Bằng thông điệp truyền cảm hứng về sự hy vọng và thay đổi, ông Obama đã đánh bại nhiều đối thủ dày dạn và nổi tiếng như cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ John McCain để trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Sau 8 năm ở Nhà Trắng, ông liên tục đạt được tỷ lệ tín nhiệm cao trong dân chúng và ban hành nhiều chính sách mang dấu ấn riêng.
Làm nên lịch sử
Nếu các nhà sử học chỉ được ghi một điều về Barack Hussein Obama, họ sẽ phải lưu ý thế hệ sau rằng: 143 năm sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ ở Mỹ, một nghị sĩ trẻ từ bang Illinois đã trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Vào thời điểm nhậm chức năm 2009, ông Obama mới 47 tuổi.
Năm 2008, thông điệp hy vọng của nghị sĩ Obama trẻ tuổi giúp ông trở thành tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.
|
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama thỉnh thoảng phải cố gắng đưa ý tứ trên vào việc điều hành. Nhưng những xung đột sắc tộc bùng nổ sau các vụ cảnh sát bắn những người da đen không vũ trang và thuyết âm mưu về nơi sinh của Obama vẫn còn dai dẳng.
Tuy nhiên, việc ông Obama đắc cử và trở thành tổng thống phản ánh những sự thay đổi phi thường trong xã hội Mỹ.
Quá lớn để sụp đổ
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama bị phủ bóng bởi sự rơi tự do của nền kinh tế. Khủng hoảng nhà đất cùng sự suy yếu của thị trường tài chính khiến phố Wall và những chủ đầu tư lao đao, “di căn” thành một khủng hoảng kinh tế lớn toàn cầu.
Tổng thống George W. Bush và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã có những biện pháp để kiềm chế bước đầu. Đến nhiệm kỳ của mình, ông Obama vượt qua được những ý kiến phản đối với gói kích thích tài chính lớn, mở rộng chi tiêu chính phủ đến 831 tỷ USD, có những biện pháp giúp cải thiện nền kinh tế.
Khi ông kết thúc nhiệm kỳ, những “dư chấn” chính trị và xã hội của cuộc khủng hoảng vừa qua vẫn còn có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ chứng kiến việc làm mới liên tục được tạo ra trong 75 tháng liên tiếp.
'Công lý đã được thực thi'
“Đêm nay, tôi có thể báo cáo với người dân Mỹ và thế giới rằng Mỹ vừa thực hiện chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden”, Tổng thống Obama nói đêm 2/5/2011.
Phát biểu này đánh trúng tâm lý thất vọng và sự giận dữ của hàng triệu người dân Mỹ suốt một thời gian dài, khi đất nước hùng mạnh nhất thế giới không thể truy cứu trách nhiệm với kẻ gây ra vụ khủng bố 11/9.
Tổng thống Obama theo dõi chiến dịch tiêu diệt bin Laden năm 2011. Ảnh: White House. |
Chiến dịch đặc biệt và mạo hiểm này cũng phản ánh cách chống khủng bố gây tranh cãi của ông Obama là sử dụng các vũ khí chiến đấu không người lái và bao vây. Khi ông Obama rời Nhà Trắng, al-Qaeda và các chân rết của mạng lưới khủng bố này vẫn còn nhưng sự lãnh đạo của chúng ở Afghanistan và Pakistan đã suy giảm đáng kể.
Mâu thuẫn lưỡng đảng
“Một trong số ít những điều khiến tôi tiếc nuối trong nhiệm kỳ tổng thống là sự hiềm khích và hoài nghi giữa các đảng phái ngày càng tệ hơn”, ông Obama phát biểu trong Thông điệp Liên bang cuối cùng.
Kể từ khi Obama đắc cử, phe Cộng hoà tại Quốc hội đã thề chống đối ông đến tận cùng. Những nỗ lực nhằm đóng cửa nhà tù Guantanamo hoặc ban hành các luật lệ kiểm soát súng, dù được dư luận đồng tình lớn sau hàng loạt vụ xả súng gây chấn động, cũng trở thành con bài trong những đấu tranh đảng phái.
Thoả thuận cột mốc
Hơn 2 thập kỷ qua, Mỹ liên tục áp đặt cấm vận hoặc tiến hành những hoạt động ngầm nhằm ngăn cản Iran tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân. Chính quyền Obama đi theo hướng khác: xúc tiến những cuộc đàm phán bí mật với quốc gia Hồi giáo này.
Canh bạc của ông Obama cuối cùng đã hiệu quả khi cho ra một thoả thuận làm chậm tiến trình phát triển vũ khí của Iran, đổi lại là việc giảm đáng kể cấm vận cho nước này.
Thoả thuận trên khiến quan hệ của Mỹ với những đồng minh chủ chốt như Israel và Saudi Arabia trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, nó ngăn chặn một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông và xoa dịu những căng thẳng giữa Iran - Mỹ sôi sục từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.
Chính sách ở Syria
Syria là cuộc khủng hoảng quốc tế lớn thách thức chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama cũng như những tiêu chuẩn để tiến hành can thiệp quân sự.
Ngay cả khi Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc là sử dụng vũ khí hoá học khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng, qua đó chống đối “lằn ranh đỏ” do Obama vạch ra, Nhà Trắng vẫn từ chối lời đề nghị giúp đỡ.
Khủng hoảng Syria vẫn sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Những nhà chỉ trích sẽ tiếp tục tranh luận về sự hợp lý trong chính sách của Obama.
Những câu hỏi được đặt ra như nó làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ đến đâu? Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trục lợi từ điều này để phát triển như thế nào? Và những vấn đề phát sinh khác như dòng người tị nạn tạo ra những bất ổn ở châu Âu còn Nga và Iran thì được dịp thể hiện sự ảnh hưởng trong khu vực.
Cái bắt tay làm tan băng quan hệ Mỹ - Cuba sau nửa thế kỷ. Ảnh: AP. |
Quyết tâm chống biến đổi khí hậu
8 năm ở Nhà Trắng ở Obama tạo ra “thuỷ triều” về các đạo luật bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, cắt giảm khí thải carbon và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Nhằm cổ vũ cho thuyết môi trường trong đời sống chính trị Mỹ, ông Obama đã leo núi băng ở Alaska, đến thăm đảo Midway - một trong những lãnh thổ hẻo lánh nhất của Mỹ - sau khi ký lệnh xây dựng khu dự trữ sinh quyền lớn nhất thế giới, thúc đẩy phê chuẩn Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Nhưng những tâm huyết về môi trường của ông Obama dự kiến có thể bị đảo ngược đáng kể trong nhiệm kỳ của người kế nhiệm.
Chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân
Phe Dân chủ đã từng thử trong nhiều thập kỷ về xây dựng chương trình y tế phổ quát cho toàn bộ người Mỹ nhưng thất bại. Ông Obama tuy chưa thể gọi là thành công nhưng đã mở rộng số lượng người được có bảo hiểm lên đến hàng chục triệu.
Đảng Cộng hoà phản đối kịch liệt Obamacare nhưng không thể ngăn cản nó được thông qua. Khi Trump trở thành tổng thống, phe Cộng hoà đã có cơ hội bãi bỏ chương trình này.
Gặp gỡ những người hàng xóm
Chuyến công du của ông Obama đến Cuba có thể được so sánh như chuyến đi của Tổng thống Richard Nixon đến Trung Quốc. Tuy nhiên, đây thực sự là một cột mốc trong nỗ lực to lớn hơn nhằm cải thiện quan hệ giữa Mỹ với khu vực Mỹ Latin, qua đó loại trừ những cơ hội có thể phát sinh thành chủ nghĩa chống Mỹ.
Trong khoảng 100 ngày sau khi nhậm chức, ông Obama đã khẳng định với các lãnh đạo châu Mỹ rằng nước Mỹ đang thay đổi. Ông đã bắt tay với tổng thống Venezuela khi đó là ông Hugo Chavez, gặp gỡ Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, viếng linh mục người El Salvador từng bị lính Mỹ bắn hạ...