Với Nguyễn Thị Tuyết Mai (1984), chuyện để trở thành giám đốc một công ty dược có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng và không ngừng đam mê.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, đại học Thương mại, chị làm lễ tân, kiêm tạp vụ cho một công ty đào tạo, tư vấn và đầu tư tài chính kế toán ở Hà Nội. Tình cờ một đơn vị khách hàng lớn gọi đến, cô đã tư vấn, thuyết phục được vị khách ký hợp đồng, thu về số tiền lúc ấy được gọi là "khủng" cho công ty.
Sau lần đó, Tuyết Mai được lãnh đạo đánh giá cao và cho thử sức ở phòng kinh doanh. Vốn nhạy bén thị trường, lại nắm bắt nhanh kỹ năng bán hàng, cô nhanh chóng đạt thành tích cao, và chỉ trong vòng 4 tháng, cô lễ tân kiêm tạp vụ đã thành trưởng phòng kinh doanh. “Sau những lần thử thách, tôi thấy tự tin hơn, và tự thấy không có gì là không thể làm được, chỉ cần dám làm và cố gắng hết mình”, cô tâm sự.
Nữ giám đốc trẻ trung, xinh đẹp này là người đầy nghị lực và không ngừng phấn đấu. Ảnh: NVCC. |
Hơn 2 năm làm việc ở công ty, Mai học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cũng như thiết lập được các mối quan hệ trong kinh doanh. Vốn là người bản lĩnh, thích thử thách trên thương trường nên cô luôn tự nhủ sẽ tự làm nên một điều khác biệt.
Một lần tham gia hội thảo, câu chuyện về thực phẩm chức năng và thảo mộc thiên nhiên của TS.Phan Quốc Kinh và PGS.TS. Hà Huy Kế (Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam) đã gợi ra ý tưởng kinh doanh táo bạo cho Tuyết Mai. Ngay sau khi về nhà, cô hì hụi trong phòng để viết ý tưởng, tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu về thảo dược, sản phẩm chức năng.
Mẹ Tuyết Mai chia sẻ, cô hay theo dõi những trang tin tức, thời sự nhưng thời gian đó lại hay tìm hiểu về những lá sen, nhân sâm, thảo mộc. Rồi cô gái này còn mua một chồng sách về thảo dược về nghiên cứu. Mai cho biết, sẽ nghỉ việc ở công ty hiện tại, để tự mở công ty về dược phẩm của riêng mình. Tất cả mọi người trong gia đình đều bất ngờ và khuyên ngăn nên suy nghĩ lại, nhưng cô không đổi ý.
“Khi ấy, tôi vừa hoang mang, vừa bất ngờ về kế hoạch của con. Nhưng với bản tính nói là làm, nên tôi biết dù can ngăn thế nào thì Mai cũng làm những gì mình thích. Sau đó, cả gia đình cũng hết sức ủng hộ”, mẹ Mai nói.
Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng Tuyết Mai lại trở thành giám đốc của một công ty dược. Ảnh: NVCC. |
Đầu tháng 7/2009, Mai thành lập công ty riêng, hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, thảo dược và sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Giữa lúc thử thách mới bắt đầu, do trục trặc nên cô phải dừng lại kế hoạch của mình.
2 năm sau, khi mọi chuyện đã ổn định, công ty đi vào hoạt động, từ số vốn 120 triệu đồng và một người bạn làm trợ lý. Mai cho biết, với số tiền 120 triệu đồng, đối với một công ty mới bắt đầu thì không hề lớn, nhưng với gia đình mình thì rất đáng quý. Sau khi thuê mặt bằng, mua sắm thiết bị công ty chỉ còn 20 triệu đồng vốn để kinh doanh và sản xuất.
Bài toán về vốn khiến Tuyết Mai ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng từ kinh nghiệm kinh doanh qua những năm đi làm, cô nảy ra cách vừa bán buôn các sản phẩm nam dược, đông y… ở các nhà máy để quay vòng vốn cho việc sản xuất các sản phẩm dược của riêng mình. “Bóc ngắn cắn dài là phương pháp kinh doanh hiệu quả mà nhiều công ty áp dụng trong thời buổi khó khăn”, cô nói.
Với số vốn ít ỏi trong tay, Tuyết Mai táo bạo tự mình thành lập công ty dược. . Ảnh: NVCC. |
Theo Mai, ngành dược liệu và các sản phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam là một ngành tương đối mới và có nhiều tiềm năng phát triển. Trong khi đó, nguyên liệu không phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài. Bên cạnh nguồn tài nguyên về cây dược liệu quý đa dạng về chủng loại, nó lại còn khá gần gũi và bộ phận lớn người Việt sử dụng dưới dạng thô.
“Người Việt vẫn hay sử dụng cây sen, râu ngô, nấm linh chi,... ở dạng thô để sử dụng hàng ngày. Do đó, sản phẩm dược liệu của công ty vừa đảm bảo an toàn chất lượng, tiện dụng, mẫu mã phù hợp và giá thành hợp lý chắc chắn sẽ thu hút được mọi đối tượng khách hàng”.
Do không chuyên sâu về dược liệu, nên Mai thường lên ý tưởng, sau đó nhờ chuyên gia tư vấn và thẩm định. Sau khi sản phẩm có tiềm năng sẽ được gia công tại nhà máy của công ty. Hiện tại, công ty có hơn 20 nhân viên, và 1 nhà máy chế biến thảo dược ở Hà Nội. Ngoài có sản phẩm về các loài trà thảo dược, đơn vị này còn cho ra các sản phẩm khác nhau như gội đầu, lá tắm, ngâm chân,... được phân phối rộng rãi trên thị trường, doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh của mình,Tuyết Mai cho biết tất cả các ý tưởng sẽ thành hiện thực nếu dám làm và dám đương đầu với nó. Ngoài ra, người làm kinh doanh đừng quá nặng nề vấn đề vốn nhiều hay ít. Bởi, việc xây dựng ý tưởng, xác định mục tiêu và chọn thời điểm bắt đầu là quan trọng nhất.
Anh Nguyễn Đức Minh, người trợ lý duy nhất của Mai từ ngày đầu lập nghiệp chia sẻ: "Tất các các công việc như xin giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận của Bộ Y tế, điều hành công ty và nhà xưởng, kiêm đảm nhiệm, xây dựng mạng lưới phân phối... đều do một mình chị Mai gánh vác. Với thân phận một người phụ nữ, nhiều khi tôi thấy quá tải đối với chị. Nhưng rồi, chị ấy đã rất thành công".
Nói về Tuyết Mai, PGSTS. Hà Huy Kế, Viện phó viện Thực phẩm chức năng Hà Nội chia sẻ: “Mai là người con gái xinh đẹp, nắm bắt cơ hội nhanh, kịp thời. Hơn nữa, cô gái ấy rất nhanh nhạy với thị trường kinh tế. Người dám nghĩ, dám làm như Tuyết Mai thì chắc chắn thành công”.