Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

80% đầu tư mới vào điện than toàn cầu đến từ châu Á

Trong khi các khu vực khác đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" hơn, các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Sự phụ thuộc của châu Á vào than đá hoàn toàn đi ngược lại Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu - đó là cảnh báo của chuyên gia Liên Hợp Quốc tại một hội nghị ở Bangkok, Thái Lan, diễn ra gần đây. Lời cảnh báo được nhắc đến trong một bài viết trên SciDev.Net, một website chuyên cung cấp thông tin, phân tích về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển toàn cầu.

"Hơn 80% năng lực điện than toàn cầu đang hình thành là ở khu vực này", Kaveh Zahedi, phó thư ký điều hành Hội đồng Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên Hợp Quốc, nói tại hội nghị Tuần lễ Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương, hồi đầu tháng 9.

Dẫn đầu về điện than

Ông Zahedi cho biết Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á là những nơi dẫn đầu về đầu tư vào nhiệt điện than, với 40% cung ứng năng lượng hiện có tại khu vực là từ loại nhiên liệu hóa thạch này, bất chấp những tác hại đến sức khỏe con người và khí hậu.

Theo Global Subsidies Initiative (Sáng kiến Trợ cấp Toàn cầu, GSI), một chương trình thuộc Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada, việc đốt than để sản xuất điện thải ra nhiều chất độc và các hạt mịn PM2.5 (hạt có đường kính 2,5 micromet trở xuống trong không khí).

nha may dien than o chau a anh 1
Nhà máy nhiệt điện than được xem là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Pixabay.

Những chất độc chính được thải ra trong quá trình này bao gồm thủy ngân, sulfur dioxide (SO2) và nitrogen oxide (NOx). Trong đó, thủy ngân là một kim loại nặng vô cùng độc, có thể làm tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch cũng như đe dọa sự phát triển của trẻ em. Theo một nghiên cứu, các nhà máy điện than chiếm đến 42% lượng phát thải thủy ngân ở Mỹ.

Hạt siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập đường hô hấp và tim mạch, gây ra các bệnh liên quan đến hai hệ cơ quan này cũng như ung thư. 

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 1,2 triệu ca tử vong ở Trung Quốc năm 2016 và 1,3 triệu ca tử vong ở Ấn Độ năm 2017, theo GSI. Tại Indonesia - nước có 60% lượng điện đến từ than đá và con số này dự kiến tăng gần gấp đôi vào năm 2026, 1,3 triệu người chết vì các bệnh không lây truyền trong năm 2015. Trong đó, ô nhiễm không khí vì đốt than được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số bệnh này.

Việc đốt than cũng làm sản sinh carbon dioxide (CO2) và methane (CH4), các khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên. Đây được xem là tác động nguy hại nhất, lâu dài nhất và không thể đảo ngược nhất trong số các tác động môi trường của than đá.

Theo nghiên cứu được GSI trích dẫn, cứ mỗi gram carbon bị đốt sẽ sinh ra gần 4 gram CO2, trong khi than đá có thể chứa từ 60 đến 80% carbon xét về thành phần hóa học, tùy loại). 

Năm 2015, tại Paris, các quốc gia đã đồng ý giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C và giới hạn mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, mục tiêu mà các nước đặt ra trong việc cắt giảm khí thải nhà kính (GhG) đã đẩy Trái Đất vào quỹ đạo tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Theo ông Zahedi, trong khi các khu vực khác trên thế giới đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" hơn, các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.

Có cố gắng nhưng chưa đủ

Trung Quốc và Ấn Độ đã bổ sung điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vào hệ thống cung cấp năng lượng của nước này. Những nước như Indonesia và Philippines cũng đang bắt đầu đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên theo ông Zahedi, "rõ ràng, chừng đó đơn giản là chưa đủ".

"Khu vực chúng ta vẫn là khu vực mà than đá vẫn nhận được những khoản đầu tư mới lớn nhất, và rõ ràng điều này không tương thích với tham vọng của (thỏa thuận) Paris", ông nói.

Ovais Sarmad, phó thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), cho biết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch để ngăn chặn biến đổi khí hậu có nghĩa là ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới vào năm 2020 và cắt bỏ hàng tỷ USD trợ cấp nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân khiến không nhiều người hào hứng đầu tư vào năng lượng tái tạo.

"Thật không may, các NDC hiện tại không đủ để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris", ông Sarmad nói, đề cập đến các mục tiêu được gọi là "Nationally Determined Contributions" (Phân bổ Dự trên Quốc gia) mà các nước đang thiết kế.

nha may dien than o chau a anh 2
Hệ thống điện mặt trời nổi tại Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Imagine China/Newscom.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên toàn cầu, khi điện mặt trời, điện gió và các công nghệ khác trở nên rẻ hơn.

Ngoài ra, các lợi ích khác của năng lượng tái tạo, như cải thiện sức khỏe nhờ giảm thiểu ô nhiễm không khí và cơ hội việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, đã được nhận thức rộng rãi hơn, theo các chuyên gia tại hội nghị.

"Tại nhiều quốc gia, năng lượng tái tạo là lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất, vấn đề kinh tế có thể thấy rõ", Lea Renalder, giám đốc dự án của REN21 - một mạng lưới về chính sách quốc tế trong vấn đề năng lượng bền vững, cho biết.

Đầu tư ở cấp quốc gia và cộng đồng cho các phát kiến "xanh" như lưu trữ pin, microgrid (tạm dịch: lưới điện nhỏ), điện mặt trời nổi và hệ thống điện mặt trời trả tiền, cũng đang gia tăng, theo bà Renalder. Ngân hàng Thế giới cho biết Bangladesh, Fiji, Mông Cổ và Nepal có tỷ lệ năng lượng từ các hệ thống pin mặt trời ngoài lưới điện cao nhất thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với SciDev.Net bên lề hội nghị, Christian Lohberger, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng mặt trời Papua New Guinea, giải thích rằng với sự giảm giá của điện mặt trời trong những năm gần đây, Fiji, Papua New Guinea và các quốc đảo nhỏ hơn có tiềm năng lớn để từ bỏ luôn các nguồn năng lượng truyền thống và "đi thẳng đến các nguồn năng lượng tái tạo mới nhất và lớn nhất".

Tuy nhiên, việc ban hành các quy định và chính sách toàn diện là điều cần thiết ở mỗi quốc gia, bao gồm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông chỉ ra sự thành công của các tấm pin mặt trời nhỏ và nhẹ ở Papua New Guinea, đang thay thế đèn lồng dùng dầu hỏa và củi trở thành nguồn cung cấp năng lượng ở các cộng đồng nông thôn xa xôi, thiếu kết nối với lưới điện.

Hơn 800 đại biểu từ các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân đã tham gia hội nghị kéo dài một tuần tại Bangkok kết thúc hôm 6/9. Hội nghị cũng được tổ chức ở các khu vực khác để cung cấp thông tin cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 25 (COP25) tại Santiago, Chile, vào tháng 12.

20 năm chiến đấu với ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh

Bắc Kinh tuyên chiến với nạn ô nhiễm không khí từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2013, thủ đô Trung Quốc mới thực sự hành động với các biện pháp mạnh tay và đồng bộ.

TQ đóng cửa điện than để 'bảo vệ trời xanh', giảm khói bụi ô nhiễm

Trung Quốc siết chặt quản lý, đóng cửa nhiều nhà máy điện than gây ô nhiễm mấy năm qua trong nỗ lực làm sạch không khí ở các thành phố lớn như Bắc Kinh.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm