Trong chiến dịch tranh cử, doanh nhân Donald Trump đã đưa ra những cam kết đầy tranh cãi. Xây bức tường biên giới với Mexico, cấm người Hồi giáo nhập cư, "bỏ rơi" đồng minh NATO hay Nhật, Hàn hay bỏ tù bà Clinton... là những tuyên bố "không giống ai" của ứng viên đảng Cộng hòa.
Những người ủng hộ xem vị tỷ phú vốn chưa từng có kinh nghiệm chính trường là một hình mẫu "nói thẳng, nói thật". Họ mong muốn ông mang đến những thay đổi để "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Thế nhưng giờ đây, vị tổng thống đắc cử dường như đang đi ngược lại với những gì ông từng nói.
Xóa sổ Obamacare
Ông Trump từng không tiếc lời chỉ trích chính sách cải cách y tế vốn được xem là tâm huyết của Tổng thống Obama, hay còn gọi là "Obamacare". Đạo luật cho phép hàng triệu người nghèo tại Mỹ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Cam kết "đào huyệt chôn" chính sách này trong chiến dịch tranh cử, vị tỷ phú từng nói: "Chúng ta sẽ nhanh chóng thực hiện điều đó. Nó là một thảm họa".
Giờ đây, thay vì khẳng định sẽ "xóa sổ" hoàn toàn chính sách như từng tuyên bố, ông Trump nói có thể giữ lại 2 nội dung được nhiều người ủng hộ.
"Tôi đã nói với ông Obama rằng tôi sẽ suy nghĩ về đề nghị này. Và để thể hiện sự tôn trọng ông ấy, tôi sẽ làm như vậy", Trump nói với Wall Street Journal hôm 11/11.
Ông Donald Trump gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm 10/11. Ảnh: Reuters. |
Bỏ tù bà Clinton
Ông Trump từng nói nếu đắc cử ông sẽ chỉ định một công tố viên truy tố đối thủ Hillary Clinton liên quan đến bê bối sử dụng email cá nhân. Ông khẳng định bê bối của cựu ngoại trưởng "còn lớn hơn cả vụ Watergate".
Tại các cuộc vận động của ông Trump, cử tri mang theo khẩu hiệu đồng thời hô hào "bắt nhốt bà ta lại". Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, ứng viên đảng Cộng hòa nói với Clinton rằng nếu ông thành tổng thống thì "bà sẽ phải ngồi tù".
Tuy nhiên, khi được hỏi về "kế hoạch" này sau khi đắc cử, ông nói: "Đây không phải là việc dễ dàng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều".
Xây bức tường biên giới Mexico
Kế hoạch "bức tường biên giới" với Mexico có lẽ là biểu tượng nổi bật nhất trong những cam kết chính sách gây tranh cãi của Trump. Ông nói người nhập cư từ Mexico "đưa ma túy, đưa tội phạm" vào Mỹ và nhiều lần tuyên bố Mỹ "sẽ xây một bức tường" để ngăn chặn điều này. Đồng thời, ông khẳng định sẽ buộc Mexico chi trả kinh phí xây dựng bức tường.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một cố vấn của ông Trump đồng thời là ứng cử viên cho vị trí ngoại trưởng trong nội các mới, đã tỏ ý nghi ngờ về kế hoạch nói trên.
"Ông ấy sẽ mất nhiều thời gian để kiểm soát được vấn đề biên giới. Có lẽ ông ấy sẽ không thực sự yêu cầu Mexico chi trả cho bức tường nhưng đó rõ ràng là một công cụ tranh cử hiệu quả", ông Gingrich nói.
Cấm cửa người Hồi giáo
Năm 2015, ông Trump được những người ủng hộ cổ vũ khi kêu gọi "đóng cửa toàn diện với người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ". Năm 2016, ý tưởng trên được ông sửa đổi thành cấm công dân đến từ các quốc gia "thỏa hiệp với khủng bố".
Tuần qua, khi được một phóng viên hỏi về khả năng đệ trình quốc hội xem xét kế hoạch này, ông Trump không đưa ra câu trả lời và nhanh chóng rời đi.
Ông Donald Trump trong một cuộc vận động tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: Getty. |
Đánh thuế hàng hóa Trung Quốc
Khi cáo buộc các thế lực bên ngoài làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, Trump hướng đến Trung Quốc. Ông nói hàng hóa từ quốc gia đông dân nhất thế giới xuất sang Mỹ "phải bị áp thuế ở mức 45%". Tuyên bố này có lẽ đã lấy lòng được những người Mỹ bị mất việc trong bối cảnh thị trường lao động chuyển sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, cố vấn chính sách Wilbur Ross nói ông Trump đã nhầm lẫn và đó "không phải là những gì ông định làm".
"Điều ông ấy thực sự muốn đề cập ở đây là dường như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được định giá cao hơn 45% và nếu họ không đàm phán với chúng ta thì việc đe dọa áp thuế nhập khẩu 45% là bước đi cần thiết trong đàm phán".
Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran
Thỏa thuận gây tranh cãi này thường xuyên được ông Trump viện dẫn khi công kích đối thủ từ đảng Dân chủ. Hồi tháng 10, "phó tướng" Mike Pence nói nếu giành chiến thắng, ông Trump sẽ "xé bỏ" thỏa thuận.
Tuy nhiên, cố vấn Walid Phares của đảng Cộng hòa nói với BBC sau ngày bầu cử rằng "xé bỏ có lẽ là một cách diễn đạt cường điệu".
"Ông ấy sẽ giữ lại thỏa thuận đó. Sự ra đời của nó phù hợp với bối cảnh quốc tế. Ông ấy sẽ xem lại".
'Bỏ rơi' đồng minh
Các đồng minh khối NATO từng bàng hoàng sau khi ông Trump tỏ ý Mỹ có thể rút khỏi liên minh này nếu ông thành tổng thống. Lý do là vị tỷ phú cảm thấy các nước chưa chi ngân sách đủ cho vấn đề quốc phòng.
Vị tổng thống đắc cử cũng từng nói sẽ để Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, "tự lo lấy" chương trình quốc phòng của mỗi nước.
Sau cuộc điện đàm mới đây giữa ông Trump và Tổng thống Park Geun Hye, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo ông Trump cam kết duy trì hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc theo hiệp ước đã ký.
Khôi phục hình thức tra tấn 'chết đuối trên cạn'
Trấn nước hay "chết đuối trên cạn" là một hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt, chịu cảm giác tương tự khi bị ngạt nước và sắp chết đuối. Việc này đã bị cấm tại Mỹ sau khi bị phát hiện vào năm 2007.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã vấp phải làn sóng phản đối sau khi nói rằng ông sẽ phục hồi biện pháp tra tấn này. Tuy nhiên, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, thành viên đảng Cộng hòa Mike Rogers nói rằng phát biểu của ông Trump chỉ đơn thuần mang tính "tiêu khiển".