Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quản lý thị trường vàng chưa đạt được mục tiêu quan trọng'

3 quan ngại khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn cao được báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu ra. Theo báo cáo này, việc quản lý thị trường vàng chưa đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra, là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Ghi nhận sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước với những can thiệp để điều tiết thị trường ngoại hối và vàng, song báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới công bố cho rằng, lý do cơ bản đạt được điều này là lạm phát đã được kiềm chế, ổn định kinh tế vĩ mô được thiết lập, lãi suất huy động vẫn thực dương.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2013 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế nhắc lại, các can thiệp điều tiết thị trường vàng trong thời gian qua gây nhiều chú ý từ dư luận. Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng, ngay cả khi đã qua thời hạn tất toán trạng thái vàng của ngân hàng thương mại, đã qua đặt ra câu hỏi về nhu cầu thực sự đối với vàng, khả năng duy trì nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước.

Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn cao là một trong những yếu tố khiến cho việc quản lý, điều hành thị trường vàng bị đánh giá chưa đạt được mục tiêu. Ảnh: Minh Dũng.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc quản lý thị trường vàng chưa đạt được các mục tiêu quan trọng do Quốc hội đề ra, là giảm chênh lệch giá trong nước và quốc tế. Chênh lệch này duy trì đáng kể, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước liên tục cung vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu. Sau ngày 30/6/2013 - hạn chót các nhà băng phải tất toán trạng thái - mà chênh lệch vẫn duy trì cao, cho thấy những quan ngại liên quan đến tính hiệu quả trong quản lý thị trường vàng, cơ quan công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2013 nêu quan điểm.

Việc chênh lệch giá trong nước và quốc tế cao có thể là sự kích thích nhập lậu vàng do giới đầu cơ chuyển hóa vàng nhập lậu sang nữ trang. Còn việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu, cung ứng vàng trên thị trường gây lo ngại về dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng, do phải dùng USD để nhập khẩu vàng. Những quan ngại liên quan tới chức năng quản lý, giám sát thị trường, trực tiếp kinh doanh vàng chưa được tách bạch rõ ràng cũng được nêu ra.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc điều tiết thị trường thông qua những áp chế hành chính có thể đạt được một số mục tiêu nhất định trong ngắn hạn, song cũng có khả năng tạo hệ lụy trong trung, dài hạn. Nếu chính sách độc quyền còn kéo dài, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được tuân thủ đầy đủ, sẽ khiến cho các rủi ro bị dồn nén và tích lũy có thể bùng phát khi vượt qua ngưỡng nhất định. Do đó, theo cơ quan này, chính sách đối với thị trường vàng cần được tiếp tục nghiên cứu, để có điều chỉnh nhằm hướng tới một thị trường hiện đại, hiệu quả.

Sau 50 phiên đấu thầu, từ 23/3 đến 6/8, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 51,9 tấn vàng. Trước ngày 30/6 - hạn chót các ngân hàng phải tất toán trạng thái - mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, và có xu hướng thu hẹp sau ngày 30/6, song vẫn cao. Đến nay, giá vàng trong nước đang ổn định dưới 38 triệu đồng/lượng, vẫn cao hơn quốc tế hơn 3 triệu đồng/lượng.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm