Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 vụ, cục trưởng của Bộ Công Thương đi đâu sau khi tinh gọn?

Một trong những vấn đề được quan tâm sau khi Bộ Công Thương quyết định họp bàn, thống nhất tinh gọn bộ máy từ 35 xuống còn 28 đầu mối là các vụ, cục trưởng sẽ được phân bổ làm gì.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có quyết định đưa ra bàn với tập thể Ban cán sự nhằm thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc bộ. Theo đó, phương án xây dựng cơ cấu tổ chức của bộ nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28.

Việc sáp nhập này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số đơn vị, kể cả các cán bộ lãnh đạo vụ, cục.

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận không chỉ dôi dư vụ trưởng, cục trưởng mà số lượng cấp phó và công chức của những đơn vị sáp nhập này cũng sẽ thừa ra.

Chính vì vậy, bộ sẽ bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị còn thiếu lãnh đạo hoặc bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ. Hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, bộ sẽ bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán trong các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp sẽ xem xét bổ nhiệm, giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoặc tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ.

Bo Cong thuong tai cau truc bo may anh 1
Nhân sự Bộ Công Thương sau tinh gọn là một trong những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.

Công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sáp nhập, chia tách sẽ được bộ ưu tiên tạo điều kiện tìm công việc mới tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc bộ, tạo điều kiện tìm việc làm mới trong các đơn vị thuộc bộ. 

Bộ cũng coi đây là nguồn bổ sung, thay thế những công chức/viên chức chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm tùy viên trong các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Cán bộ, người lao động có năng lực trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108.

Vấn đề đặt ra là việc rút gọn bộ máy tổ chức nhưng đầu công việc và chức năng nhiệm vụ của bộ vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí có những cục/vụ còn được tách để thành lập mới, như vậy có giảm biên chế không.

Bộ Công Thương khẳng định Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017. Theo đó, số lượng biên chế năm 2017 giảm so với năm 2016 (khoảng 1,5%).

"Bộ Công Thương sẽ sắp xếp để đảm bảo số lượng biên chế theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết.

Nhiều nghi vấn đặt ra liệu có tình trạng sau sáp nhập một vụ có 2-3 vụ trưởng và nhiều cấp phó như xảy ra ở một bộ nọ sau sắp xếp hay không. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: "Chắc chắn không có tình trạng một vụ 2-3 vụ trưởng, cục trưởng trong các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương. Số lượng lãnh đạo đơn vị sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015".

Đại diện bộ này cũng chia sẻ, khi sắp xếp bộ máy, sẽ có sự xáo trộn nhân sự ở các đơn vị. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Dự kiến việc phân bổ nhân sự này sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.

Bộ Công Thương tái cấu trúc bộ máy

Bộ Công Thương sẽ kiện toàn và tái cấu trúc bộ máy, giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28.

 

Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm