Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 lĩnh vực hành động ưu tiên trong tuyên bố chung Vientiane

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4, Ủy hội sông Mekong quốc tế thông qua Tuyên bố chung Vientiane với 7 lĩnh vực hành động ưu tiên để giải quyết thách thức lưu vực sông phải đối mặt.

Ngày 5/4, tại phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4, lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane.

Bên cạnh việc thừa nhận những cơ hội cho sự phát triển bền vững trong tất cả lĩnh vực liên quan đến nước, Tuyên bố Vientiane cũng khẳng định việc giải quyết các thách thức của lưu vực sông Mekong ngày càng trở nên phức tạp.

Theo đó, cần tất cả giải pháp quản lý lẫn phát triển để đảm bảo tính bền vững về tài nguyên môi trường để giải quyết.

Bảo đảm an ninh nguồn nước là cơ hội phát triển

Trước hết, Tuyên bố Vientiane khẳng định lại cam kết cùng nỗ lực tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy hội nhằm đảm bảo an ninh nước, lương thực, năng lượng và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của lưu vực sông Mekong.

Ngoài ra, Tuyên bố kêu gọi tất cả quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên có liên quan tiếp tục hợp tác với Ủy hội để duy trì thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và các thủ tục có liên quan.

Việc kêu gọi này nhằm hỗ trợ triển khai Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021-2030 phù hợp với Tuyên bố chung này và phù hợp với "tinh thần Mekong".

tuyen bo Vientiane anh 1

Lãnh đạo Chính phủ các nước chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. Ảnh: Đoàn Bắc.

Ủy hội cũng ghi nhận các cơ hội đáng kể cho sự phát triển bền vững trong tất cả lĩnh vực liên quan đến nước.

Đồng thời, việc đảm bảo an ninh nguồn nước để bảo vệ cộng đồng khỏi các rủi ro liên quan đến nước cần phải đưa vào xem xét trong các lĩnh vực đầu tư khác và được coi như là một cơ hội phát triển.

Tuyên bố công nhận rằng việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các tác động xuyên biên giới.

Đặc biệt, các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xói lở và bồi lắng lòng bờ sông, sự suy thoái các giá trị môi trường và suy giảm nguồn lợi thuỷ sản do dòng sông bị chia cắt...

Các lĩnh vực hành động ưu tiên

Từ việc nhìn nhận các thách thức trên, Tuyên bố chung kêu gọi các ủy hội, tất cả đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó; nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đồng thời, các nước thành viên tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền.

Cụ thể, Tuyên bố đưa ra 7 lĩnh vực hành động ưu tiên.

Thứ nhất, dựa trên một quy hoạch phát triển lưu vực chủ động và thích ứng, xác định các dự án đầu tư chung và dự án quốc gia có ý nghĩa cho toàn lưu vực.

Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ có liên quan nhằm tăng cường tương trợ và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng ở cấp lưu vực và quốc gia; đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt.

Việc này nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và các trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.

tuyen bo Vientiane anh 2

Tuyên bố chung Vientiane được thông qua tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, ngày 5/4. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thứ ba, hỗ trợ việc ra quyết định về phát triển và vận hành thông qua tăng cường sử dụng công nghệ trong thực hiện tất cả chức năng quản lý lưu vực sông từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá và lập kế hoạch, chiến lược dài hạn.

Thứ tư, đảm bảo rằng các hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua một diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực do Ủy hội và các đối tác đối thoại phối hợp tổ chức.

Thứ năm, tăng cường quản lý toàn lưu vực trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Ủy hội thông qua đổi mới về chính sách, công nghệ và cơ chế hợp tác, đối tác với các khung hợp tác vùng khác có liên quan.

Thứ sáu, duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ Nhà nước và tư nhân, cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.

Thứ bảy, đảm bảo Ủy hội đang trong quá trình chuyển đổi bền vững để tự chủ vào năm 2030, thông qua việc không ngừng phát triển tổ chức nhằm tăng cường năng lực của Ủy hội và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan của quốc gia để triển khai thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông.

Việc này bao gồm thu thập và quan trắc các số liệu liên quan về nước do các nhóm chuyên gia chung của lưu vực thực hiện, xây dựng một mạng lưới giám sát sông Mekong hiệu quả về mặt tài chính.

Rà soát, thúc đẩy các dự án hợp tác trọng điểm Việt Nam - Lào

Chiều 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhằm rà soát, đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc triển khai các hoạt động hợp tác song phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị hai nước và thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, đồng thời thống nhất các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác cho đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả.

tuyen bo Vientiane anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Ảnh: Đoàn Bắc.

Hai thủ tướng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian qua. Đặc biệt, hợp tác thương mại là điểm sáng với tổng kim ngạch song phương cả năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2021, vượt mục tiêu đã đề ra (tăng trưởng 10-15%).

Hai bên nhất trí nỗ lực triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt - Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào 2021-2023 và các thỏa thuận cấp cao, kế hoạch hợp tác đã ký trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh để không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; tăng cường phối hợp phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng và hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án viện trợ; quyết tâm tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm một số tồn đọng và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; sân bay Nong Khang; các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng Đông - Tây…

Sách chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

The Climate Book - Thunberg đã viết cuốn sách này với niềm tin mãnh liệt của tuổi trẻ và tính bộc trực của một nhà hoạt động, điều giúp cuốn sách trở nên tươi mới. Thông qua đó, Greta đã chia sẻ nhiều câu chuyện riêng về việc cô nhìn thấy thế giới đã bị xói mòn như thế nào, màu xanh cỏ cây dần bị mai một ra sao và đã bao lâu con người không nhận thức được điều đó.

Cuốn sách được tờ The Guardian đánh giá là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhưng chưa có sức nặng về giải pháp cho các vấn đề khí hậu.

Thủ tướng: Thái độ minh bạch với sông Mekong, vì lợi ích cộng đồng

"Sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch vì môi trường sinh thái, lợi ích của cộng đồng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Chiều 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao lên đường đến Vientiane (CHDCND Lào) để tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4.

Nguyễn Hưng - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm