Vào viện tâm thần vì 'cơn điên' của vàng
Mua vàng trên 40 triệu đồng/lượng, có tiền sử cao huyết áp, nghe tin giá lao xuống 34 triệu và có khả năng giảm nữa, ông Liên lặng người rồi đổ vào thành ghế.
Mới vài tuần trước, giá vàng còn ở ngưỡng cao khá ổn định trên 40 triệu đồng/lượng, thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mở các phiên đấu thầu vàng. Đến nay, vàng đã giảm sâu nhất trong 2 năm với mức 34-35 và 36 triệu đồng/lượng, rồi bất ngờ tăng trở lại 38 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng giảm bất thường làm đau đầu những người quan tâm đến nó.
Ngày cuối tuần, có mặt tại các công ty vàng, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người dân nghe ngóng và có quyết định khác nhau theo diễn biến của bảng điện tử. Đầu giờ sáng, chứng kiến phiên lao dốc tưởng như không phanh của giá, vàng giảm 2 triệu đồng/lượng, không ít người lo ngại vàng sẽ giảm sâu hơn nữa nên ôm vàng đã mua ở thời điểm giá 40-41 triệu đồng/lượng đi bán cắt lỗ.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi gom tiền mua được 10 cây vàng, chờ thời gian nữa mua nhà thì bán đi. Bởi lẽ gửi tiết kiệm lãi suất 6%/năm chẳng được bao. Tôi mới mua vàng cách đây 3 tuần với giá 41 triệu đồng/lượng, tưởng đã là không thể có giá thấp hơn nữa. Nào ngờ, hôm nay, giá vàng chỉ còn 34 triệu đồng/lượng, tôi vội vàng ôm vàng đến bán và dự tính nếu giá xuống nữa lại mua vào".
Kẻ khóc người cười với sự lên xuống của giá vàng. Ảnh minh họa. |
Nghỉ việc cơ quan nửa ngày, anh Mạnh ôm vàng đến cửa hàng để bán khi giá vàng quanh mốc 34 triệu đồng/lượng. Anh bảo, nghe thông tin vàng còn hạ nữa xuống 32 triệu đồng/lượng hoặc còn xuống thấp nữa nên anh quyết định... cắt lỗ. Ai ngờ, vừa bán dứt tay, giá vàng bập bùng rồi tăng lên 35,45 triệu đồng/lượng và bán ra là 36,05 triệu đồng/lượng. Vừa thua keo trước 70 triệu đồng, anh Mạnh luống cuống lo vàng lại tăng theo chiều thẳng đứng nên gọi vợ rút tiền ngân hàng, bù thêm 20 triệu đồng để mua lại 10 cây vàng vừa bán. Chị vợ mang tiền đến đưa cho chồng trong nỗi bức xúc vì quyết định thiếu chính xác nên đã to tiếng với nhau. Vậy là, tiền công chức tích góp bao nhiêu lâu dành dụm mua nhà, chỉ trong vài tuần một "canh bạc" vàng anh đã thua đứt gần 100 triệu đồng.
Trái ngược với tâm lý bán cắt lỗ của những người như anh Mạnh, nhiều người khi giá vàng bật tăng 1 triệu đồng đã vội vàng xếp hàng đi mua vàng. Tuy nhiên, đến trưa thời điểm giá vàng vẫn trong xu hướng tăng thì nhân viên của Bảo Tín Minh Châu đã trả lời khách hàng: "Hết vàng để bán, khách mua phải chờ đến chiều". Vậy là không ít người lại ôm tiền phấp phỏng nhìn bảng điện tử chờ đợi qua giờ nghỉ trưa, hy vọng mua được vàng trước khi giá tăng cao trở lại?.
Trao đổi với phóng viên một chuyên gia vốn làm kinh doanh vàng nhiều năm mới chuyển qua lĩnh vực ngân hàng cho rằng: "Doanh nghiệp vàng đã trúng thầu tại thời điểm giá cao, thì không bao giờ bán vàng ra nhiều tại thời điểm giá xuống thấp. Như vậy người muốn mua vàng không mua được, còn doanh nghiệp lại không dám bán. Vì nếu bán ra thì doanh nghiệp lại phải mua vào ở mức giá cao nếu sau đó giá tăng. Đứng về góc độ kinh doanh, người bán hàng có quyền làm như thế. Tuy nhiên, vàng lại là hàng hoá đặc biệt nên phải chịu tác động của giá vàng thế giới, chứ không thể một mình một chợ được".
Mắc bệnh tâm thần vì “cơn điên” của giá vàng
Nghe tin bố cô bạn thân đột quỵ cấp cứu ở bệnh viện E, tôi tất tả đến thăm. Ông không còn nhận ra được những người thân yêu quanh mình. Gặp tôi, mẹ cô bạn kể lể qua nước mắt: "Đã thua lỗ vì chạy theo vàng, nay ông ấy lại đổ bệnh. Tôi ân hận quá". Số là, ông bà tiết kiệm được 500 triệu đồng, cộng với tiền của anh Hùng (anh trai bạn tôi) gửi 1,5 tỷ chuẩn bị mua nhà lấy vợ. Thấy vàng giảm về mốc 40 triệu đồng/lượng cho rằng không thể giảm hơn nữa, sốt ruột nên ông bà rút tiền ra mua vàng.
Vừa mới mua vàng được hơn 1 tuần thì vàng lao dốc. Nghe tin mỗi lượng vàng mất gần 6 triệu đồng (so với lúc mua), bà đứng ngồi không yên nhưng cũng không dám gọi điện chia sẻ với chồng vì ông vốn bị cao huyết áp. Hôm ấy, ông Liên đi họp chi bộ, trong khi ngồi trà thuốc với mấy ông trong tổ hưu cùng nghe đài có nói đến giá vàng giảm mạnh hai ngày gần 6 triệu đồng/lượng và có khả năng giảm tiếp vì không có thông tin hỗ trợ cho sự tăng giá. Mấy ông ở tổ hưu thấy ông Liên lặng người dần, rồi đổ vào thành ghế. Mọi người gọi bà đến, gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Con trai, con gái đều ra sức động viên mẹ không suy nghĩ nữa, nhưng cứ nhìn thấy ông đang cấp cứu bà lại khóc.
Không đến nỗi nằm viện thở ô-xy, nhưng ở viện sức khoẻ tâm thần đã có những bệnh nhân bị stress, khủng hoảng tâm lý phải điều trị vì đầu tư vàng. Đến viện này, chúng tôi bắt gặp những con người ngây dại, đôi mắt thất thần, nhìn nơi vô định. Đó là những người điên điều trị tâm lý do đầu tư thua lỗ vào các hạng mục "nhanh giàu, dễ nghèo" như chứng khoán, bất động sản và gần đây là vàng. Một bệnh nhân, đang ngồi thất thần bỗng nghe đến từ "giá vàng" bỗng thay đổi nét mặt: "Nhà đất, tiền, vàng... chị khối. Không phải nghĩ, mai lên chị bán trả đầy đủ".
Khôn ngoan không lại với vàng
Khôn ngoan cũng không tính được sự đỏng đảnh của giá vàng. Dự định ôm quả lớn, trúng đậm, chị Phương tính nếu ôm vàng khi giá thấp sau đó nếu vàng tăng giá (theo như mọi năm tháng 8 vàng tăng đột biến) mỗi phiên 1,5 triệu đồng/lượng (cao điểm có lúc vàng tăng hơn 2 triệu đồng một phiên) thì vay lãi ngày đầu tư vàng vẫn thắng lớn. Vậy là chị vay được 2,5 tỷ đồng với lãi suất 12,5 triệu/ngày cộng với tiền của nhà và vay bạn bè mua được 100 lượng vàng. Nhưng chỉ vài ngày giá vàng giảm với mức kinh khủng.
Tính cả tiền trả lãi, tiền lỗ chị mất 400 triệu đồng/ngày. Chị Phương bị thua lỗ nặng lại thêm chủ nợ đòi tiền, không có cơ hội "cá gỡ" nên lúc nào cũng vò đầu, bứt tai. Thấy dấu hiệu khủng hoảng tâm lý nặng nề, lo sợ chị Phương làm điều dại dột, người nhà đã quyết định tư vấn với bác sỹ tâm lý tại viện Sức khoẻ tâm thần. Chị Phương được đưa đến viện thăm khám và nhận phác đồ điều trị tại nhà.
Theo Người Đưa Tin