Cơ chế "Bàn tay chết"
Ảnh minh họa: themainewire.com |
Ra đời tại Liên Xô trong những năm đầu thập niên 80, Dead Hand (tạm dịch: Bàn tay chết) là một cơ chế kích hoạt tự động kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nếu Moscow phát hiện dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân. Hoạt động độc lập với chính phủ, Dead Hand cho phép tên lửa hạt nhân của Liên Xô xuất kích để đáp trả đòn tấn công tương tự của đối phương. Vì thế nó khiến mọi đối thủ của Liên Xô phải suy nghĩ rất kỹ trước khi tấn công họ bằng vũ khí nguyên tử, theo Guardian.
Dù Liên Xô đã sụp đổ, nhiều người tin rằng Dead Hand vẫn tồn tại. Thậm chí họ còn lo ngại rằng, trong bối cảnh các lực lượng khủng bố có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, một ngày nào đó Dead Hand sẽ vô tình tự kích hoạt, khiến hàng nghìn đầu đạn hạt nhân bay về phía những mục tiêu không xác định.
Khiến người dân sợ để họ gây sức ép lên chính phủ
Một vụ nổ của bom hạt nhân. Ảnh: blogspot.com |
Nếu hàng trăm hoặc hàng nghìn vũ khí hạt nhân sắp lao xuống đất nước, bạn sẽ làm gì? Hủy diệt quân đội của nước phát động cuộc tấn công là một giải pháp mà nhiều người ủng hộ. Tất nhiên, việc đó chẳng còn giá trị một khi vũ khí hạt nhân nổ. Nhưng với một bộ phận dư luận, chiến binh nên đoạt mạng càng nhiều kẻ thù càng tốt trước khi đối mặt với tình trạng hủy diệt, Washington Post nhận định.
Đó cũng là tư tưởng mà nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tán thành cùng với chính sách không tấn công trước bằng vũ khí nguyên tử. Mọi nhà tư tưởng quân sự đều nhất trí rằng, sau khi hứng chịu đòn tấn công hủy diệt, các nước sẽ đáp trả bằng cách phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào thành phố, trung tâm dân cư và các mục tiêu phi quân sự khác. Vì sợ đòn trả đũa tàn khốc của đối phương, người dân sẽ gây sức ép để chính phủ không bao giờ tấn công phủ đầu nước khác bằng vũ khí nguyên tử.
Đáp trả bằng đòn hủy diệt tàn khốc
Nếu từng chơi một game chiến thuật quân sự liên quan tới xây dựng một lực lượng vũ trang mạnh để nghiền nát quân đội của đối phương khi chúng tấn công, bạn chỉ có thể thắng chắc nếu sức mạnh của bạn vượt trội hơn hẳn so với bên kia.
Học thuyết "phản công bằng sức mạnh gấp bội" là một phần khá quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đe dọa trả đũa hàng loạt là cách để các quốc gia không gây hấn với nhau. Nỗi sợ hãi đối với đòn trả thù tàn khốc trên quy mô lớn, cùng với mong muốn thực hiện đòn trả thù như thế với kẻ thù là hai yếu tố trực tiếp dẫn tới những cuộc chạy đua vũ trang. Trong những cuộc chạy đua vũ trang bất tận như thế, mỗi bên đều cố gắng tích lũy sức mạnh ở mức cao nhất để có thể giành thắng lợi.