Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 sai lầm khiến BlackBerry bị phế truất

7 sai lầm diễn ra trong nhiều năm đã từng bước đẩy BlackBerry từ hãng điện thoại dẫn đầu thị trường trở thành kẻ tụt hậu và đang đứng trước nguy cơ phải “bán mình”.

Khi iPhone ra mắt lần đầu năm 2007, RIM (tên gọi cũ của BlackBerry) vẫn chiếm vị trí rất mạnh trên thị trường smartphone. Tại thời điểm đó, BlackBerry đã cho phép người dùng cất thiết bị kết nối email vào trong túi áo - một việc mà chưa công ty nào làm được. Họ có tất cả những công cụ cần thiết để thống trị thị trường smartphone trong vài năm tiếp theo. Nhưng một loạt sai lầm gần như đã giết chết công ty này khi rất nhiều lần, họ không đạt được thành quả xứng đáng với tiềm lực. Thay vì tiếp tục đổi mới dựa trên những gì đã có, BlackBerry lại ngủ quên trên vinh quang. Họ đã bị rớt lại phía sau khi thị trường liên tục chuyển động về phía trước.

Bỏ lỡ một cơ hội có thể gây tác hại trước mắt, nhưng việc để lỡ nhiều cơ hội đã khiến BlackBerry tự hủy hoại mình về lâu dài. Dưới đây là những sai lầm trong lịch sử góp phần khiến BlackBerry phải từ bỏ ngôi vương.

1. Mất cảnh giác trước iPhone

 


Trong nhiều năm, RIM liên tục tung ra các mẫu điện thoại có thiết kế gần như giống nhau trước khi có bước đột phá với BlackBerry Pearl. BlackBerry Pearl là một chiếc điện thoại thân thiện với người dùng, có trình nghe nhạc và camera để cạnh tranh với điện thoại của các đối thủ như Nokia và Motorola. Trong khi đó, Apple đang nghiên cứu một sản phẩm sẽ thay đổi toàn bộ thị trường di động.

Sự ra đời của iPhone hồi năm 2007 không chỉ tiếp thêm sinh lực cho thị trường smartphone đang trì trệ, mà nó còn chứng tỏ cả ngành công nghiệp đã quá mất cảnh giác. Một thực tế không ai lường trước là iPhone cực kỳ hấp dẫn đối với những người cần nhiều hơn một thiết bị kết nối với máy chủ email của công ty. Các doanh nghiệp có thể vẫn trung thành với điện thoại có bàn phím, nhưng toàn bộ thị trường tiêu dùng bắt đầu thờ ơ với không chỉ RIM, mà cả Motorola, Microsoft và Palm. Đây là bước đầu tiên dẫn tới việc RIM bị phế truất.

2. Vấn đề hỗ trợ Wi-Fi

 

 

Với sự ra mắt của iPhone, Wi-Fi đã trở thành tính năng phải có trong mọi smartphone. May mắn thay, BlackBerry 8820 hỗ trợ Wi-Fi đã ra mắt vào tháng 9/2007. Điều không may là nó lại hướng tới thị trường doanh nghiệp. Đối thủ thực sự muốn cạnh tranh với iPhone, BlackBerry Storm màn hình cảm ứng ra mắt vào tháng 10/2008, lại không hỗ trợ Wi-Fi. Trong khi BlackBerry Bold 9000 và các mẫu điện thoại dành cho doanh nhân đã hỗ trợ Wi-Fi, BlackBerry lại bỏ qua kết nối Wi-Fi cho mẫu điện thoại dành cho người tiêu dùng và cạnh tranh với iPhone.

3. Màn hình cảm ứng SurePress

 

 

RIM trang bị cho BlackBerry Storm màn hình cảm ứng công nghệ SurePress độc quyền. SurePress là ý tưởng về màn hình cảm ứng cho cảm giác tiếp xúc tương tự như khi tương tác với bàn phím vật lý. Tuy nhiên, có vẻ RIM chưa thực sự hoàn thiện công nghệ này trước khi tích hợp nó vào BlackBerry Storm. Thay vì nhấn nhẹ lên màn hình, người dùng phải nhấn mạnh để thiết bị nhận biết được. Điều này khiến nhiều người cảm thấy phiền toái và mệt mỏi khi dùng BlackBerry Storm. Trong khi đó, vào tháng 9/2008, Google giới thiệu Android - hệ điều hành cho thiết bị di động màn hình cảm ứng. Vậy là thêm một đối thủ cạnh tranh nữa xuất hiện và RIM biết rằng đã tới lúc họ phải cải tiến hệ điều hành của mình.

4. BlackBerry OS 6

 


Khi RIM giới thiệu BlackBerry OS 6 vào cuối năm 2010, iPhone đã có mặt trên thị trường được 3 năm. Khi ấy, Android và iOS đã có các cửa hàng ứng dụng mạnh mẽ, hoạt động trên nhiều thiết bị và khiến nhiều nhà phát triển ứng dụng phấn khích.

RIM từ chối tích hợp vào BlackBerry OS 6 một trình duyệt cải tiến đáng kể (dựa trên WebKit, công nghệ đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trên thiết bị di động), từ chối cải thiện tích hợp mạng xã hội và cả trình chuyển đổi ứng dụng. BlackBerry OS 6 chỉ là một bản nâng cấp nhỏ từ BlackBerry OS 5. Có vẻ như là RIM – công ty trước đó 3 năm vẫn thống trị thị trường smartphone – khi ấy lại chọn cách cải tiến “một mình một kiểu”.

5. PlayBook

 


PlayBook là bằng chứng cho thấy RIM đã cố gắng để cạnh tranh thực sự trên thị trường di động. Sau khi Apple ra mắt iPad vào năm 2010, RIM phản ứng bằng cách phát hành PlayBook một năm sau đó. Về mặt lý thuyết, đây có vẻ là một ý tưởng tốt. Sau thành công của iPad, thị trường của xuất hiện rất nhiều mẫu máy tính bảng Android. Tuy nhiên, giống hầu hết các tablet Android đời đầu, PlayBook là một thảm họa.

Đáng chú ý nhất là RIM – công ty nổi tiếng về tính năng email cho di động – đã phát hành một chiếc máy tính bảng không được tích hợp sẵn email và ứng dụng lịch. Giới báo chí và người tiêu dùng chỉ trích RIM mạnh mẽ vì không biết tận dụng viên ngọc sáng để làm đẹp chiếc vương miện đã lu mờ của họ.

Công ty này đã vội vã phát hành PlayBook ra thị trường một cách cẩu thả. RIM sớm phải tung ra các bản nâng cấp phần mềm để khắc phục lỗi cho PlayBook. Các ứng dụng email và lịch cuối cùng cũng có cho PlayBook (cùng với PlayBook OS 2) vào tháng 2/2012. Nhưng khi đó, iOS và Android đã thống trị thị trường và không còn mấy chỗ cho những kẻ chậm chân.

6. Có đến 2 CEO cùng lãnh đạo

 


Mỗi công ty đều cần có một người đứng đầu để đưa ra những quyết định khó khăn. RIM có tận 2 người, Jim Balsillie và Mike Lazaridis là hai đồng CEO của công ty. Dưới quyền của Lazardis – người chuyên chỉ đạo các vấn đề kỹ thuật và Balsillie - nhà lãnh đạo mảng tiếp thị và bán hàng, RIM đã từng rất thành công. Nhưng sau khi thị trường chuyển đổi và RIM phải cạnh tranh khốc liệu với Android và iOS, chế độ hai nhà lãnh đạo khác thường đã làm cản trở hơn là giúp ích cho công ty.

Tháng 1/2012, RIM tuyên bố hai nhà đồng CEO từ chức và được thay thế bởi Giám đốc điều hành (COO) Thorsten Heins. Ông Heins đã thực hiện những thay đổi lớn đối với hàng ngũ lãnh đạo, khiến BlackBerry phải nỗ lực như một công ty mới thành lập hơn là một công ty gần 30 tuổi. Nhưng việc cùng một lúc vừa cải tổ công ty vừa tung ra hệ điều hành mới hóa ra khó khăn hơn mọi người tưởng.

7. BlackBerry 10 trì hoãn ra mắt

 


BlackBerry 10 và các thiết bị chạy hệ điều hành này được dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2012, vào đúng mùa mua sắm. Nhưng trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý vào tháng 6/2012, RIM tuyên bố hoãn ra mắt BlackBerry 10 tới đầu năm 2013. BlackBerry 10 ra mắt vào cuối tháng 1/2013, cùng với smartphone Z10 và Q10, nhưng Z10 phải tới tháng 3/2013 mới lên kệ. Cũng tại sự kiện ra mắt BlackBerry 10, RIM tuyên bố đổi tên công ty thành BlackBerry. Có vẻ họ muốn biến thành một công ty mới, bỏ lại phía sau tất cả những sai lầm. Nhưng điều này không giúp ích cho Z10 và Q10 trên thị trường. Trong quý 1/2013, công ty chỉ bán được 2,7 triệu thiết bị BlackBerry 10. Trong cùng quý, số lượng thuê bao BlackBerry giảm từ 76 triệu xuống còn 72 triệu.

Mới đây, BlackBerry tuyên bố đã thành lập một ủy ban nghiên cứu các phương án kinh doanh, bao gồm cả lựa chọn bán công ty. BlackBerry cho rằng bây giờ là lúc họ phải “nghiên cứu các lựa chọn chiến lược”. Hơn lúc nào hết, BlackBerry phải hết sức thận trọng vì sai lầm tiếp theo của họ, nếu xảy ra, có thể là sai lầm cuối cùng trước khi BlackBerry thực sự “chết”.

Theo ICT News

Bạn có thể quan tâm