Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (Cửu Bả Đao)
Cuốn sách được xây dựng từ chính những trải nghiệm của tác giả Cửu Bả Đao thông qua hình tượng nhân vật Kha Cảnh Đằng.
Năm chàng trai Tạ Minh Hòa, Tạ Mạnh Học, Liêu Anh Hoằng, Trương Gia Huấn, Kha Cảnh Đằng cùng thích cô gái thanh tú, ngoan hiền và học giỏi nhất lớp, Thẩm Giai Nghi. Kha Cảnh Đằng - "chuyên gia quậy phá đứng đầu bản danh sách đen" không bao giờ bị đánh bại bởi những hình phạt do thầy cô đưa ra nhưng lại cảm thấy tự ti xấu hổ khi đứng trước Thẩm Gia Nghi. Chiếc áo học trò của Kha Cảnh Đằng đầy những dấu mực xanh do đầu bút của Thẩm Gia Nghi đâm vào… cho đến khi anh quay lại.
Cuốn Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi của Cửa Bả Đao. |
Những chấm mực xanh kia nhưng những chấm kỷ niệm, nhỏ thôi, từng chút một nhưng trên nền áo trắng tinh khôi, nó thật nổi bật. Tuổi thanh xuân của một đời người cũng vậy, thoáng đến rồi lại lặng lẽ qua đi nhanh chóng, nhưng những gì ở lại, thật làm ta không thể nào quên...
Năm 2011, bộ phim chuyển thể cùng tên và cũng là tác phẩm đầu tay do Cửu Bả Đao làm đạo diễn đã tạo được tiếng vang lớn toàn châu Á.
Anh có thích nước Mỹ không? (Tân Di Ổ)
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Tân Di Ổ đã làm rung động hàng triệu người đọc giống như một thước phim khắc ghi lại tuổi trẻ đầy sôi nổi, nhiệt huyết nhưng cũng nhiều nước mắt của mỗi người. Năm 2013, Anh có thích nước Mỹ không? được chuyển thể thành phim điện ảnh Gửi tuổi thanh xuân do Triệu Vy đạo diễn.
Anh có thích nước Mỹ không? của tác giả Tân Di Ổ. |
Cô gái 18 tuổi mơ mộng Trịnh Vy quyết định thi vào Học viện Kiến trúc của thành phố G vì một lời hẹn ước với Lâm Tĩnh - anh chàng sống cùng khu tập thể, hơn cô 5 tuổi, nhưng rồi anh sang Mỹ mà không một lời từ biệt, bỏ cô ở lại với bao câu hỏi ngổn ngang. Khi nỗi đau Lâm Tĩnh để lại cho cô dần nguôi ngoai, Trịnh Vy ngã vào cuộc tình sinh viên tươi đẹp với Trần Hiếu Chính, người có thành tích học tập vượt trội trong trường. Nhưng rồi nước Mỹ lại một lần nữa "cướp" đi người cô yêu.
Thời gian vẫn trôi, con người vẫn phải sống, Trịnh Vy mạnh mẽ tiếp tục bước tiếp con đường mình phải đi. Từ một Trịnh Vy sốc nổi, bốc đồng, bừa bãi đã trở thành thư ký Trịnh điềm đạm trong giao tiếp, cẩn trọng trong công việc. Cô lao vào các cuộc hẹn hò vô định, trước những chàng trai xa lạ, cô luôn có một câu hỏi "kinh điển": "Anh có thích nước Mỹ không?"
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy (Đồng Hoa)
"Nếu bạn đang đọc tác phẩm này và bạn còn trẻ, xin hãy nhớ đối xử với những người bạn gặp thật dịu dàng, không phải vì sự cảm kích của anh/cô đối với bạn, mà là để sau này, khi bất chợt nhìn lại, bạn sẽ thấy trong tuổi thanh xuân của mình có ít điều phải ân hận hơn."
Cuốn Thời niên thiếu không thể quay lại ấy. |
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy khắc họa tuổi trẻ của cô gái La Kì Kì, tính tình cao ngạo, không chịu khuất phục. Thời thanh xuân của cô xoay quanh hai thế giới hoàn toàn đối lập: bài tập, cuộc thi, nhóm nhỏ trong khuôn viên trường; phòng game, vũ trường. Giữa cuộc sống với nhiều sự hỗn độn ấy, tư tưởng của mỗi thiếu niên như La Kì Kì đều có những thay đổi mạnh mẽ. Cô cũng cùng bạn bè chia sẻ hết thảy ngọt ngào, yêu thương, bàng hoàng, mê hoặc…
Khi đọc cuốn sách này, bạn có thể thấy được những gì bạn từng nhiệt tình yêu thương lại đang dần bị lãng quên, cũng có thể nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân.
Năm tháng vội vã (Cửu Dạ Hồi)
Năm tháng vội vã là câu chuyện tình yêu của Tầm và Phương Hồi trải dài trong 10 năm trẻ tuổi nhất của cuộc đời qua lời kể của chính họ và Trương Nam. Tiểu thuyết đã làm sống lại những hồi ức về câu chuyện tình yêu lãng mạn của một thế hệ học sinh.
Năm tháng vội vã của Cửu Dạ Hồi. |
Cửu Dạ Hồi đã thành công khi khắc họa lại hình tượng thế hệ thanh niên thập niên 1980. Tuổi trẻ của họ xoay vòng giữa những mối quan hệ: gia đình - nhà trường - xã hội. Đó là những tháng ngày vừa đẹp đẽ, vừa day dứt khó quên. để lại cho người đọc nhiều tiếc nuối, những quyết định vội vã, những phút nông nổi đều hiện về chân thực qua hồi ức của mỗi nhân vật trong truyện. "Ai cũng có tuổi trẻ và những câu chuyện tuổi trẻ của riêng mình, trong mỗi câu chuyện ấy đều có những hồi ức đẹp kèm theo cả sự nuối tiếc mãi in dấu lại nơi đáy tim".
Cả phiên bản điện ảnh và truyền hình của Năm tháng vội vã đều thu được thành công rực rỡ.
Tai trái (Nhiêu Tuyết Mạn)
Nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nhiêu Tuyết Mạn là nữ sinh 17 tuổi Lý Nhị, tâm hồn trong sáng, dịu dàng nhưng tai trái có tật. Lý Nhị cùng Trương Dạng, Hứa Dực và Ba Lạp, bốn con người với bốn tính cách khác biệt ấy tựa như những mảng màu đối lập, đã cùng vẽ lên bức tranh tuổi trẻ rực rỡ. Thanh xuân của họ có bồng bột, có sa ngã, có e dè, có chín chắn, có yêu, có hận…
Hình ảnh trong phim Tai trái chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nhiêu Tuyết Mạn. |
Lý Nhị thích Hứa Dực nhưng trái tim anh lại hướng về cô gái phóng khoáng Ba Lạp. Ba Lạp yêu Trương Dạng, vì sự ích kỷ của Trương Dạng mà lừa dối tình cảm của Hứa Dực, biến anh từ một học sinh ngoan thành một kẻ ăn chơi, hư hỏng. Vòng luẩn quẩn tình cảm ấy giăng mắc họ suốt những tháng năm tuổi trẻ.
Tuổi thanh xuân trong Tai trái khốc liệt, gai góc và dữ dội, tuy nhiên, câu chuyện thực tế ấy không hề ảm đảm và u tối, ngược lại, người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp toát lên từ nghị lực sống và khát vọng yêu thương của những con người trẻ tuổi. Tuổi trẻ, ai không vấp ngã, sai lầm? "Yêu đúng chính là tình yêu, yêu lầm thì là thanh xuân".
Kịch bản phim cùng tên được chuyển thể bởi chính tác giả Nhiêu Tuyết Mạn, do Tô Hữu Bằng làm đạo diễn.
Cuốn sách nào khiến bạn gợi nhớ những cảm xúc và kỷ niệm của tuổi thanh xuân?
Hãy gửi tới cho chúng tôi chia sẻ của bạn qua địa chỉ thư điện tử: giaitri.zing@gmail.com. Những chia sẻ hay nhất sẽ được ban biên tập mục Xuất bản đăng và gửi tặng cuốn sách Thời niên thiếu không thể quay lại ấy (Đồng Hoa).