Trái cây sấy khô hoặc đông lạnh cũng tốt như trái cây tươi. Ảnh: Pexels. |
Sữa đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, hay sữa thực vật dinh dưỡng hơn sữa bò là những quan niệm về sức khỏe mà chúng ta thường nghe.
Tuy nhiên, theo CNA Lifestyle, không phải tất cả quan niệm này đều đúng. Dưới đây là 9 điều lầm tưởng về dinh dưỡng mà các chuyên gia chỉ ra.
Trái cây và rau củ tươi tốt hơn các loại đóng gói, sấy khô hoặc đông lạnh
Thực phẩm “tươi” không phải lúc nào cũng là tốt nhất. Nghiên cứu phát hiện trái cây và rau củ đông lạnh, đóng hộp hay sấy khô có thể giàu dinh dưỡng như trái cây tươi.
Sara Bleich, giáo sư về chính sách y tế công cộng tại trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan, chia sẻ: “Mua các loại thực phẩm này thường tiết kiệm tiền cũng như dễ dàng đảm bảo lúc nào ở nhà cũng có sẵn trái cây và rau quả. Nhưng bạn cần lưu ý một số loại đóng hộp, đông lạnh hay sấy khô có thể chứa đường bổ sung, chất béo bão hòa và natri. Do đó, hãy đọc nhãn dinh dưỡng và chọn sản phẩm có các thành phần đó ở mức tối thiểu”.
Tất cả chất béo đều không tốt
Tiến sĩ Vijaya Surampudi, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học California, Los Angeles, cho biết một số loại chất béo như chất béo bão hòa và chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
Tuy nhiên, chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa đơn (có trong dầu olive, các loại dầu thực vật khác, bơ và một số loại hạt) và chất béo không bão hòa đa (như dầu hướng dương, các loại dầu thực vật khác, quả óc chó, cá và hạt lanh) thực sự giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, chất béo tốt cũng rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, sản xuất các hormone, hỗ trợ chức năng tế bào và hỗ trợ hấp thu một số chất dinh dưỡng.
Calo là quan trọng nhất trong việc giảm cân
Trên thực tế, nếu bạn tiêu thụ nhiều calo hơn mức đốt cháy, bạn có xu hướng tăng cân. Và nếu bạn đốt cháy nhiều calo hơn mức tiêu thụ, bạn sẽ giảm cân, có thể trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng nghiên cứu không chỉ ra ăn nhiều calo hơn sẽ gây tăng cân bền vững, dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.
Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, giáo sư dinh dưỡng và y học tại Đại học Tufts (Mỹ), cho biết chính các loại thực phẩm chúng ta ăn có thể là nguyên nhân lâu dài gây ra tăng hay giảm cân .
Thực phẩm siêu chế biến như đồ ăn nhẹ giàu tinh bột, ngũ cốc, bánh quy giòn, thanh năng lượng, đồ nướng, nước ngọt và đồ ngọt, đặc biệt có hại cho việc tăng cân. Chúng được tiêu hóa nhanh chóng cũng như tràn vào máu cùng với glucose, fructose và axit amin. Tất cả chất này được gan chuyển hóa thành chất béo.
Thay vào đó, điều cần thiết để duy trì cân nặng khỏe mạnh là chuyển từ đếm lượng calo sang ưu tiên ăn uống lành mạnh, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Người mắc tiểu đường type II không nên ăn trái cây
Theo CNA Lifestyle, điều này bắt nguồn từ việc uống nước ép trái cây có thể làm tăng lượng đường trong máu do hàm lượng đường cao và ít chất xơ so với trái cây nguyên quả.
Người mắc bệnh tiểu đường type II có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng việc ăn trái cây nguyên quả. Ảnh: Pexels. |
Nhưng một số nghiên cứu cho thấy người ăn một khẩu phần trái cây nguyên quả mỗi ngày, đặc biệt là quả việt quất, nho và táo có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II thấp hơn. Và nghiên cứu khác chỉ ra người đã mắc bệnh này ăn trái cây nguyên quả có thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Sữa thực vật lành mạnh hơn sữa bò
Có quan niệm cho rằng sữa thực vật như sữa làm từ yến mạch, hạnh nhân, gạo và gai dầu bổ dưỡng hơn sữa bò.
Tuy nhiên, Kathleen Merrigan, giáo sư về hệ thống thực phẩm bền vững tại Đại học Bang Arizona, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết: “Điều đó không đúng. Xét về hàm lượng protein, thông thường, sữa bò có khoảng 8 g/cốc trong khi sữa hạnh nhân có khoảng một hoặc 2 g/cốc và sữa yến mạch có 2-3 g/cốc”.
Tiến sĩ Merrigan nói thêm mặc dù dinh dưỡng của đồ uống từ thực vật có thể khác nhau, nhiều loại chứa nhiều thành phần bổ sung hơn như natri và đường bổ sung so với sữa bò, có thể gây hại cho sức khỏe.
Khoai tây không tốt cho sức khỏe
Trong cộng đồng dinh dưỡng, khoai tây bị chê bai vì có chỉ số đường huyết cao, do nó chứa nhiều carbohydrate tiêu hóa nhanh, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Daphene Altema-Johnson, làm việc tại Trung tâm Johns Hopkins, cho hay khoai tây thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe. Chúng rất giàu vitamin C, kali, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt khi dùng ngoài da.
Khoai tây cũng không đắt và dễ dàng mua được quanh năm. Các phương pháp chế biến khoai tây lành mạnh bao gồm nướng, luộc và chiên không dầu.
Không nên cho trẻ em ăn thực phẩm từ đậu phộng khi còn nhỏ
Các chuyên gia thường nói với những người mới làm cha mẹ rằng cách tốt nhất để ngăn trẻ khỏi bị dị ứng thực phẩm là tránh cho chúng ăn thực phẩm gây dị ứng như đậu phộng hoặc trứng trong những năm đầu đời.
Nhưng hiện nay, các chuyên gia về dị ứng cho biết tốt hơn hết là bạn nên cho trẻ làm quen với các sản phẩm từ đậu phộng khi còn nhỏ.
Cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn thực phẩm từ đậu phộng vào 4-6 tháng tuổi. Ảnh: Alamy. |
Nếu trẻ không bị viêm da cơ địa nặng hoặc từng bị dị ứng thực phẩm, bạn có thể bắt đầu cho chúng ăn các thực phẩm từ đậu phộng vào khoảng 4-6 tháng tuổi, khi trẻ có thể ăn được chất rắn. Các thực phẩm đó bao gồm bơ đậu phộng pha nước, bánh hoặc bột đậu phộng nhưng không phải đậu phộng nguyên hạt.
Protein trong thực vật không đủ cho cơ thể
Christopher Gardner, nhà khoa học dinh dưỡng, giáo sư y khoa tại Đại học Stanford, chia sẻ: “Thật hoang đường khi cho rằng thực vật hoàn toàn thiếu một số axit amin. Trên thực tế, tất cả loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật đều chứa 20 loại axit amin, bao gồm cả 9 loại thiết yếu”.
Tiến sĩ Gardner chỉ ra sự khác biệt là tỷ lệ của các axit amin này không lý tưởng bằng tỷ lệ axit amin trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Vì vậy, để nhận đầy đủ chất, bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm từ thực vật suốt cả ngày như đậu, ngũ cốc và các loại hạt cũng như ăn đủ hàm lượng protein.
Ăn thực phẩm từ đậu nành tăng nguy cơ ung thư vú
Liều cao estrogen thực vật trong đậu nành được gọi là isoflavone. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của tế bào khối u vú trong các nghiên cứu trên động vật.
Tuy nhiên, tiến sĩ Frank B. Hu, giáo sư kiêm Trưởng khoa dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan, cho hay mối quan hệ này không được chứng minh trong các nghiên cứu trên con người.
Cho đến nay, khoa học không chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn đậu nành và nguy cơ ung thư vú ở người. Thay vào đó, tiêu thụ thực phẩm hay đồ uống làm từ đậu nành như đậu phụ, tempeh, đậu nành edamame, miso và sữa đậu nành thậm chí có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú cũng như tăng khả năng sống sót.
“Thực phẩm từ đậu nành cũng là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có lợi liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim như protein chất lượng cao, chất xơ, vitamin và khoáng chất”, tiến sĩ Hu nói nói thêm.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.