Mùa hè đến, các thiết bị điện tử vốn sinh nhiệt lớn do các hoạt động dễ bị nóng hơn. Smartphone quá nóng sẽ ảnh hưởng không tốt đến các chi tiết bên trong. Ngoài ra, người dùng cầm máy trên tay cũng bị khó chịu khi nhiệt cao.
Làm gì khi điện thoại quá nóng? Ảnh: Enkivillage. |
1. Cài đặt ứng dụng
Nhiều ứng dụng chạy cùng một lúc sẽ làm điện thoại thông minh nhanh nóng. Bạn có thể kiểm tra xem phần mềm nào đang hoạt động ở chế độ nền để tắt. Bên cạnh đó, việc chậm trễ nâng cấp các bản cập nhật cũng ảnh hưởng.
Người dùng nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng và hệ điều hành để tối ưu hệ thống. Các bản vá, sửa lỗi sẽ khắc phục những sự cố như hao pin, nóng máy, tình trạng thiếu ổn định… cho trải nghiệm mượt mà hơn.
Hạn chế cài đặt nhiều ứng dụng trên thiết bị vì chúng vừa ngốn dung lượng bộ nhớ, lại tốn tài nguyên hệ thống. Đặc biệt, nhiều tiến trình chạy ngầm dù người dùng đã tắt ứng dụng. Bởi vậy, cần rà soát lại những phần mềm không sử dụng đến trong hơn 15 ngày và xóa hoàn toàn khỏi điện thoại.
Các thiết lập, cài đặt có thể khiến máy bị nóng. Ảnh: Cbsistatic. |
2. Thiết lập cài đặt
Một số tính năng sẽ khiến smartphone tiêu tốn dữ liệu, đồng thời bắt hệ thống phải làm việc liên tục. Có thể kể đến như Bluetooth và tính năng theo dõi vị trí. Thiết bị phải luôn cập nhật trên bản đồ, tìm kiếm tín hiệu GPS sẽ gây nóng máy. Nhiều ứng dụng tự động bật chế độ định vị vị trí, vì thế cần kiểm tra để vô hiệu hóa tính năng này.
3. Sử dụng mạng 3G, 4G
Sử dụng 3G hoặc 4G trong thời gian dài khiến vi xử lý phải làm việc liên tục, sinh nhiệt. Nên để máy nghỉ ngơi sau khoảng 20-30 phút lướt web hoặc chơi game. Điều đó giúp smartphone bớt nóng, đồng thời rất có lợi cho đôi mắt.
Người dùng chỉ nên bật dữ liệu di động hoặc Wi-Fi khi dùng tới, tránh giữ ở chế độ tự động kết nối. Các thông báo đẩy có thể sẽ tới liên tục khiến máy ngốn pin hơn.
4. Sạc đúng cách
Quá trình sạc điện thoại sinh nhiệt khá nhiều. Vì thế, đặt thiết bị tránh xa các nguồn gây nóng. Bởi pin nếu chịu tác động của nhiệt sẽ giảm hiệu suất, thậm chí trong một số trường hợp có thể gây nổ.
Sạc pin đúng cách để không làm nóng máy. |
Bên cạnh đó, tốt nhất không nên để thiết bị sạc quá lâu vào ban ngày, đặc biệt giữa lúc thời tiết nắng nóng. Lời khuyên được đưa ra đó là chỉ sạc 70 - 80% vào ban ngày, sau đó sạc đầy vào buổi tối.
5. Bảo vệ smartphone cẩn thận
Giữ điện thoại nơi thoáng mát, tránh mang ra ngoài trời nắng vào mùa hè. Nếu để thiết bị tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời có thể làm hỏng pin và màn hình. Hạn chế cất điện thoại trong túi chật, tủ nhiệt và lưu ý không để mồ hôi hay nước rơi vào thiết bị.
Tránh xa những nơi nắng nóng. Ảnh: Shutterstock. |
6. Để trước quạt
Nếu điện thoại quá nóng, đừng ngần ngại dùng quạt để làm mát. Ý tưởng này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng rất hữu hiệu và đúng với nguyên tắc vật lý. Một làn gió nhẹ giống như cơ chế làm mát bằng không khí, giúp quá trình giải phóng nhiệt diễn ra nhanh hơn.
Có rất nhiều cách chống nóng smartphone hiệu quả. Ảnh: Asurion. |
7. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Từ ý tưởng dùng quạt làm mát smartphone, không ít người nghĩ ra cách bỏ điện thoại vào ngăn đá của tủ lạnh vài phút. Điều này có thể hạ nhiệt nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các thành phần nhựa, kim loại khi thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ co giãn một mức độ nào đó, dễ gây hỏng hóc. Chưa kể, điện thoại có nguy cơ hút ẩm từ ngăn đá khiến các chi tiết điện tử bị phá hủy.
8. Tháo ốp lưng
Thiết kế của điện thoại đều cố gắng tạo khả năng thoát nhiệt trên bề mặt. Nhưng việc sử dụng ốp lưng vô hình trung làm giảm hiệu quả của quá trình này, đặc biệt với sản phẩm sử dụng chất liệu cách nhiệt. Vì thế, ngay khi nhận thấy smartphone nóng lên, hãy tháo ngay vỏ case để máy thoát nhiệt tốt hơn.