Thuyết Big Bang trở nên nổi tiếng trong giới khoa học và được cho là nguồn gốc hình thành không gian, năng lượng và vật chất để tạo ra vũ trụ như ngày nay. Sự kiện này xảy ra khoảng 15 tỷ năm trước. Sau Big Bang, vũ trụ ở trạng thái cực nóng, đặc và bắt đầu giãn nở nhanh chóng. Giới khoa học tin rằng, các sóng trọng lực chính là sản phẩm sinh ra từ vụ nổ lớn này. Theo The Richest, nếu ví Big Bang với một vụ nổ hạt nhân, sức công phá của nó lên tới 54 megaton. Ảnh: Dailygalaxy.com |
Theo các nhà cổ sinh học, loài khủng long tuyệt chủng không phải do quá trình tiến hóa mà thực chất, chúng đã bị giết trong kỷ Phấn Trắng. Sự kiện này xảy ra khi một thiên thạch khổng lồ, với một lực mạnh gấp một tỷ lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, đâm trúng trái đất vào khoảng 65 triệu năm trước. Vụ nổ đã xóa sổ 50% các loài động thực vật trên trái đất vào thời điểm đó, gồm khủng long. Ảnh: blastr.com |
Krakatoa là một đảo núi lửa thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương, nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia. Vụ nổ Krakatoa xảy ra vào ngày 27/8/1883, làm rung trời lở đất. Với chỉ số phun trào ở mức độ 6, gấp 13.000 lần sức công phá của bom nguyên tử "Little Boy" được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Vụ nổ đã thổi bay đá, tro bụi và đá bọt khắp không trung trong bán kính hơn 25 km. Âm thanh của nó khiến những người sống cách Krakatoa 4.000 km cũng phải giật mình. Thậm chí, nó còn làm tất cả các phong vũ biểu (dụng cụ đo áp suất khí quyển) ở London (Anh) giật cao gấp 7 lần và khiến cả thế giới rung chuyển trong vài phút. Chưa dừng lại tại đó, vụ nổ còn kích hoạt trận sóng thần cao 40 m đổ về hai hòn đảo Java và Sumatra. Khoảng 165 ngôi làng bị tàn phá, 132 làng khác bị tàn phá nghiêm trọng, 36.000 người bỏ mạng sau thảm họa. 10 ngày sau thảm họa "Big Bang châu Á", trái đất chìm trong khói bụi. Lượng lưu huỳnh trong tro phản ứng với ozon khí quyển gây ra cảnh hoàng hôn sống động trên toàn thế giới trong 3 tiếng. Nhiệt độ toàn cầu giảm và sự gián đoạn khí hậu kéo dài tới 5 năm. Ảnh: indonesiainpictures.tumblr.com |
Sự kiện núi lửa Tambora phun trào ngày 5/4/1815 tại Sambawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Vụ phun trào có sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, tạo nên những cột bụi cao tới 43 km và phát tán ra bầu khí quyền. Theo ước tính, khoảng 12.000 người chết do vụ phun trào và khoảng 70.000 người chết do hậu quả khí hậu mà nó để lại. Vụ mùa thất thu và đói kém xảy ra triển miên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Đám bụi trong vụ nổ đã che phủ mặt trời và khiến năm 1816 trở thành năm lạnh lẽo xếp thứ 2 trong lịch sử. Người ta gọi năm 1816 định mệnh ấy là “năm không có mùa hè”. Ảnh: addins.wvva.com |
Khoảng 7h15 sáng ngày 30/6/1908, những người Tungus bản địa và người định cư Nga trên những quả đồi phía tây bắc hồ Baikal, gần sông Podkamennaya Tunguska, Siberia, quan sát thấy một cột ánh sáng xanh di chuyển ngang bầu trời. Khoảng 10 phút sau, vụ nổ lớn vang lên với âm thanh ngày càng lan rộng. Những nhân chứng nói rằng nguồn âm thanh di chuyển mỗi khi gặp chướng ngại, từ đông sang bắc. Tiếp sau âm thanh là một đợt sóng chấn động hất ngã mọi người và đập vỡ cửa sổ ở khoảng cách hàng trăm dặm. Khởi nguồn của sự kiện có thể xuất phát từ vụ nổ trên không của một tiểu hành tinh hay sao chổi từ khoảng cách 5 đến 10 km trên bề mặt trái đất. Năng lượng của vụ nổ sau này được ước tính trong khoảng 10 đến 20 megaton TNT, tương đương với Castle Bravo, quả bom hạt nhân mạnh nhất do Mỹ chế tạo. Vụ nổ đã đốn ngã khoảng 60 triệu cây trên diện tích 2.150 km2. Ảnh: blogspot |
Mỹ và Nhật Bản đã tham gia vào cuộc xung đột lớn trong Thế chiến II. Sau trận Trân Châu cảng năm 1941, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật là Hiroshima và Nagasaki. Máy bay ném bom B-29 “Enola Gay” của quân đội Mỹ mang quả bom có biệt danh Little Boy bay qua thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Quả bom chứa 60 kg uranium 235 và đương lượng 13 kiloton được thả xuống và phát nổ, lập tức giết 140.000 người và khiến hàng chục nghìn người khác bị thương. Chỉ 3 ngày sau đó, phi cơ B-29 “Bockscar” thả quả bom "Fat Man" xuống Nagasaki, cướp sinh mạng của 75.000 người trong tổng số 286.000 cư dân của thành phố. Hai vụ nổ ghi dấu trong lịch sử thảm họa nhân tạo lớn nhất và khủng khiếp nhất mà con người từng biết đến. Ảnh: Wikipedia |
Thảm họa nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi lò số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine đã phát nổ, gây cháy lớn và làm bay phóng xạ ra ngoài, chỉ vài giây sau khi khởi động. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô Viết, Đông và Tây Âu, Scadinavia, Anh và Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Lượng bức xạ từ vụ nổ lớn hơn gấp 400 lần so với bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II. Tại thời điểm nhà máy số 4 phát nổ, 203 người đã phải vào viện ngay lập tức. Trong số đó 31 người thiệt mạng, đa phần là do nhiễm phóng xạ cấp tính. Chính quyền Liên Xô phải khẩn cấp sơ tán 49.000 người sống tại Pripyat. Gần 5 vạn người rời thành phố, bỏ lại trường học, nhà cửa, bệnh viện nhà máy và công viên. Một số nghiên cứu khoa học từng cảnh báo về những ảnh hưởng sức khỏe toàn cầu do vụ nổ, song Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng ngoài ung thư tuyến giáp tăng. Cho tới nay, chưa có bằng chứng về các dạng ung thư khác, ngay cả đội ngũ những người làm công việc giải quyết hậu quả tai nạn sau này. Trong khi đó, các nhà khoa học khẳng định khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân năm xưa không phải là nơi sinh sống an toàn của người dân trong vòng 20.000 năm. Ảnh: dalje.com |