tiềm lực tài chính để tham gia. Với tỷ lệ đặt thầu tối thiếu là 1.000 lượng/phiên, giá mỗi lượng khoảng 41-42 triệu đống, cộng với 10% trị giá tiền đặt cọc nữa, tổng cộng sẽ mất tối thiểu khoảng 45-46 tỷ đồng/phiên, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu.
Do vậy, sân chơi đấu thầu vàng này gần như chỉ dành cho các NHTM và vài công ty vàng lớn như SJC, DOJI. Trong khi những doanh nghiệp có vốn 100 tỷ đồng theo tiêu chuẩn cấp phép, thì họ không thể sử dụng toàn bộ số vốn này để tham gia đấu thầu. Vì họ phải đầu tư cho cơ sở vật chất (cửa hàng, máy móc kiểm định, hàng hóa,...).
Trong khi đó, NHNN lại cấm các NHTM cho các công ty kinh doanh vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng. Vì vậy, việc các công ty kinh doanh vàng này phải huy động một lúc 45-46 tỷ đồng từ nguồn lực tài chính của chính mình là chuyện bất khả thi. Cùng với nó là mỗi bước khối lượng đặt thầu là 100 lượng cũng là quá lớn. Với điều kiện đưa ra mức đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng/phiên và mỗi bước đặt thầu là 100 lượng, đã vô hình trung loại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra cuộc chơi đấu thầu. Những quy định trên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, loại bỏ nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa ra khỏi cuộc đấu thầu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ.
TS Ngô Trí Long cho rằng, rõ ràng sân chơi này chỉ dành cho NHTM và một vài “ ông” lớn - DN kinh doanh vàng. Phần lớn số vàng đấu thầu của NHNN do NHTM mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây và đã bán ra để lấy VNĐ. Số ít còn lại là các công ty kinh doanh vàng mua, nhưng trong số này nhiều công ty là sân sau của NHTM. Thực chất số vàng đấu thầu được không đưa ra thị trường, mà chảy vào túi các NHTM. Đối với một số NHTM hoàn tất việc đóng trạng thái cũng vẫn phải mua vào để hỗ trợ khách hàng vay vàng chuẩn bị đáo hạn.
Thực tế nhiều NHTM đăng ký rất nhiều điểm giao dich mua bán vàng miếng, nhưng không triển khai được do không đủ kinh nghiệm và khả năng chuyên môn trong việc mua bán trong hoạt động kinh doanh vàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng có bề dày kinh nghiệm, có chuyên môn sâu, có mạng lưới rộng mua bán vàng, nhưng không có đủ nguồn hàng để kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu mua bán vàng của người dân.