Công nghệ
7 lưu ý quan trọng khi chọn mua TV chơi Tết
- Chủ nhật, 13/1/2019 18:00 (GMT+7)
- 18:00 13/1/2019
Để quảng cáo cho sản phẩm của mình, những nhà sản xuất TV sử dụng một loạt mỹ từ, thuật ngữ, nhưng trong đó có rất nhiều thứ vô nghĩa.
|
Kích thước của TV là điểm đầu tiên bạn cần tính đến. Hãy luôn nhắm đến mẫu TV lớn nhất mà bạn có thể mua được và không gian cho phép, bởi kích thước hiển thị luôn có ảnh hưởng lớn nhất tới trải nghiệm xem TV. Ảnh: Tom’s Guide. |
|
Đi kèm với kích thước, nhà sản xuất luôn nhấn mạnh độ phân giải. Trừ khi TV bạn mua có giá dưới 10 triệu, hầu hết TV hiện nay đều có độ phân giải 4K (3.840 x 2.160). Độ phân giải này còn được thể hiện ở tên TV như UHD hay SUHD. Ảnh: Tom’s Guide. |
|
Công nghệ hiển thị hình ảnh là thông số dễ bị nhầm lẫn. Phần lớn TV hiện nay được gọi là TV LED, sử dụng bóng LED để chiếu sáng đơn sắc, ánh sáng đi qua tấm phân cực sẽ hiển thị thành màu sắc. Nói cách khác, TV LED là TV LCD nhưng sử dụng bóng LED thay vì đèn nền kiểu cũ. Ảnh: Cnet. |
|
Công nghệ đắt tiền, mang lại hình ảnh tốt hơn hẳn là OLED. Trên TV OLED, mỗi điểm ảnh là một LED hữu cơ, có khả năng tự phát sáng theo các màu sắc khác nhau. Nhờ vậy, TV OLED có màu sắc đẹp hơn, thể hiện màu đen sâu hơn và độ tương phản cũng cao hơn hẳn TV LED. Những mẫu TV OLED đều có giá cao hơn rất nhiều so với TV LED. Tuy nhiên, một số mẫu TV OLED đời cũ bị hiện tượng lưu ảnh (logo và hình ảnh tĩnh dễ bị giữ lại vĩnh viễn trên màn hình) sau một thời gian sử dụng. Ảnh: Cnet. |
|
Một số TV LED cao cấp có công nghệ Local dimming, cho phép làm tối cục bộ các điểm chiếu sáng để đem lại hình ảnh với độ tương phản cao hơn. Đây là một thông số đáng chú ý khi chọn mua TV. Ảnh: Digital Trends. |
|
Vài hãng cải thiện công nghệ của TV LED để có chất lượng hiển thị tốt hơn, như công nghệ QLED của Samsung. Về bản chất thì đây vẫn là TV LCD, thua đôi chút so với TV OLED về hình ảnh hiển thị, nhưng có lợi thế về độ bền, độ sáng. Ảnh: Cnet. |
|
HDR là công nghệ hiển thị hình ảnh với dải động rộng, nhờ vậy màu sắc đều được hiển thị sống động hơn. Những TV từ tầm trung đều được trang bị công nghệ HDR, nhưng cũng có một số chuẩn HDR khác nhau như HDR10+ hay Dolby Vision HDR. Các công nghệ này có hoạt động hay không còn tùy vào nguồn phát (phim có HDR hay không). Ảnh: Tom’s Guide. |
|
Khả năng hiển thị nội dung HDR cũng không giống nhau trên mọi TV. Những TV có đắt tiền, có tấm nền cao cấp với khả năng hiển thị nhiều màu sắc hơn sẽ có hiệu ứng HDR tốt hơn. Hiện tại, chỉ có một số dịch vụ như YouTube, Netflix là có sẵn phim, nội dung HDR. Nếu bạn chỉ mua TV để xem truyền hình, HDR không phát huy được tác dụng. Ảnh: Cnet. |
|
Tần số quét là thông số hay bị các nhà sản xuất nói quá. Hiểu một cách đơn giản thì TV có tần số quét càng cao, những hình ảnh chuyển động nhanh như phim hành động, thể thao… sẽ càng mượt mà, giảm hiện tượng bị bóng mờ. Ảnh: Cnet. |
|
Tuy nhiên các nhà sản xuất thường sử dụng tần số quét nội suy để có con số lớn hơn. Các TV giá rẻ có tần số quét 60 Hz, TV cao cấp có thể có tần số quét cao hơn như 120 Hz hay 240 Hz. Ảnh: Samsung. |
|
Số lượng và loại cổng kết nối là chi tiết người dùng nên quan tâm nếu muốn kết nối các thiết bị khác như máy chơi game, đầu đĩa, dàn loa gia đình. Ảnh: Cnet. |
|
Đa số thiết bị hiện nay kết nối qua cổng HDMI. Nếu như thiết bị của bạn sử dụng một cổng kết nối đặc biệt, hãy kiểm tra kỹ trước khi mua TV. Ảnh: Tom’s Guide. |
|
Phần lớn TV ở tầm giá trên 10 triệu đều đã có những tính năng thông minh hoặc được trang bị hệ điều hành. Tuy nhiên các hệ điều hành khác nhau nhiều nhất ở giao diện, tính năng thông minh thường không có sự chênh lệch nhiều. Nếu thường xuyên sử dụng ứng dụng bạn chỉ cần kiểm tra xem ứng dụng có mặt trên TV hay không. Ảnh: Tom’s Guide. |
tư vấn mua tv 2019
YouTube
tư vấn tv
chọn mua tv
smart tv
chọn tv nào