Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'69' và sự ngông cuồng tuổi trẻ

Đây có thể đánh giá là tác phẩm tươi sáng nhất của Murakami Ryu. "69" ẩn chứa sự hài hước, kích động điển hình của tuổi trẻ.

Hình ảnh chàng thiếu niên Yazaki,17 tuổi, đang học phổ thông tại một thành phố cảng có căn cứ của Mỹ dường như là hiện thân của chính tác giả. Yazaki kết bạn với Adama, Iwase và cùng “âm mưu” làm một đại hội văn nghệ có chiếu phim và diễn kịch. Để thực hiện mục tiêu đó, chàng ta phải nhờ Shirokushi, thủ lĩnh nhóm Mềm trường Bắc, ra tay mượn đỡ cái máy quay phim 8 ly của Matsutabe.

Mọi bi hài của câu chuyện xảy ra khi Kazuko Matsui, biệt danh Lady Jane, nhân vật chính của bộ phim xuất hiện. Nàng có đôi mắt nai tơ ngơ ngác như chú nai Bambi, nàng có khả năng gieo rắc bao tai họa cho nam sinh trường Bắc. Vì nàng, Yazaki quyết định tham gia nhóm chính trị của Narushima và Otaki, âm mưu “phong tỏa trường học” để lấy lòng người đẹp. Kế hoạch sẽ hoàn hảo biết bao nếu như trong đêm thâm nhập phong tỏa ngôi trường, gã “dê non” Fuse không đề nghị “thám hiểm” phòng thay đồ của nữ sinh. Sau vụ phong tỏa, tiếng tăm của Yazaki và các bạn mình “lên như diều gặp gió”. Nhưng cũng chính vì thế mà cảnh sát dễ dàng điều tra ra vụ việc, kết quả là Yazaki và Adama bị cấm túc ở nhà 119 ngày.

Nhưng trong chính chuỗi ngày bị cấm túc buồn bã ấy, thiên thần Lady Jane đã gửi tặng Yazaki một bó hoa hồng như một món quà an ủi, làm bùng cháy lên những khao khát mãnh liệt trong chàng. Chàng lại âm mưu làm một đại nhạc hội văn nghệ nữa. Chàng và những người bạn của mình đặt cho nó cái tên đầy khiêu khích “Đại nhạc hội văn nghệ bình minh dựng đứng”.

gioi thieu sach 69 cua Murakami Ryu anh 1
Tác phẩm 69 của Murakami Ryu.

Tấm vé của buổi biểu diễn in hình một em gái nũng nịu tô son môi, đằng sau là hình ảnh một dương vật dựng đứng, bên trong lồng cảnh núi lửa phun trào hoành tráng. Những biểu tượng thật kích thích, khơi gợi, quyến rũ, đúng như những gì tuổi trẻ luôn khao khát.

Nó giống như niềm khao khát âm ỉ cháy trong Yazaki mỗi khi được gần gũi thiên thần Lady Jane... Một ngày mùa đông, hai con người trẻ tuổi ấy dìu nhau ra bãi biển Karatsu. Chàng muốn ngắm cảnh hoàng hôn trên biển nên dẫn nàng đi xem phim trước để giết thời gian. Không may đó lại là bộ phim “Máu lạnh” với đầy cảnh giết chóc. Nó khiến thiên thần hoảng sợ và bất an. Hai người ra bờ biển ăn trưa, thảo luận về bộ phim và trở về nhà mà vẫn chưa kịp hôn nhau. "Điệp vụ" thất bại.

Năm tháng qua đi, những chàng trai cô gái ngông cuồng ngày nào rồi cũng bước vào đời. Yazaki và Matsui chia tay nhau vào một ngày chủ nhật mưa rơi sau khi nàng đã thay lòng đổi dạ. Nàng sẽ kết hôn với người đàn ông khác. “Tối hôm đó, tôi đã uống cạn một chai wisky Kaku, nửa chai rượu trắng Sunory, một chai vang đỏ và ăn hết hai đĩa cari, hai chén bò hầm. Sau đó, vào lúc sáng sớm, tôi lấy sáo ra chơi, kết quả là tên yakuza nhỏ tuổi sống chung căn hộ với tôi phàn nàn là tôi làm hắn mất ngủ và thọi tôi bốn quả vào mặt”.

Nhiều năm sau, khi chàng đã là một tiểu thuyết gia và nàng đã là người phụ nữ có gia đình, hai người vẫn còn chút liên lạc. Trong một bức thư, nàng viết: “Khi nghe giọng nói của anh trên nền nhạc của Boz Scaggs, em như trở về thuở học trò. Em cũng thích Boz Scaggs, nhưng giờ em không nghe nữa. Cuộc sống của em trong vòng một năm qua ngày càng trở nên tồi tệ, vì thế, em nghe Tom Waite rất nhiều. Em muốn quên đi sự tồi tệ này nhưng em nghĩ cách duy nhất khả thi là bắt đầu một cuộc sống mới…” Cuối thư, nàng trích một dòng tiếng Anh từ bản nhạc của Paul Simon: “Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…”

Lady Jane và Yazaki là hình tượng thiếu niên điển hình mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tìm thấy hình ảnh của mình trong họ. Đó là một phần của tuổi trẻ nồng nhiệt, đầy đam mê, chất chứa cả ngọt ngào và những đắng cay. Tất cả là quy luật của cuộc sống, của sự trưởng thành.

Ryu Murakami sinh năm 1952 ở Sasebo, Nagasaki. Không chỉ được biết đến với tư cách nhà văn, ông cũng là một nhà làm phim danh tiếng. Ở Nhật, các tác phẩm của Murakami Ryu có tầm ảnh hưởng lớn đến mức năm 1997, tạp chí Times nhận định rằng ông là “một trong 11 người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản”. Tác phẩm đầu tay của ông, Màu xanh trong suốt, xuất bản năm 1976 đoạt ngay giải Gunzo, và một năm sau đó là giải văn học cao quý Akutagawa.

Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm Màu xanh trong suốt (1976), Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ đồ (1980), 69 (1987), Xuyên thấu (1994), Thử vai (1997)…

Hà Thu

Bạn có thể quan tâm