Ngày 8/3/2014, chuyến bay số hiệu MH370 mất tích khi thực hiện lộ trình từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Chiếc Boeing 777 chở 239 người biến mất khỏi màn hình radar khi tới gần vùng thông báo bay của Việt Nam. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết về số phận MH370 nhưng các nỗ lực tìm kiếm đều không phát huy hiệu quả. Dựa vào dữ liệu vệ tinh từ một công ty Anh, chính phủ Malaysia tuyên bố MH370 lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, khiến toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, người ta chưa tìm thấy bất cứ dấu vết nào của chiếc phi cơ. Ảnh minh họa: Next Media |
Ngày 17/7/2014, hơn 4 tháng sau sự cố MH370, một máy bay khác của Malaysia Airlines là MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, khi đi từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia. Chiếc Boeing 777 bị bắn cùng 289 hành khách và phi hành đoàn. Mảnh vỡ phi cơ rơi xuống khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine. Mỹ, phương Tây và chính quyền Ukraine cáo buộc tên lửa phòng không của phe nổi dậy bắn rơi máy bay. Trong khi đó, lực lượng ly khai tố cáo chính phủ Ukraine đứng sau vụ việc. Truyền thông Nga cung cấp bằng chứng cho thấy chiến đấu cơ nã tên lửa vào máy bay chở khách. Ảnh: AP |
Ngày 23/7/2014, chuyến bay GE222 của TransAsia Airways, hãng hàng không Đài Loan, gặp sự cố khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay trên đảo Bành Hồ. Điều kiện thời tiết xấu khiến chiếc ATR72 không thể đáp xuống sân bay trong lần hạ cánh đầu tiên. Khi phi công cố thực hiện lại cú tiếp đất, máy bay gặp sự cố và lao xuống khu dân cư làm 48 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Ảnh: Reuters |
Đúng một ngày sau, chuyến bay AH5017 của hãng hàng không Air Algerie gặp nạn ở Mali, giết chết 116 người. Nó rơi khi thực hiện lộ trình từ Ouagadougou, Burkina Faso tới thủ đô Algiers của Algeria. Phi cơ gặp nạn là chiếc McDonnell Douglas MD-83, được đưa vào sử dụng từ 18 năm trước. Theo Reuters, 51 người Pháp có mặt trên máy bay. Ảnh: AFP |
Ngày 28/12/2014, chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia mất tích khi thực hiện lộ trình từ Surabaya, Indonesia tới Singapore cùng 162 người. Sau nhiều ngày tìm kiếm, người ta phát hiện thi thể và mảnh vỡ phi cơ ở biển Java. Các điều tra viên kết luận, chiếc Airbus A320-200 tăng độ cao bất ngờ, khiến phi cơ rơi xuống biển trong hơn 3 phút. Ảnh: AFP |
Ngày 4/2, chuyến bay GE235 của TransAsia Airways gặp nạn và lao xuống một con sông ở Đài Bắc, Đài Loan. Theo các chuyên gia hàng không, phi công cố lái chiếc ATR72 lao xuống nước nhằm hạn chế thương vong và ngăn nó đâm trúng các tòa chung cư của thành phố. 15 trong số 58 hành khách và phi hành đoàn được cứu sống. Phi công nằm trong số những người thiệt mạng. Ảnh: TVB |
Ngày 24/3, chuyến bay 4U9525 của Germanwings gặp nạn ở Nice, Pháp khi bay từ Barcelona, Tây Ban Nha tới Düsseldorf, Đức. Theo các điều tra viên, chiếc Airbus A320-200 lao xuống dãy núi Alps với tốc độ cao, giết chết toàn bộ 150 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Điều tra chuyên sâu cho thấy, cơ phó Andreas Lubitz đã nhốt cơ trưởng bên ngoài buồng lái trước khi chiếm quyền kiểm soát và lao phi cơ xuống đất để tự sát. Hồ sơ y khoa cho thấy Lubitz từng phải gặp nhiều bác sĩ để chữa trị tâm lý. Y cũng mới chia tay bạn gái. Ảnh: Getty |
Ngày 30/6, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Không quân Indonesia gặp nạn sau khi xuất phát từ căn cứ quân sự tại thành phố Medan. Khoảng 2 phút sau khi cất cánh, máy bay lao xuống một khu dân cư nằm cách sân bay 5 km. Cảnh sát đã quy tập được 141 thi thể từ hiện trường tai nạn. Theo người phát ngôn Không quân Indonesia, máy bay chở 122 người, bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn. Phần lớn hành khách là người thân của các quân nhân Indonesia. Phi cơ đâm trúng một khách sạn nhỏ và một quán massage trước khi nổ tung. Nhà chức trách chưa thể xác định số nạn nhân trên mặt đất. Ảnh: Reuters |