Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

60 phút quay cuồng phía sau bức ảnh của Tổng thống Trump

Chuyến thăm và chụp hình của Tổng thống Donald Trump ở nhà thờ St. John đã khiến đám đông biểu tình ôn hòa ngoài Nhà Trắng đụng độ dữ dội với lực lượng cảnh sát.

Khi Tổng thống Donald Trump lần đầu đưa ra ý tưởng xuất hiện bên ngoài Nhà Trắng vào hôm 1/6, các trợ lý không thấy thuyết phục lắm với ý tưởng này.

Chuẩn bị hậu cần cho bất kỳ hoạt động nào của tổng thống vào phút chót đều rất khó khăn và đây thậm chí còn không phải trường hợp bình thường. Ba đêm liên tiếp, các cuộc biểu tình xung quanh Nhà Trắng trở nên dữ dội và bạo lực. Đã có lúc ông Trump phải xuống boongke ngầm ở Nhà Trắng.

Nhưng nhà lãnh đạo quyết tâm cho thấy ông vẫn đang làm chủ tình hình và mọi thứ đã được kiểm soát. Ông muốn đi bộ đến nhà thờ Giám nhiệm St. John gần đó, nơi một vụ hỏa hoạn xảy ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát hôm 31/5.

Những giờ sau đó, các quan chức Nhà Trắng vội vã sắp xếp cho sự kiện trên. Lực lượng hành pháp liên bang đã đụng độ dữ dội với người biểu tình ở quảng trường Lafayette để dọn đường cho ông Trump đi sang nhà thờ.

ong Trump di tham nha tho anh 1

Người biểu tình tập trung ở công viên Lafayette gần Nhà Trắng để phản đối cái chết của George Floyd vào hôm 1/6, trước khi cảnh sát "dọn đường" cho Tổng thống Trump. Ảnh: AP.


Một ngày sau vụ việc, các cuộc phỏng vấn với các quan chức và nguồn tin của Nhà Trắng cho thấy một loạt các quyết định khó hiểu, lộn xộn, thiếu sự phối hợp cũng như mâu thuẫn về người chịu trách nhiệm đã khiến cuộc biểu tình ôn hòa chuyển thành vụ đụng độ bạo lực.

Cảnh sát trưởng Quận Columbia Peter Newsham nói với CNN rằng ông chỉ biết về kế hoạch khoảng 30-45 phút trước khi ông Trump thăm nhà thờ. Các sĩ quan của ông Newsham cũng không tham gia vào hoạt động “dọn đường”.

Việc ông Trump đi bộ đến nhà thờ dường như cũng gây bất ngờ cho Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt không ở Nhà Trắng ở thời điểm đó và không được thông báo trước về chuyện người biểu tình sẽ bị xua khỏi công viên, nơi thuộc quản lý của Bộ Nội vụ.

Lệnh của Bộ trưởng Tư pháp

Theo một quan chức của Bộ Tư pháp, chính Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã ra lệnh xua người biểu tình đi. Ông Barr và các quan chức hàng đầu khác từ các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ Nhà Trắng trước đó đã lên kế hoạch kiểm soát vành đai rộng hơn xung quanh quảng trường Lafayette để đối phó với các vụ hỏa hoạn và đập phá do người biểu tình gây ra vào tối 31/5.

Theo kế hoạch đó, khu vực này sẽ được “dọn dẹp” trước 16h chứ không phải 25 phút trước 7h, thời điểm cảnh sát dẹp đường cho ông Trump đi thăm nhà thờ hôm 1/6, theo lệnh giới nghiêm của Thị trưởng Columbia Muriel Bowser, quan chức này nói.

ong Trump di tham nha tho anh 2

Bộ trưởng Tư pháp William Barr đứng ở quảng trường Lafayette đối diện Nhà Trắng vào ngày 1/6. Ảnh: CNN.


Trước 18h, một giờ trước khi ông Trump đi sang nhà thờ, ông Barr đã xuất hiện tại quảng trường Lafayette. Khi ông Barr xem xét tình hình xung quanh công viên, một số người biểu tình đã nhận ra ông và hét lên.

Cảnh sát tin rằng những người biểu tình đang thu thập đá để ném vào họ, và khi ông Barr ở trong công viên, các chai nước đã được ném về phía ông, quan chức này nói. Tuy nhiên, CNN không thấy bất kỳ chai nước nào được ném về phía ông Barr.

Trước khi đi bộ đến Nhà Trắng, ông Barr ra lệnh cho cảnh dọn dẹp khu vực và nếu gặp phải sự kháng cự của những người biểu tình, các biện pháp kiểm soát đám đông nên được thực hiện.

Đụng độ bạo lực

Trong khi đó ở Nhà Trắng, các nhân viên đã bắt đầu chuẩn bị cho bài phát biểu của ông Trump ở Vườn Hồng trước khi ông đi bộ qua nhà thờ St. John.

Khi các phóng viên đang vào Vườn Hồng để đưa tin về bài phát biểu, họ nghe thấy những tiếng nổ lớn ở phía bên kia hàng rào của Nhà Trắng. Đến 6h22 chiều, cảnh sát Công viên Mỹ đưa ra những cảnh báo đầu tiên cho người biểu tình, một nguồn tin nói với CNN.

Và sau khi ông Barr rời đi, lực lượng sĩ quan liên bang mặc đồ chống bạo loạn tiến đến chỗ người biểu tình.

Cảnh sát tiến rất nhanh và đột ngột. Có ít người biểu tình trong công viên hơn so với hôm trước. Nhưng đám đông như được tiếp thêm sinh lực. Xen kẽ giữa các tiếng hô ủng hộ phong trào phản đối cái chết của George Floyd là những tiếng hô mạnh mẽ khác nhắm vào lực lượng mặc đồ chống bạo loạn xếp hàng đối diện với họ.

ong Trump di tham nha tho anh 3

Người biểu tình quỳ trước hàng dài lực lượng cảnh sát trong một cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd gần Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: AP.


Khi cảnh sát tiến gần, những người biểu tình bắt đầu chạy. Khói và hơi cay bay đầy trời. Hàng loạt tiếng nổ lớn cho thấy đạn được bắn vào những người bỏ chạy. Những người biểu tình không mang mặt nạ phòng độc bắt đầu ho sặc sụa trong khi tháo lui.

"Mọi người bỏ chạy. Và tôi cố gắng giúp họ làm sạch mắt", Linh mục Gina Gerbasi của một Nhà thờ St. John khác ở Georgetown có mặt tại quảng trường Lafayette vào tối 1/6 nói với CNN. "Cảnh sát ở trên sân đẩy mọi người ra ngoài bằng hơi cay và lựu đạn choáng".

"Người biểu tình hoàn toàn không có hành động khiêu khích. Tôi không nghe thấy loa thông báo 'tổng thống sẽ đến'", bà nói thêm.

Hôm 2/6, lực lượng Cảnh sát Công viên tuyên bố quyết định di chuyển người biểu tình ra ngoài là để "kiềm chế" bạo lực. Họ cũng nói người biểu tình ném nhiều thứ khác nhau. Tuy nhiên, phóng viên của CNN tại hiện trường suốt chiều 1/6 không chứng kiến ​​bất kỳ hành vi bạo lực nào của người biểu tình và họ không ném bất cứ vật gì.

ong Trump di tham nha tho anh 4

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình gần Nhà Trắng vào hôm 1/6. Ảnh: CNN.


Những người biểu tình dàn hàng ngang đối đầu với bước tiến cảnh sát đã hô vang "Không có công bằng, không có hòa bình". Lựu đạn choáng nổ vang trời khi cảnh sát tiến lên phía trước. Một thanh niên bị xịt hơi cay đã bị một sĩ quan đẩy ra khi anh ta hét lên "Tôi không thấy gì".

Lựu đạn choáng được ném ra liên tục. Người biểu tình bị đẩy ra Đại lộ Connecticut. Nhiều người ho sặc sụa.

Đến 7h, khi lệnh giới nghiêm của Washington có hiệu lực, cuộc hỗn chiến đã kết thúc. Đường phố xung quanh công viên và Nhà Trắng đã vắng bóng người biểu tình.

Chuyến thăm để đời

19h01, ông Trump xuất hiện tại sảnh North Portico của Nhà Trắng. Đằng sau ông là nhiều nhân viên cấp cao của Nhà Trắng, bao gồm Ivanka Trump và chồng cô Jared Kushner, Chánh văn phòng Mark Meadows và thư ký báo chí Kayleigh McEnany.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, người đã được triệu tập đến Phòng Bầu dục nhiều giờ trước đó để cập nhật cho ông Trump về những biện pháp sử dụng quân đội dập tắt bạo lực, cũng đi cùng tổng thống.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng ông Esper và ông Milley "không biết Cảnh sát Công viên và cơ quan thực thi pháp luật đã quyết định giải tán quảng trường".

ong Trump di tham nha tho anh 5

Tổng thống Trump đi qua lực lượng cảnh sát ở quảng trường Lafayette sau khi thăm nhà thờ vào ngày 1/6. Ảnh: AP.


Quan chức này cũng nói cả ông Esper và ông Milley không có ý định đi cùng ông Trump đến nhà thờ.

"Khi cuộc họp kết thúc, tổng thống thể hiện sự quan tâm đến việc đi xem tình hình đội quân ở bên ngoài. Ông Esper và ông Milley đi theo ông Trump để làm vậy”, quan chức này nói.

Phó tổng thống Mike Pence cũng vắng mặt trong chuyến thăm nhà thờ của Tổng thống.

Một số quan chức Nhà Trắng đã khẳng định việc điều động cảnh sát xua người biểu tình không liên quan đến việc ông Trump đến nhà thờ chụp ảnh.

ong Trump di tham nha tho anh 6

Tổng thống Trump giơ cao kinh thánh để chụp ảnh ở nhà thờ Giám nhiệm St. John. Hành động này bị chính Giám mục Mariann Edgar Budde, thuộc giáo phận Washington của Giáo hội Giám nhiệm, lên án. Ảnh: CNN.


Họ tuyên bố rằng động thái này nhằm mục đích thiết lập một vành đai rộng hơn xung quanh quảng trường Lafayette và các dãy nhà xung quanh Nhà Trắng. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere tuyên bố vành đai được mở rộng để giúp thực thi lệnh giới nghiêm 19h của Washington D.C., một lời giải thích khó tin vì lực lượng an ninh bắt đầu bắn hơi cay và đạn cao su đẩy lùi người biểu tình trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.

Các quan chức không thể giải thích lý do cho việc họ cần thiết lập vành đai kịp thời trước giờ giới nghiêm. Họ cũng không thể giải thích việc họ không làm như vậy trước khi đám đông người biểu tình tụ tập.

Ông Peter Newsham, cảnh sát trưởng quận Columbia, đã ca thán về việc sử dụng vũ lực của cảnh sát vào hôm 1/6.

"Phần lớn các sĩ quan cảnh sát ở đất nước này và chắc chắn là các sĩ quan cảnh sát ở thành phố này là những người có ý tốt cố gắng làm điều đúng đắn", ông nói với CNN. "Bất cứ khi nào một hành động của cảnh sát tạo nên hình ảnh tiêu cực cho cảnh sát, tôi rất tổn thương vì người dân có thể gán hành động đó cho tất cả cảnh sát".

Bà Bowser, thị trưởng của Đặc khu Columbia, nói rằng bà không "thấy bất kỳ hành động khiêu khích nào cần đến việc sử dụng vũ lực của cảnh sát và đặc biệt là cho mục đích di chuyển tổng thống trên đường phố".

Vài giờ trước đó, ông Trump đã ca ngợi "lực lượng áp đảo" và "sự thống trị" ở Washington tối hôm trước trên Twitter. “Không có vấn đề ở D.C vào tối qua. Minneapolis cũng vậy (cảm ơn Tổng thống Trump)!".

Cảnh sát bắn hơi cay giải tán biểu tình trước chuyến thăm của TT Trump Lực lượng an ninh dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình trước khi ông Trump đi từ Nhà Trắng tới nhà thờ St. John.

Mỹ chìm trong bạo lực, Tổng thống Trump lên án 'những kẻ hạ lưu'

Đã bảy đêm liên tiếp nước Mỹ chìm trong bạo lực và bất ổn sau cái chết của George Floyd. Ông Trump yêu cầu các thống đốc phải dập tắt tình trạng này và dọa sẽ cử quân đội đến.

'Tôi bị bắn' - phóng viên trúng đạn hơi cay khi đưa tin biểu tình ở Mỹ

Vài giờ sau khi một phóng viên CNN bị bắt khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình ở Minneapolis, một ê-kíp khác từ một đài thuộc NBC đã bị cảnh sát Louisville bắn đạn hơi cay.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm