7 kỳ quan thế giới tạo ra từ phản ứng hóa học
Phản ứng hóa học nhiều khi để lại những kiệt tác tự nhiên vô cùng kỳ lạ và hấp dẫn. Business Insider liệt kê 7 địa danh, nơi các chất khoáng được vận chuyển bởi nước, nhiệt hoặc các hành động của Mẹ trái đất.
Lâu đài bông Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ
Trên thực tế, nước ở Pamukkale rất ấm. Tuy nhiên, việc bơi lội ở khu vực này bị hạn chế để bảo vệ môi trường tự nhiên tại di sản thế giới đã được UNESCO công nhận này.
Màu trắng ở đây chính là màu của can xi. Những bậc thềm ở Pamukkale được tạo ra bởi mỏ vôi canxi cacbonat nằm ở đầu nguồn suối nước nóng. Mỏ đá vôi này trải dài khoảng 60-70 m. Nơi đây có đến 17 dòng suối nước nóng được tạo ra từ mỏ đá vôi với nhiệt độ từ khoảng 35-1000 độ C.
Đến Pamukkale, bạn còn được tham quan thành phố cổ Hierapolis hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, được mệnh danh là “thành phố chết” bởi nơi đây có một nghĩa trang với những cỗ quan tài, trong đó có cả quan tài của hoàng đế Marcus Aurelius thời đế chế La Mã.
Suối nước nóng Fly Geyser, Mỹ
Quang cảnh nơi đây nhìn giống như trên một hành tinh khác hoặc là cảnh trong một bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nó thực sự tồn tại trên trái đất của chúng ta mà cụ thể là tại Nevada, Mỹ.
Màu sắc ở đây là do các lớp địa chất khác nhau tạo nên. Mạch nước phun Fly không phải là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Năm 1916, chủ một trang trại tư nhân đã khoan một cái giếng với hy vọng sa mạc sẽ biến thành đồng cỏ màu mỡ, ông vô tình khoan trúng một túi địa nhiệt nước. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1964, nước nóng mới bắt đầu phun ra trên bề mặt giếng. Từ đó, chủ sở hữu khu đất có mạch nước phun này đã nhiều lần nhận được lời đề nghị bán nó để tất cả mọi người có thể vào tham quan, nhưng ông từ chối. Mạch nước phun đã được bảo vệ bằng hàng rào và cổng. Khách du lịch đến tham quan phải có sự cho phép mới được vào xem.
Miệng núi lửa Dallol, Ethiopia
Dallol là một khu vực rộng lớn ở Ethiopia, cho thấy những điều xảy ra khi một ngọn núi lửa phun trào.
Dallol được hình thành trong suốt quá trình phun trào của núi lửa vào năm 1926. Ngoài ra còn có nhiều miệng núi lửa tương tự khác lấm chấm những lớp muối trắng ở gần đó. Khu vực này có nhiệt độ trung bình hàng năm là 34 độ C (cao nhất trái đất) được ghi nhận từ năm 1960 - 1966. Dallol còn được mệnh danh là núi lửa trên cạn thấp nhất thế giới. Cả vùng đất lạ kỳ này phủ một màu đỏ xẫm, pha lẫn màu xanh lá, vàng và trắng của muối, các ao nước và dòng xuối khoáng nóng. Bản phối màu đa sắc này là thành quả của hợp chất muối kali tạo màu bằng sunfua, clorua và oxit.
Đỉnh núi lửa Kelimutu, Indonesia
Đỉnh núi lửa Kelimutu ở đảo Flores, Indonesia có 3 hồ là miệng núi lửa với 3 màu sắc khác nhau. Tiwu Ata Mbupu màu xanh, Tiwu Nuwa Muri Koo Fai màu xám và Tiwu Ata Polo thường có màu đỏ. Theo các nhà khoa học thì sự thay đổi màu sắc của nước trong hồ là do sự phản ứng hóa học của trữ lượng khoáng sản hay ảnh hưởng của loài sinh vật, rong rêu và đá trong miệng núi lửa gây ra. Đối với người dân địa phương, sự thay đổi màu sắc này mang một ý nghĩa riêng.
Kelimutu là một từ kết hợp của “Keli” có nghĩa là núi và “Mutu” có nghĩa là đun sôi theo niềm tin của người dân địa phương thì màu sắc của nước của hồ tượng trưng cho một thế lực siêu nhiên hùng mạnh. Hồ nước màu xanh là nơi thu nhận những linh hồn người khi chết trẻ còn quá trẻ, hồ nước màu đỏ là nơi thu nhận linh hồn của những người chết bị phạm pháp, dính vào vòng lao lý.
Động Caverns, Missouri
Meramec Caverns gần Stanton, Missouri là một minh chứng rõ ràng về một hệ thống hang động được hình thành khi nước bào mòn đá khỏi sa thạch xung quanh chúng.
Động Lechuguilla, New Mexico
Một trong những điểm đến có vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng lại ít người biết đến là động Lechuguilla ở New Mexico.
Đây là hang động dài thứ 7 thế giới với chiều dài 216 km. Có lịch sử hình thành từ hàng trăm triệu năm trước nhưng động mới chỉ được phát hiện năm 1986. Dù thu hút nhiều sự chú ý của du khách, nhưng gần đây động Lechuguilla hạn chế sự tham quan của du khách để giữ gìn môi trướng và hệ sinh thái. Hiện Lechuguilla được đánh giá là nơi giữ được hệ sinh thái nguyên sơ bậc nhất thế giới.
Tổ hợp núi lửa Ijen, Indonesia
Tổ hợp núi lửa Ijen phía đông Java là một nhóm các ngọn núi lửa quần tụ quanh một hõm chảo khổng lồ.
Miệng núi lửa Ijen liên tục nhả ra các làn khói tắng đậm đặc, tạo cảm giác ngột ngạt và mùi hương trứng thối – mùi của hợp chất lưu huỳnh - H2S. Sở dĩ nồng độ axit tại đây cao là vì ngay cạnh đó là một mỏ lưu huỳnh khổng lồ.
Thanh Hương
Theo Infonet