* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư làm việc tại Hà Nội.
Theo kết quả kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống của Con Cưng đã được Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM báo cáo thì tại các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng của Con Cưng đã phát hiện một số sai phạm. Tuy nhiên, còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác về hành vi vi phạm pháp luật của Con Cưng. Việc này sẽ được các cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ trong thời gian tới.
1. Nghi vấn với ghi chồng nhãn mác Mỹ phẩm Titione và G&C
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, Con Cưng có sai phạm sử dụng miếng giấy dán ghi “Sản xuất bởi: Công ty TNHH Mỹ phẩm Titione” chồng lên thông tin in sẵn “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C”.
Từ thông tin được quản lý của cơ quan thuế trên website của Tổng cục Thuế cho thấy hai công ty này có mã số thuế giống nhau.
Rất có khả năng Công ty TNHH G&C đã đổi tên thành Công ty TNHH Titione. Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ thông tin này và đồng thời làm rõ việc dán nhãn mới đè lên nhãn cũ là do Con Cưng hay Công ty TNHH Titione thực hiện và việc này có đúng các quy định của pháp luật Việt Nam hay không?
Nếu không gây nhầm lẫn, không có mục đích làm sai lệch thông tin thì vụ việc sẽ được nhìn nhận khác đi.
Cơ quan chức năng xác định Con Cưng cũng có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Lê Quân. |
2. Có phải là kinh doanh hàng giả?
Báo cáo nhanh của Cục QLTT TP.HCM cũng ghi nhận tình trạng vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và thiếu tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Đơn cử, không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định đối với một số sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Philippines, Malaysia, không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm sản phẩm hàng hóa; chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Các hành vi như được liệt kê trong báo cáo hiện tại cho thấy Con Cưng có các hành vi vi phạm hành chính trong việc ghi nhãn hàng hóa. Chưa có dấu hiệu nào chứng minh đơn vị này có hành vi kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo luật sư, chưa có dấu hiệu nào chứng minh đơn vị này có hành vi kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật hiện hành. Ảnh: Con Cưng. |
Cũng cần phải ghi nhận một điều là khi sự việc phát sinh, Con Cưng đã có thông tin phản hồi đến người tiêu dùng trên website chính thức của mình, đồng thời cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của các lô hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Trong thời gian sắp tới, Con Cưng sẽ cung cấp các tài liệu này cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan này xem xét và đánh giá một cách toàn diện.
3. Đây có phải là vụ Khaisilk thứ hai?
Bản chất của vụ việc này khác hoàn toàn với vụ việc Khaisilk khi chưa có bằng chứng để chứng minh Con Cưng lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (CO).
Con Cưng sẽ có trách nhiệm giải trình và chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được kinh doanh trong hệ thống của mình.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải chứng minh được các loại hàng hóa được Con Cưng kinh doanh thuộc một trong số các loại hàng giả theo quy định tại Điều 8 của Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCT ngày 15/09/2017 thì mới có thể kết luận về hành vi buôn bán hàng giả của Con Cưng. Nếu không, các loại hàng hóa của Con Cưng sẽ được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tức là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Con Cưng sẽ có trách nhiệm giải trình và chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được kinh doanh trong hệ thống của mình. Cần nhận thức rõ sự khác biệt giữa các khái niệm: chưa cung cấp CO, không thể cung cấp CO, lừa dối về CO.
4. Đâu là điểm đáng ngại với Con Cưng và cách ứng xử cần có?
Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu như Con Cưng không cung cấp được bằng chứng xác thực về nguồn gốc sản phẩm. Người tiêu dùng có thể thông cảm được về những sai sót do ghi thiếu thông tin trên nhãn mác hàng hoá nhưng nếu là để đánh tráo khái niệm, đánh tráo nguồn gốc sản phẩm thì lại là vấn đề trầm trọng.
Trong thời điểm này, Con Cưng để tự bảo vệ mình thì phải đi đến cùng về nguồn gốc hàng hoá. Sẽ có 2 khả năng xảy ra:
Nếu đối tác sản xuất của Con Cưng cung cấp được đầy đủ giấy tờ cần thiết chứng minh được nguồn gốc của hàng hoá đúng như những gì Cong Cưng đã công bố. Trường hợp này thì mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp với Con Cưng.
Nếu đối tác của Con Cưng không cung cấp được giấy tờ cần thiết hoặc cung cấp giấy tờ không đúng với hợp đồng đã ký với Con Cưng sẽ có 2 tầng trách nhiệm: Con Cưng chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và cơ quan chức năng (pháp luật) Việt Nam; Đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm với Con Cưng.
5. Có phải sản phẩm 100% làm tại Thái Lan mới được ghi là “Made In Thailand” không?
Không. Theo AFTA thì sản phẩm sẽ được công nhận là có nguồn gốc từ các nước ASEAN nếu như hàm lượng giá trị khu vực không dưới 40%. Mỗi nước sẽ có cách tính riêng của mình. Nếu đạt chuẩn thì sẽ được áp dụng ưu đãi thuế trong ASEAN.
Do đó, nếu một doanh nghiệp hướng đến mục tiêu nhập các sản phẩm có nguồn gốc từ ASEAN như nêu trên để được ưu đãi thuế mà chủ động áp dụng chiêu thức nhập nhằng về nguồn gốc thì thật lạ. Mỗi nước sẽ cấp giấy chứng nhận đạt nguồn gốc hàng hoá và chịu trách nhiệm về điều này.
Việc Con Cưng đưa được giấy tờ như vậy hay không chính là câu trả lời rõ ràng có hành vi lừa dối khách hàng ở đây không.
Theo chuyên gia, thị trường dần dần sẽ yêu cầu nhà sản xuất tăng trách nhiệm và người tiêu dùng cần thông thái hơn. Ảnh: Lê Quân. |
6. Cắt mác có sai không?
Người tiêu dùng có quyền nghi ngờ với những dấu hiệu đáng ngờ trên sản phẩm. Tuy nhiên, cần phần biệt giữa quyền được nghi ngờ và dấu hiệu bị nghi ngờ có nghiễm nhiên là sai quy định của pháp luật không?
Như trường hợp của Con Cưng, các dấu hiệu cắt nhãn mác làm do đâu? Có nhằm mục đích làm thay đổi thông tin, nguồn gốc sản phẩm hay không hay đơn thuần là yếu tố kỹ thuật.
Nếu không phải là nhằm lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá thì vấn đề lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Để làm sáng tỏ được điều này thì không ai khác ngoài Con Cưng thông qua đối tác của mình cung cấp những tài liệu liên quan.
7. Người tiêu dùng và doanh nghiệp cần phải làm gì?
Khách quan mà nói, làm người tiêu dùng Việt rất khổ. Nhiều lúc chấp nhận bỏ thêm tiền nhưng chưa chắc mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khi lòng tin đang bị tổn thương thì họ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết với thông tin về sản phẩm không đúng kỳ vọng. Và người tiêu dùng có quyền tẩy chay.
Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng làm doanh nghiệp không hề dễ, nhất là trong thời buổi khái niệm “nguồn gốc hàng hoá” không dễ kiểm chứng cũng như có thể bị làm giả ở một khâu nào đó. Vậy thì, người tiêu dùng trước tiên có thể yêu cầu doanh nghiệp đi đến cùng về nguồn gốc hàng hoá.
Thị trường dần dần sẽ yêu cầu nhà sản xuất tăng trách nhiệm và người tiêu dùng cần thông thái hơn.
Khi đó, nếu có sai người tiêu dùng hãy dùng sức mạnh tẩy chay sản phẩm của mình cũng chưa muộn và doanh nghiệp cũng sẽ không thể oán trách khách hàng của mình.
Thị trường dần dần sẽ yêu cầu nhà sản xuất tăng trách nhiệm và người tiêu dùng cần thông thái hơn. Làm chặt như nước Mỹ vẫn có nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng chủng loại xuất hiện.
Đơn giản là các đơn vị kinh doanh không thể kiểm soát được toàn bộ sản phẩm mà chỉ có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Nếu đối tác của bạn “chơi đẹp” từ đầu đến cuối thì không sao, tuy nhiên, nếu họ tìm cách thay đổi chất liệu, thông số sản phẩm sau khi đạt được lòng tin của bạn thì thực sự là khó có thể tránh được việc không mong muốn xảy ra.
Vì vậy, nhà sản xuất thay vì hoàn toàn tin tưởng vào đối tác, tin tưởng vào giấy tờ do đối tác cung cấp cần có biện pháp kiểm tra chéo độc lập.
Vụ việc này có thể coi là bài học đắt giá không những chỉ với Con Cưng mà các doanh nghiệp khác đang kinh doanh trên thị trường. Cuộc chơi về nguồn gốc hàng hoá không dễ dàng nhưng việc nắm bắt và tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa sẽ là một trong các cách thức cơ bản và hữu hiệu nhất để các doanh nghiệp tạo dựng được uy tín trong lòng người tiêu dùng.