Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

9 chuyến kiểm tra trong 24 giờ để ngăn dịch ở phía Nam của Thủ tướng

Ngày cuối tuần, đoàn công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 9 cơ sở và làm việc với UBND 3 tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng, chống dịch.

Thu tuong Pham Minh Chinh cong tac tai phia Nam anh 1

Vừa kết thúc buổi lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử và cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính bay tới TP.HCM. Chiều muộn ngày 10/7, ông cùng đoàn công tác đặt chân đến Long An.

“Phải đến tận nơi, phải thấy tận mắt, trăm nghe không bằng mắt thấy”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về mục đích các chuyến kiểm tra.

Lịch trình làm việc dày đặc

Long An và Tây Ninh - hai địa phương giáp ranh có mối liên hệ rất chặt chẽ với TP.HCM - là nơi Thủ tướng đặt chân tới đầu tiên.

Chiều muộn ngày 10/7, Thủ tướng tới Long An thăm doanh nghiệp nhiều công nhân nhất tỉnh và kiểm tra bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay đêm đó, ông tiếp tục di chuyển tới Tây Ninh để chuẩn bị cho chuyến kiểm tra vào sáng 11/7. Tại đây, đoàn công tác tới thăm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh - nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19 - và đến thăm cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Vừa kết thúc chuyến làm việc tại Tây Ninh, trưa 11/7, đoàn xe của Thủ tướng đi thẳng Bệnh viện dã chiến vừa thiết lập tại Khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Sau khi kiểm tra công tác điều trị, ông tới thăm khu phong tỏa tại phường Tân Phú (TP Thủ Đức) rồi tiếp tục di chuyển đến Bệnh viện Vinmec (quận Bình Thạnh) để thăm cơ sở xét nghiệm.

Khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giới thiệu về cơ sở vừa cách ly, vừa sản xuất tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Thủ tướng quyết định bổ sung điểm này vào lịch trình.

Chưa đầy 2 giờ, đoàn xe của Thủ tướng di chuyển qua 4 cơ sở tại 2 quận và TP Thủ Đức trước khi về trụ sở UBND TP.HCM để làm việc vào lúc 16h.

Trong khoảng 24 giờ, ông đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 9 cơ sở. TP.HCM là nơi Thủ tướng đến kiểm tra nhiều nơi nhất và dành nhiều thời gian nhất.

Thu tuong Pham Minh Chinh cong tac tai phia Nam anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải). Ảnh: Chí Hùng.

Nói về mối quan tâm dành cho TP.HCM, Thủ tướng chia sẻ Thường trực Chính phủ mới kiện toàn được 3 tháng 5 ngày, nhưng đã có 3 cuộc làm việc trực tiếp, 2 cuộc làm việc trực tuyến với TP.HCM. Ngày 8/7, giữa kỳ họp Trung ương 3, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với riêng TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Một ngày trước đó, 7/7, TP.HCM phát hiện gần 1.700 ca nhiễm trong 24 giờ (từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7).

"Bình thường đã quan trọng nhưng sự cố xảy ra lại càng cảm thấy quan trọng hơn bao giờ hết, càng cảm nhận được sự đóng góp của TP.HCM với cả nước", ông nói.

Không chỉ Thủ tướng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều gửi lời chia sẻ, động viên tới TP.HCM. Nhiều Bí thư tỉnh ủy cũng gọi điện cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn hỗ trợ TP.HCM.

Thành công của TP.HCM là thành công của cả nước

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

“Có người góp người, có sức góp sức, có của góp của, có kinh nghiệm góp kinh nghiệm. Thành công của TP.HCM là thành công của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc lại việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM là quyết định khó khăn nhưng cần thiết. Ông đánh giá sau 3 ngày triển khai, thành phố đã đạt được những hiệu quả nhất định và cần nâng cao quyết tâm để duy trì.

Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định và yêu cầu TP.HCM bình tĩnh, kiên trì thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Chuẩn bị cho tình huống xấu hơn

Tại Long An, Tây Ninh và TP.HCM, Thủ tướng đều nhấn mạnh ưu tiên chống dịch, chỉ sản xuất, kinh doanh nếu đủ điều kiện an toàn.

Thủ tướng chia sẻ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, biến chủng mới của virus lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, do đó, quan điểm chỉ đạo là chống dịch từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch và chống dịch ngay tại cơ sở, lấy cơ sở làm nền tảng, làm trung tâm. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xã phường, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch.

Long An cần tiếp tục thành lập các bệnh viện dã chiến để nâng khả năng sẵn sàng điều trị cao hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Với Long An, Thủ tướng nêu rõ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch. Tỉnh này đã có 488 ca nhiễm (tính đến 10/7) và nguy cơ lây lan trong khu công nghiệp lớn. Hàng ngày, hơn 30.000 người từ Long An về TP.HCM làm việc và 20.000 người từ TP.HCM về Long An.

Thủ tướng yêu cầu chỉ những nơi an toàn, đủ điều kiện mới tập trung sản xuất kinh doanh. “Đây là lựa chọn khó nhưng không còn cách nào khác, nhất là với vị trí trung chuyển của Long An với TP.HCM và các tỉnh miền Tây”, ông nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhận định Long An và Tây Ninh phải sẵn sàng cho tình huống xấu hơn. Long An cần tiếp tục thành lập các bệnh viện dã chiến để nâng khả năng sẵn sàng điều trị cao hơn. Ông đặc biệt lưu ý tỉnh kiểm tra lại năng lực xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng ở mức cao hơn.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Long An rà soát kỹ tình hình và nguy cơ dịch bệnh tại 10 huyện còn lại đang áp dụng Chỉ thị 15, nếu cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16.

Thu tuong Pham Minh Chinh cong tac tai phia Nam anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Tây Ninh sáng 11/7. Ảnh: Nhật Bắc.

Về tình hình dịch bệnh tại Tây Ninh, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do giáp với TP.HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây và đường biên giới dài.

“Phải xác định như vậy để có phương án cao hơn rất nhiều phương án đang có”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao từng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, giải quyết ngay các kiến nghị, vướng mắc của tỉnh.

Thủ tướng cũng đề nghị Tây Ninh đón người có nguyện vọng trở về tỉnh để góp phần giải tỏa cho TP.HCM và phải thực hiện quy trình xét nghiệm, cách ly chặt chẽ.

Tại TP.HCM, Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị phương án ứng phó cao hơn với dịch bệnh, đặc biệt không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Để dân thiếu ăn, thiếu mặc là có lỗi với dân

Thực hiện Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với chính quyền cả 3 tỉnh TP.HCM, Long An và Tây Ninh.

Nếu để người dân thiếu ăn thiếu mặc là có lỗi với nhân dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Tinh thần là không bỏ sót một ai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nếu để người dân thiếu ăn thiếu mặc là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặc lưu ý quan tâm tới những người bán vé số, lao động tự do, bán hàng rong, người lang thang…

Tại buổi làm việc với Long An ngày 10/7, Thủ tướng yêu cầu ngay trong đêm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phải vào cuộc, triển khai ngay nhiệm vụ này. Ngày 11/7, Thủ tướng có thêm 2 cuộc gọi nữa với Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được để kiểm tra tình hình tại tỉnh.

“Đã phong tỏa thì phải lo toan cho người dân”, Thủ tướng quán triệt.

Tương tự ở Tây Ninh, Thủ tướng yêu cầu “làm ngay, không chờ đợi” việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người mất việc làm, người yếu thế, lao động tự do…, triển khai Nghị quyết 68 phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị nơi thực hiện Chỉ thị 16, các khu vực phong tỏa phải linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người dân bằng các giải pháp như lập trung tâm cứu trợ, xe bán hàng lưu động bán các nhu yếu phẩm để người dân không phải đi lại.

Thu tuong Pham Minh Chinh cong tac tai phia Nam anh 4

Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến đời sống người dân tại khu cách ly. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhận định TP.HCM và các tỉnh đều đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh "chưa từng có tiền lệ", Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ với các tỉnh, thành. Ông cũng nhắc nhở địa phương cần tận dụng dịch bệnh như thời cơ để thay đổi, phát triển.

“Phải xem khó khăn, thách thức này là động cơ để trưởng thành, cơ hội để khẳng định mình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với TP.HCM.

Riêng với TP.HCM, Thủ tướng nhận định đây là đầu mối kinh tế - chính trị, an ninh đối ngoại của cả nước. Ông nhiều lần khẳng định “dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch”. Tại buổi làm việc chiều 11/7, lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ cố gắng từ nay đến cuối tháng 7 dành ít nhất 2 triệu liều vaccine cho TP.HCM. Như vậy, 20-25% tổng số vaccine của cả nước sẽ đến TP.HCM.

“Thực hiện mục tiêu kép nhưng trong lúc này, TP.HCM ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu với "đầu tàu kinh tế" của cả nước.

Thủ tướng động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến bệnh viện dã chiến đặt tại Thủ Thiêm, thăm điểm phong tỏa... động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở TP.HCM.

'Cố gắng đến cuối tháng 7 có ít nhất 2 triệu liều vaccine cho TP.HCM'

"Cố gắng từ nay đến cuối tháng 7 có ít nhất 2 triệu liều vaccine cho TP.HCM. Như vậy là ưu tiên 20-25% tổng số vaccine đến TP.HCM", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm