Nấm tươi Trung Quốc tràn lan
Tại hầu hết quầy sạp ở các chợ hiện nay, lượng nấm tươi có xuất xứ từ Trung Quốc đang áp đảo với hàng trăm loại, nhưng không phải người bán nào cũng thừa nhận điều này.
Quan sát tại năm gian hàng kinh doanh nấm ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), dù hơn 80% là nấm tươi đóng gói có dòng chữ “đóng gói tại Trung Quốc”, nhưng khi được hỏi nấm sản xuất tại đâu thì có đến bốn gian hàng khẳng định là sản phẩm của Việt Nam. Chỉ duy nhất một người bán thừa nhận là hàng Trung Quốc do một công ty trong nước nhập về phân phối.
Nấm tươi đóng gói với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập ở các chợ. |
“Gần hai năm qua tôi chỉ lấy hàng từ một công ty, sáng sớm họ chở tới một thùng 100 bịch nấm bán cho một ngày. Ở đây ai bán nấm tươi cũng lấy của họ, vì giá rẻ hơn nhiều so với các trại nấm trong nước, nấm lại đẹp nên dễ bán hơn”, chị bán hàng tại đây khẳng định.
"Vấn đề không chỉ ở vốn mà kỹ thuật sản xuất nấm Việt Nam còn quá yếu, phần lớn sản xuất thủ công theo kiểu 'thành bại tại trời' thì không thể cạnh tranh về giá được".
Ông Đỗ Duy Thắng (giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Trong khi đó, theo chị H. - tiểu thương kinh doanh nấm tươi tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), nấm tươi Trung Quốc thường rẻ hơn 30% so với nấm Việt Nam, lại có cả trăm loại thay vì vài loại như Việt Nam. “Nấm đùi gà lấy của Trung Quốc chỉ có 60.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam rẻ nhất 90.000 đồng, nấm đông cô Trung Quốc chỉ 90.000 đồng/kg, còn Việt Nam lên đến 120.000-150.000 đồng/kg. Trong khi người mua phần lớn không quan tâm đến xuất xứ nên chúng tôi phải ưu tiên thứ dễ bán”, chị H. nói.
Dù lượng nấm có xuất xứ từ Trung Quốc không nhiều hơn ở chợ lẻ, nhưng tại chợ lớn, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, nấm tươi của Trung Quốc phần lớn đều có một điểm chung dễ nhận thấy là trên bao bì không ghi đơn vị phân phối hay đóng gói, phần thông tin xuất xứ được ghi rất nhỏ.
Theo bà Lê Hà Mộng Ngọc, giám đốc công ty Nấm Việt (Củ Chi, TP.HCM), hiện gần 70% thị trường nấm tươi rơi vào tay Trung Quốc và chiếm lĩnh tuyệt đối ở phân khúc nấm lạnh, nấm cua và linh chi, 5% đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thị phần còn lại 25% dành cho nấm Việt. Mặc dù nghề trồng nấm có mặt tại Việt Nam hàng trăm năm nay nhưng vẫn lép vế so với nấm Trung Quốc, một phần do giá bán của họ quá thấp. “Nấm đùi gà sản xuất trong nước giá thành rẻ nhất cũng phải trên 70.000 đồng/kg, trong khi nhiều người nhập hàng Trung Quốc chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, nấm kim châm, đông cô phải trên 150.000 đồng/kg mới có lời, nhưng hàng Trung Quốc được bán trên thị trường chỉ 100.000-120.000 đồng/kg”, bà Ngọc dẫn chứng.
Sản xuất phôi nấm hơn 10 năm nay tại xã An Nhơn Tây, Củ Chi, anh Trần Thanh Hải cho rằng, hiện Việt Nam chỉ sản xuất phổ biến nấm bào ngư trắng và nâu, nấm rơm, còn lại phần lớn nấm các loại có xuất xứ từ Trung Quốc. “Những loại như kim châm, đông cô, đùi gà... trong nước sản xuất rất ít do là những loại nấm xứ lạnh, Việt Nam muốn trồng phải đầu tư vốn lớn cho nhà trồng hệ thống lạnh, nhiều người đã trồng thử nhưng chất lượng không cao, giá không cạnh tranh lại Trung Quốc dẫn đến thua lỗ nặng”, anh Hải nói.
Không chỉ thiếu vốn...
Ông Lê Quang Khôi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ Tiền Giang, cho rằng phần lớn khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long thích hợp để trồng nấm bào ngư, nấm rơm và linh chi, vì độ ẩm cao (khoảng 80%), phụ phẩm rơm rạ tại chỗ nhiều, tuy nhiên người trồng nấm còn quá ít. “Cây nấm khá nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ, giống quyết định 50% thành bại sản xuất nấm, nhưng cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ Tiền Giang có trung tâm nghiên cứu nấm và cung cấp meo nấm. Nông dân thiếu meo, phôi chất lượng và sản xuất theo phong trào, dẫn đến năng suất thấp nên ít người mặn mà”, ông Khôi nói.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất nấm cho biết hiện sở hữu một máy trộn phôi nấm Hàn Quốc phải tốn ít nhất 500 triệu đồng, trong khi đầu tư một phòng thí nghiệm nấm tệ thì cũng đến 3 tỷ đồng, loại tốt có thể đến 5-7 tỷ đồng, hệ thống lạnh giá 4 tỷ đồng, giá cao do toàn phải nhập trong khi cạnh tranh giá quá lớn với Trung Quốc nên họ rất ngại đầu tư.
Theo ông Khôi, dù Việt Nam xem nấm là sản phẩm quốc gia, nhưng chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách về nấm, ở các trường đại học cũng không có một ngành nào đào tạo chuyên về nấm, nên nguồn nhân lực trong ngành nấm vẫn còn khá thiếu và yếu.
Là người có hàng chục năm nghiên cứu về nấm, ông Đỗ Duy Thắng, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng nhiều năm nay Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã nhập máy móc, công nghệ sản xuất nấm theo hướng công nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan, nên hiện tại họ có những nhà máy có sản lượng hàng ngàn tấn nấm mỗi năm, từ đó kéo giá thành sản xuất nấm xuống rất rẻ. “Ở Trung Quốc họ đầu tư nhà máy nấm chỉ 2 triệu USD nhưng cho năng suất đến 12 tấn nấm tươi/ngày, sau một năm họ thu tiền từ bán nấm được 7 triệu USD và chỉ thu hoạch trong vòng năm ngày/lứa phôi, trong khi Việt Nam cần từ 2-3 tháng”, ông Thắng khẳng định.
Cũng theo ông Thắng, ở Việt Nam, Nhà nước rót cho mỗi tỉnh một cục tiền, cứ thế tự mày mò nên chuyển giao đứt đoạn, không tạo được một “cú đấm” đủ mạnh. Trong khi Hàn Quốc thành lập đến 5 phòng thí nghiệm nấm, mỗi phòng được cấp 5 triệu USD/năm để nghiên cứu và chuyển giao từ kỹ thuật trồng đến thị trường đầu ra, giúp nông dân biết sản xuất meo nấm tự trồng, còn nông dân Việt Nam chỉ biết trồng và đôi khi trồng còn không đúng cách.
Nấm Trung Quốc để lâu... bất thường
Theo anh Ngô Văn Sáng - chủ cơ sở sản xuất phôi nấm bào ngư tại Long An, Châu Thành (Tiền Giang), dù cơ sở cung cấp hơn 120.000 phôi/tháng cho rất nhiều đơn vị trồng nấm tươi ngay tại Long An, nhưng nấm Trung Quốc vẫn ùn ùn đổ về các chợ lẻ Long An không ngớt. Theo anh Sáng, ngoài giá rẻ, nhiều loại nấm Trung Quốc để được lâu một cách... bất thường.
“Thông thường, nấm tươi chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 7-10 ngày nếu bảo quản lạnh, còn để trong môi trường tự nhiên chỉ khoảng 3-5 ngày kể từ ngày hái, nếu quá thời gian này nấm ngả sang màu vàng, chảy nước và có mùi hôi”, anh Sáng khẳng định.