Trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump nhiều lần khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và hứa tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Đối với Trung Quốc, ông cho rằng cường quốc này là "kẻ cắp việc làm" của người Mỹ và tuyên bố sẽ đem công việc trở lại đất Mỹ.
Ngoài ra, Trump phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chống lại việc Washington bảo vệ các đồng minh.
Tuy nhiên, tựu trung lại các hứa hẹn của Trump về đối ngoại rất mâu thuẫn nhau và chưa rõ ràng, ông nói chủ yếu về khía cạnh kinh tế. Chiến thắng của ông tại Mỹ đang đặt các đồng minh lẫn đối thủ của Washington vào chuỗi ngày hồi hộp vì trước một kỷ nguyên bất định vừa mở ra.
Chiến dịch tranh cử của Trump tập trung vào đối nội, và khi nói về quan hệ quốc tế, Trump chủ yếu đánh vào khía cạnh kinh tế như việc các nước lấy đi việc làm của người Mỹ hay Washington tiêu tốn quá nhiều cho các đồng minh. Ảnh: AP. |
Chính sách châu Á mơ hồ
Ví dụ mới nhất về sự khó lường trong chính sách của Trump là vấn đề Triều Tiên, nơi Mỹ cần Trung Quốc để kiềm chế Bình Nhưỡng đang liên tục khiêu khích.
Khi tranh cử, Trump tuyên bố rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên và Mỹ luôn là bên chịu thiệt trong mối quan hệ với hai đồng minh này.
Sau khi đắc cử, trong cuộc trò chuyện điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Trump được cho đã khẳng định lại cam kết của Washington với Seoul, Yonhap dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn.
Trong khi đó, Gregory B. Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á và là nhà nghiên cứu tại Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Mỹ), cho rằng việc Trump chỉ nhìn quan hệ Mỹ - Trung dưới góc độ kinh tế là một việc nguy hiểm.
"Những người thân cận ít ỏi quanh Trump rành về châu Á lại là những nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc", South China Morning Post dẫn lời ông Poling. Ông này cũng cho rằng các cố vấn của Trump về quan hệ quốc tế không phải các chuyên gia mang quan điểm chủ đạo của đảng Cộng hòa và chiến lược châu Á của ông còn rất mơ hồ.
Chiến lược xoay trục đi về đâu?
Trump hết lời chỉ trích chính sách quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Obama. Trong khi đó, chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương là dấu ấn của thời đại Obama với công trình sư là Hillary Clinton khi còn làm ngoại trưởng.
Tình hình bán đảo Triều Tiên đã căng thẳng hơn nhiều trong vài năm qua. Nếu Trump thực hiện tuyên bố khi tranh cử của mình và buộc hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc "tự lực" bằng việc trang bị vũ khí hạt nhân, xung đột trong khu vực này sẽ bị đẩy lên cao độ và thúc đẩy các hoạt động khiêu khích của Triều Tiên.
Viễn cảnh Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên có thể gây phản ứng ngược, việc các nước Hàn, Nhật tự trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó Triều Tiên sẽ làm Bình Nhưỡng tức giận hơn cả hiện diện của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Với việc TPP đổ vỡ, hình ảnh của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Mỹ không còn khả năng tác động lên các tranh chấp trong khu vực nữa. Trump không thể hiện rõ quan điểm của ông với vấn đề Biển Đông, nhưng nếu TPP không được thông qua, tuyên bố của Mỹ về đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực sẽ không còn sức nặng như trước.
Chuyên gia Poling cho rằng các đồng minh của Mỹ tại châu Á nên có "kế hoạch B" để đề phòng trong trường hợp Mỹ giảm hiện diện tại khu vực này.
Trung Quốc bất an
Trung Quốc đang gầy dựng ảnh hưởng trong khu vực bằng các sáng kiến như "Một vành đai, một con đường" kết nối Trung Quốc với cả lục địa Á - Âu, hoặc Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á. Bắc Kinh sẽ hưởng lợi nếu TPP đổ vỡ.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể leo thang căng thẳng trên Biển Đông nếu khu vực này vắng bóng Mỹ.
Tuy nhiên, việc quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng không có lợi cho cả hai bên lẫn thế giới, và Bắc Kinh không mong muốn điều này. Viết trên Project Syndicate, Minghao Zhao, thành viên Hội đồng Quốc gia về Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc, cho rằng mâu thuẫn với Mỹ có thể làm chệch hướng quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, và "giấc mơ Trung Quốc" của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trễ hẹn.
Bắc Kinh đương nhiên không thích thái độ thù địch của Trump với việc thương mại quốc tế nói chung và việc "Trung Quốc cướp việc làm" nói riêng.
Ngoài ra, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên bằng sự rút đi của Mỹ và tăng cường hạt nhân của Nhật, Hàn cũng ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của Trung Quốc.
Quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ đang diễn ra. Trong hai tháng tới, thế giới sẽ thấy Trump bổ nhiệm ai vào hàng trăm vị trí chính phủ mới. Người ta hy vọng diện mạo chính phủ Donald Trump sẽ cho thế giới một cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược đối ngoại của ông.