“Bản năng con người là khai phá, thử thách đặt mình vào tình thế khó khăn nhất thì mới có thể hiểu được chính bản thân”, Phan Bá Mạnh nói. Sự giản dị, chân thành trong cách nói chuyện là ấn tượng Phan Bá Mạnh đem lại cho người gặp mặt. Ông chủ một hiệu phở đang nổi tại thủ đô sinh năm 1981 từng là lãnh đạo công ty tin học và công ty dịch vụ giặt là với hàng trăm nhân viên.
Quán phở gia đình
Mạnh chia sẻ, anh chọn phở làm thách thức mới cho mình xuất phát từ sở thích ăn phở Hà Nội. “Phở là một bản sắc, một thứ văn hóa mà chỉ có Hà Nội có. Nhắc đến Hà Nội là phải nghĩ ngay đến phở”, Mạnh chia sẻ. Vì vậy, anh cảm thấy chạnh lòng khi một ai đó, một nơi nào đó chê phở chỗ này không ngon, chỗ kia mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hà Nội có không ít thương hiệu phở đình đám nhưng lại sản xuất công nghiệp nên bị mất dần yếu tố văn hóa trong bát phở truyền thống. Điều này khiến anh trăn trở cần phải tìm lối đi khác biệt. “Và sự gắn bó, thân thiết như một gia đình tại một quán phở đến nay vẫn ít có, tại sao không phải là mình tạo ra sự khác biệt này”, anh nói.
Phan Bá Mạnh mở quán phở vì tình yêu đặc biệt với món ăn này. Ảnh: NVCC. |
“Vì coi quán như nhà thì mọi người luôn có tâm thế về với quán chứ không phải là đến quán”, doanh nhân sinh năm 1981 chia sẻ. Để tìm một quán phở ngon tại Hà Nội hiện nay không hề khó. nhưng không có nhiều quán vừa ngon, hợp vệ sinh lại thoải mái, gần gũi. Do vậy, điều đầu tiên khi Mạnh bắt tay vào làm phở là giúp người ăn cảm nhận được cái ngon ở mọi góc độ, từ chỗ ngồi, sản phẩm tốt, nhân viên phục vụ tận tình, ngay như nhà vệ sinh cũng phải sạch sẽ, tiện dụng. Mạnh muốn chinh phục khách hàng từ những thứ rất nhỏ như cái tăm, khăn lau, đồ tráng miệng…
Lời lãi không chỉ ở tiền
Với một số thứ miễn phí kèm theo bát phở như cà phê, kẹo cao su, khăn ướt, ngay cả trẻ em dưới 6 tuổi cũng được ăn phở “free”, không ít người hồ nghi về tính hào phóng của chủ quán. Anh thú thực, ban đầu ngay những nhân viên tại quán cũng thắc mắc “thế này làm sao có lãi”.
Nhưng thực tế, tầng lớp khách hàng mà anh nhắm đến chính là người có mức thu nhập trung bình khá và khách hàng yêu cầu cao về sản phẩm, về chất lượng dịch vụ sẽ hiểu về mức giá mà quán đưa ra. Với quán, lợi nhuận không phải là lợi nhuận đơn thuần mà giá trị gia tăng, giá trị thương hiệu. “Tôi tin giá trị của nó là rất lớn, chứ không phải chỉ là bát phở. Chúng tôi không bán phở chúng tôi bán tình yêu cơ mà”, anh cười nói.
Khi được hỏi liệu anh có mạo hiểm khi kinh doanh một món ăn mang tính bí quyết gia truyền, anh cho rằng, đây cũng là thử thách để khai phá. Phở anh nấu không phải là công thức gia truyền mà là "công thức của tình yêu". Đây cũng là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Nhưng khi bắt tay làm, anh hiểu một điều, phải kiểm soát từ khâu quan trọng nhất là nước dùng cho đến phong cách riêng biệt... nếu không sẽ luôn bị động.
Giám đốc 8X đi bán phở cho biết, những bát phở đầu tiên nấu ra khách hàng bỏ lại không ăn hết, anh và các nhân viên đều nếm phần thừa để biết vì sao khách bỏ dở. Ảnh: NVCC. |
Anh tâm niệm không chỉ công thức nấu phở mà tất cả các công việc quản lý khác đều xuất phát từ cái tâm. Không như thế mà ngay những bát phở đầu tiên, khách hàng ăn để thừa lại, anh và các nhân viên đều nếm phần thừa đó. “Mình phải biết được vì sao khách không thể ăn hết bát phở, do mình nấu không ngon hay vì bất cứ lý do để điều chỉnh”, Mạnh chia sẻ.
Làm gì cũng cần tình yêu
Trong câu chuyện với Zing.vn, doanh nhân trẻ tuổi nhắc nhiều đến hai từ “tình yêu”. Đó là tình yêu trong công việc. Anh nói về quán phở của mình một cách say mê và đầy nhiệt huyết. “Tình yêu là vô điều kiện, làm việc gì vì tính yêu cũng rất lạ, chỉ thấy vui và không bao giờ thấy mệt. Thậm chí tình yêu còn sinh ra sáng tạo”.
Mạnh kể, một đôi vợ chồng đang làm công nhân ở nhà máy giặt là. Để giúp người vợ đang mang bầu tháng thứ 5 khỏi bị trượt chân khi lau dọn bọt nước quanh máy giặt bắn ra, người chồng đã có sáng kiến. Anh cắt nền tạo một đường rãnh gần máy giặt để các bọt nước chảy vào đó giúp chỗ làm việc của chị vợ luôn khô ráo, tránh được bất trắc khi chị lau chùi. “Mình chứng kiến và thấy rất đúng khi có tình yêu thì sự sáng tạo là không giới hạn”, anh chia sẻ.
Cũng vì thứ tình cảm đó mà xung quanh anh có những người anh em hỗ trợ từ ý tưởng cho đến đầu tư vốn tại các dự án khác nhau trong đó có quán phở B52. “Khách hàng như người thân của mình. Tốt cho khách cũng là tốt cho bản thân. Mình chân thành với khách hàng trong từng chi tiết thì không có lý gì khách hàng lại bỏ”, anh quan niệm.
Khi thương hiệu phở của Phan Bá Mạnh bắt đầu được định vị trên thị trường cũng là lúc anh nhường lại các vị trí lãnh đạo ở công ty tin học đồng thời cũng có kế hoạch rút khỏi công ty giặt là trong thời gian tới. Mạnh nói, vì anh thấy đã đến lúc trao lại cơ hội cho các bạn trẻ hơn và tin chắc chắn họ sẽ làm tốt hơn mình.
Cuộc nói chuyện với chủ quán phở luôn bị gián đoạn bởi vài cuộc điện thoại, lúc thì công việc lúc thì bạn bè nhưng cuối cùng anh đều hẹn gặp tại quán phở. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh cười và nói: ''Đã là tình yêu thì khó rời lắm, quán như nhà mình rồi".