Ông Đạt cho biết, Việt Nam hiện nhập nấm từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Úc... trong đó Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp lớn nhất do đây là nước có ngành sản xuất nấm phát triển, lại giáp biên giới với Việt Nam. Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2014, tổng lượng nấm nhập khẩu về Việt Nam lên gần 8.000 tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng nấm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 78,01% tổng lượng nấm nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay Cục Bảo vệ thực vật chưa phát hiện mẫu nấm nhập khẩu có hoạt chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản vượt mức tối đa cho phép.
- Khi nhập khẩu vào Việt Nam, mặt hàng nấm phải trải qua các công đoạn kiểm tra nào, thưa ông?
- Hiện nay, phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu của Việt Nam cũng tương tự của các nước đang nhập khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam và tuân thủ thông lệ quốc tế. Các quốc gia trước khi xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật phải đăng ký hồ sơ xuất khẩu và kiểm tra tại nước xuất khẩu, phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nhận và đưa vào danh mục các nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam theo quy định.
Nấm tươi có xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập ở các chợ. |
Các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật hoặc được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu. Sau khi thông quan và lưu thông trên thị trường, lô hàng tiếp tục chịu sự kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng tại các địa phương, nếu phát hiện vi phạm trong quá trình lưu thông, các lô hàng vẫn được truy xuất nguồn gốc và xử lý theo quy định.
- Theo ghi nhận, nấm Trung Quốc bảo quản trong tủ lạnh có thể lên đến cả tháng. Liệu đây có phải là hiện tượng bình thường không, thưa ông?
- Với các phương pháp bảo quản thông thường, không sử dụng các công nghệ bảo quản thì nấm tươi để trong môi trường tự nhiên chỉ có thời gian bảo quản 3-5 ngày kể từ ngày thu hoạch, còn nếu bảo quản lạnh thời gian có thể kéo dài 7-10 ngày.
Tuy nhiên, thời gian bảo quản còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như giống nấm, công nghệ sản xuất, điều kiện bảo quản, xử lý trước khi đóng gói... Một số chất bảo quản hoặc xử lý, khử trùng bề mặt an toàn giúp kéo dài thời gian bảo quản cũng được phép sử dụng tại nhiều nước, kể cả các nước phát triển.
Hơn nữa, không loại trừ sau khi nhập khẩu vào Việt Nam nấm mới được sử dụng chất bảo quản, nên cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường địa phương để phát hiện các trường hợp sử dụng hóa chất bảo quản trái phép hoặc sử dụng với hàm lượng vượt mức cho phép.
Lạm dụng chất bảo quản sẽ nguy hiểm cho người tiêu dùng
Về mặt sinh học, nấm Trung Quốc có thời gian sử dụng lâu hơn so với nấm Việt Nam nhờ Trung Quốc có khí hậu ôn đới, nhưng khi nấm Trung Quốc đưa sang thị trường Việt Nam thì thời gian bảo quản giảm xuống vì sự chênh lệch nhiệt độ. Bình thường nấm tươi có thời gian bảo quản là bảy ngày nếu để trong ngăn mát, nhưng một vài loại nấm nếu trồng, đóng gói và bảo quản với kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại có thể có thời gian sử dụng 20-30 ngày nhưng như vậy chi phí sẽ đội lên cao, những loại nấm này khó xuất qua Việt Nam.
Trong thực tế, nấm có thể được sử dụng nhiều hóa chất bảo quản, trong đó có nhiều chất để kích thích tăng trưởng, nhưng nếu dùng quá liều lượng cho phép có thể sẽ chuyển hóa thành dioxin nguy hiểm cho người sử dụng.
* Ông Lê Duy Thắng (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)