Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

85% lao động nữ tại khu công nghiệp có nguy cơ mất việc

Viện Công nhân và Công đoàn cho biết 85% lao động nữ tại khu công nghiệp có nguy cơ mất việc làm hoặc bị gây khó khăn cho quá trình bình đẳng giới.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" sáng 13/7, đại diện Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dẫn ra một nghiên cứu có đến 85% lao động nữ tại các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc làm, gây khó khăn cho quá trình bình đẳng giới.

Văn hoá trọng nam khinh nữ

Bình luận điều này, bà Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng một số doanh nghiệp có quan điểm lao động nữ ngoài 35 tuổi làm việc tại các khu công nghiệp đã trải qua một quãng thời gian làm việc dài, nên sẽ mệt mỏi, làm việc không còn hiệu quả nên sa thải họ.

“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có doanh nghiệp biết cách đào tạo lao động, tạo điều kiện cho lao động phát triển thì giá trị sẽ gia tăng hơn là đến lúc người lao động nghỉ việc và phải đào tạo lại lớp lao động mới”, bà Dung lạc quan nói.

Theo bà Dung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã ý thức được việc phải tạo điều kiện cho lao động nữ nâng cao trình độ. Ví như trong lĩnh vực dịch vụ, đã có những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nữ giới hay mời chuyên gia đánh giá, nâng cao tay nghề cho lao động nữ. Trong ngành thuỷ sản hiện nay, tỷ lệ lao động nữ nghỉ việc đã ngày càng giảm.

dien dan doanh nghiep ve binh dang gioi anh 1
Lao động nữ đang thiệt thòi hơn so với nam giới. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng bàn luận về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10,  cho biết đặc thù của nhiều ngành nghề, trong đó có may mặc sử dụng nhiều lao động, lại đa phần là lao động nữ. Ông cho rằng tùy từng ngành nghề mà có chuyện bất bình đẳng hay không. Và doanh nghiệp cần biết cách tận dụng nguồn lao động của mình hơn là việc sa thải họ.

“Khi bàn đến vấn đề bình đẳng giới, nhiều người vẫn nghĩ là thiệt cho nữ giới, tuy nhiên ông Việt khẳng định ở May 10 thì ngược lại, thiệt thòi hơn cho nam giới”, ông nói.

Lấy ví dụ, ông cho biết May 10 xuất khẩu đi nhiều nước có yêu cầu rất cao về đầu vào, trong đó có những điều kiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, có những tiêu chuẩn như phải đảm bảo 25 nữ/nhà vệ sinh, 30 nam/nhà vệ sinh, nên theo ông Việt, nếu không làm được những điều này thì các đơn hàng hàng triệu đô sẽ không thể được ký.

Không quá lạc quan, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng viện dẫn một số nghiên cứu khác cho biết, có 80% giải thích bất bình đẳng trong doanh nghiệp là văn hoá trọng nam khinh nữ, nhận thức của chủ doanh nghiệp.

Ông cho rằng cần có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường lao động, để lao động nữ có thể dễ tiếp cận các công việc và cơ hội việc làm bình đẳng như nam giới.

Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Quân cho rằng việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Ông cho biết tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Việt Nam khá cao, đạt 73%. Hiện tại phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

dien dan doanh nghiep ve binh dang gioi anh 2
Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực. Ảnh: Hoàng Hà.

Kết quả là Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, một trong những chỉ số để đo là sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quân cũng cho rằng bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay Việt Nam vẫn còn một số vấn đề đặt ra, làm cản trở việc đạt được những mục tiêu bình đẳng giới.

Ông cho biết vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp. Theo đó, nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, còn nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế, xã hội, các ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch. Giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30 USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200 USD/tháng.

Cùng với đó, 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm.

Từ đó, ông Lê Quân cho rằng cần đưa ra những giải pháp, đề xuất chính sách cũng như mô hình để giải quyết các vấn đề bất cập trên nhằm hướng tới phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, còn Mỹ thì xuất siêu lớn. Vậy áp lực từ đâu sẽ lớn hơn?



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm