Reuters và AFP hôm nay đưa tin hãng hàng không Indonesia Garuda Airlines sẽ không đặt hàng 49 máy bay 737 Max của Boeing nữa. Đây là hãng bay đầu tiên huỷ đơn hàng đặt mua 737 Max sau tai nạn ngày 10/3 tại Ethiopia.
Với những ngành khác, đây sẽ là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với 737 Max tăng doanh số, áp đảo về thị phần. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, câu chuyện trên sẽ không xảy ra trong ngành sản xuất máy bay.
Lựa chọn nào ngoài A320?
Sau Garuda Airlines, truyền thông quốc tế đã dự đoán nhiều hãng bay Đông Nam Á khác như Vietjet Air, Malaysia Airlines hay Lion Air cũng sẽ có động thái huỷ đơn hàng hoặc điều chỉnh lượng máy bay đặt mua.
Hủy mua 737 Max, các hãng bay cũng không có nhiều lựa chọn thay thế. Ảnh: AFS. |
Trong tuyên bố gần nhất, Vietjet Air khẳng định “hiện nay chúng tôi đang theo dõi sát sao vụ việc tàu Boeing 737 Max và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV)”.
Nguồn tin của Zing.vn tại Vietjet Air cũng chia sẻ hãng bay hiện chưa có ý định hủy bỏ đơn hàng mua Boeing 737 Max trước khi có kết quả điều tra cuối cùng từ cơ quan chức năng.
Nếu các hãng bay này muốn mua máy bay để sử dụng trong 2-3 năm tới thì lựa chọn cũng không có nhiều.
Trung Quốc được xem là đang nhòm ngó cơ hội này khi là nước sớm nhất cấm bay Boeing 737 Max. Một ứng viên khác là từ Nga.
Tuy nhiên, những máy bay Trung Quốc chưa từng được biên chế bởi bất kỳ hãng bay quốc tế nào hoặc các máy bay của Nga như MC-21. Đây là lựa chọn không mấy hấp dẫn khi các đơn vị đánh giá an toàn bay thường không đánh giá cao máy bay của Trung Quốc và Nga.
Airlines Rating, đơn vị đánh giá an toàn theo thang 7 sao sẽ ngay lập tức trừ 1 sao an toàn nếu hãng hàng không sử dụng máy bay xuất xứ từ Nga. Hiện cả 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đều đạt tối đa 7 sao.
Dòng C919 của Trung Quốc cũng phải tới năm 2021 mới có thể bàn giao cho khách hàng đầu tiên, do đó các hãng bay huỷ đơn hàng 737 Max và đặt hàng C919 cũng sẽ phải chờ ít nhất tới năm 2022 để nhận máy bay. Nếu có nhu cầu khai thác máy bay sớm, các hãng sẽ buộc phải dùng tới phương án thuê máy bay.
Các chuyên gia hàng không nhận định, lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm hiện tại cho các hãng bay là chờ Boeing sửa chữa dòng 737 Max và giao hàng trở lại bởi việc mua máy bay dòng A320 thời điểm này cũng không hề dễ dàng.
Nếu hủy đơn hàng với Boeing, lựa chọn khả dĩ còn lại là dòng A320 hay cụ thể là những chiếc A321neo hay A320neo của Airbus.
Airbus đang quá tải
Tuy nhiên, Airbus hiện làm việc hết công suất để lắp ráp dòng A320 bàn giao cho khách hàng. Các nhà máy của hãng đang có sản lượng 50 chiếc dòng A320 một tháng, trong khi hãng vẫn còn khoảng 6.000 chiếc đã được đặt hàng nhưng chưa sản xuất, chủ yếu là A321neo và A320neo, theo tính toán của Zing.vn dựa trên sổ cái ghi nhận đơn hàng của Airbus.
Airbus cũng không thể tăng sản lượng trong tương lai gần. Việc mở rộng sản xuất một dòng máy bay liên quan mật thiết đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Airbus không thể kịp mở rộng sản xuất A320 dù Boeing 737 Max đang ở giữa tâm bão. Ảnh: Getty. |
Nếu Airbus muốn mở rộng sản xuất, hãng cần đầu tư vài tỷ USD và mất ít nhất 1-2 năm để bắt đầu tăng sản lượng. Trong khoảng thời gian đó, Boeing rất có thể đã xử lý khủng hoảng thành công và đưa dòng 737 Max trở lại bầu trời.
Nhà sản xuất máy bay tới từ Pháp đang quá tải và dù rất muốn tăng sản lượng để đón thêm những đơn hàng 737 Max bị huỷ, Airbus cũng không thể làm ngay.
Khách hàng không muốn bay 737 Max nếu muốn chuyển sang mua A320 sẽ phải chờ khoảng gần 10 năm để xếp hàng chờ Airbus lắp máy bay.
Với công suất sản xuất hiện tại, Airbus chắc chắn sẽ không thể bỏ xa Boeing trong cuộc đối đầu giữa A320 và 737 Max dù tình hình đang rất thuận lợi do đối thủ gặp khó khăn.
Từ khi tai nạn với chiếc 737 Max 8 của Ethiopian Airlines xảy ra khiến 154 người thiệt mạng ngày 10/3, Airbus chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.
Trong khi đó, Boeing đã buộc phải ngừng giao 737 Max cho các đơn hàng trong bối cảnh dòng máy bay này bị cấm bay tạm thời tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hãng sản xuất máy bay Mỹ tuyên bố vẫn sẽ sản xuất 737 Max với công suất khoảng 52 chiếc mỗi tháng.
Chuyên gia kinh tế Michael Feroli của J.P. Morgan cho hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ có thể giảm 0,6% nếu dòng máy bay Boeing 737 Max bị tạm dừng sản xuất.
Kể từ ngày 10/3 tới nay, giá cổ phiếu của Airbus chỉ tăng 5%, trong khi giá cổ phiếu của Boeing đã giảm gần 12%.