7 năm thi công, 3 lần lùi kế hoạch hoàn thành, một năm trì hoãn xây dựng là những cột mốc đáng nhớ của cầu Thủ Thiêm 2. Việc xây dựng trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại TP.HCM cũng khiến công trình này bị trì trệ và chịu không ít tổn thất.
Thời điểm cầu Thủ Thiêm được thông xe ngày 28/4 đánh dấu bước khởi đầu mới của công trình sau thời gian mong ngóng và chờ đợi của người dân TP.HCM.
Ngoài giá trị giao thông kết nối đem lại, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch tập đoàn Đại Quang Minh (nhà đầu tư) - cho rằng cây cầu này mang tính biểu tượng, là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho TP.HCM.
Chuyển giao trong giai đoạn khó khăn
Ban đầu, Vinaconex - Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam là đơn vị được TP.HCM chọn làm nhà đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (năm 2008). Hai năm sau, dự án được TP.HCM phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc cầu Rồng, quy mô 4 làn xe theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Thế nhưng chỉ một năm sau, giai đoạn 2011-2014, kinh tế Việt Nam đã rơi vào khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng hoàn toàn, tình hình thu ngân sách thành phố căng thẳng. Trong khi đó, hạ tầng giao thông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn trống rỗng, việc đầu tư vào khu vực khó tiếp cận được các khoản vay tín dụng. Vinaconex và Tổng công ty phát triển hạ tầng đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là nhà đầu tư 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo hình thức BT) hoàn toàn bất động, khiến hai dự án phải ngừng trệ.
Tình thế này khiến TP.HCM nóng lòng phải thu hồi một số dự án và chấp nhận hoàn lại các khoản thu quỹ, thuế đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách trước đó.
Người dân qua cầu Thủ Thiêm ngày thông xe 28/4. Ảnh: Chí Hùng. |
Đối mặt với khó khăn do khó khăn kinh tế năm 2013, các nhà đầu tư vẫn không đặt mối quan tâm vào Thủ Thiêm, dù thành phố liên tục có nhiều hội nghị xúc tiến. Nhà đầu tư Đại Quang Minh đã lội ngược dòng thời điểm đó tiếp nhận công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 với sự chấp thuận của thành phố.
Dự án cầu Thủ Thiêm sau đó được điều chỉnh quy mô từ 4 làn xe lên 6 làn xe trên tổng chiều dài 1465 m. Công trình mang lối kiến trúc thiết kế độc đáo dây văng với nhịp không cân xứng, cầu rồng với trụ tháp cao 113 m, kết cấu thép liên hợp bê tông bộc ngoài, tạo hình dáng cong nghiêng về hai phương mà hình đầu rồng nghiêng về bán đảo Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 thành hình
Tiếp nhận cầu Thủ Thiêm 2 ở thời điểm gian nan nhất, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư), sớm nhìn ra việc thiết lập bộ máy quản lý có chuyên môn cao để theo sát từ những bước khởi đầu. Đội ngũ quản lý song hành với đơn vị liên quan từ khâu thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu nhằm đảm bảo chất lượng an toàn và mỹ thuật công trình cho đến khi hoàn thành.
Cầu Thủ Thiêm 2 chiều 28/4. Ảnh: Chí Hùng. |
Gánh trên vai một công trình ý nghĩa với thành phố, ông Trần Bá Dương mong muốn doanh nghiệp trong nước được tham gia đến công đoạn cao nhất có thể. Người đứng đầu nhà đầu tư đặt nhiều tin tưởng vào các nhà thầu Việt Nam và chỉ chọn đúng hai đơn vị ngoài nước là là tư vấn thiết kế WSP (Phần Lan) và nhà thầu Freyssinet (Pháp).
Tư vấn thiết kế WSP (Phần Lan) - sớm nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới về uy tín và kinh nghiệm thiết kế cầu dây văng - được ông Dương chọn thực hiện cầu chính. Phần cầu dẫn và các hạng mục quan trọng khác ông dành lại đơn vị tư vấn thiết kế trong nước triển khai.
Riêng nhà thầu Freyssinet (Pháp) trực tiếp liên danh nhà thầu trong nước để thi công phần cầu chính có dây văng.
Rút ra nhiều bài học ở các công trình cầu dây văng thép trên cả nước, ông Trần Bá Dương đặt ra yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng từ đốt dầm thép khi thực hiện tại công trường.
“Quy trình đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt như điều kiện hàn tại nhà máy đến những khâu kiểm soát nhiệt độ hàn, độ ẩm, vận tốc gió…”, ông Dương chia sẻ.
Chủ tịch Công ty CP Đại Quang Minh Trần Bá Dương. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong thi công, đơn vị tư vấn thiết kế phải thường xuyên cập nhật số liệu thực tế để điều chỉnh kịp thời phù hợp nhằm kiểm soát được đường cong (hay còn gọi là độ vòng của cầu) đạt mức hoàn hảo nhất có thể.
Mặt khác, quá trình thi công dự án, đội ngũ nhà thầu đối mặt không ít khó khăn, thách thức khách quan khi chỉ có thể thi công chủ yếu vào ban đêm, do mặt bằng thi công trên đường Tôn Đức Thắng có lưu lượng xe lớn, đặc biệt tại giao lộ Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh.
Đỉnh điểm, công trình trải qua 3 lần lùi tiến độ về đích những năm 2018-2020-2021 do vướng gần 13.000 m2 mặt bằng thi công. Dự án trì hoãn dài nên liên danh nhà thầu thông báo sẽ giải thể công trường nếu không thi công trở lại trong vòng một tháng
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc từ quận 1 sang bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Chí Hùng. |
Không chỉ có vậy, giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, toàn bộ tiến độ công trình bị chậm lại, năng suất làm việc giảm và làm tăng chi phí do giãn cách. Công trình còn bị ngưng trệ nghiêm trọng do vướng giải phóng mặt bằng và công tác rà soát phương thức đầu tư dự án.
Đến nay, cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá công trình đạt chất lượng, đưa vào khai thác sử dụng.
Sau 7 năm thi công, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ông Trần Bá Dương nói tưởng chừng dự án đã không thể vượt qua. Song, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước.