6 cơ quan tình báo lừng danh nhất thế giới
Cơ quan tình báo là công cụ hiệu quả góp phần tạo nên sức mạnh của bất kỳ quốc gia nào. Tình báo sắc bén là vũ khí lợi hại hàng đầu để đánh bại các mục tiêu.
Dưới đây là 6 cơ quan tình báo được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất thế giới.
1. CIA - Cục Tình báo Trung ương Mỹ
Thành lập ngày 18/09/1947.
Số lượng điệp viên và ngân sách hoạt động của CIA là vô cùng bí mật, bởi những con số mà truyền thông đưa ra rất “mờ mờ ảo ảo” như chính bản chất của cơ quan này. Nhưng có một điều chắc chắn, CIA là một trong những cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới, không chỉ trên thực tế mà cả phim ảnh.
CIA là cơ quan tình báo lớn nhất trong cộng đồng tình báo, chịu trách nhiệm thu thập tin tức từ nước ngoài có ảnh hưởng tới việc triển khai chính sách của Mỹ. Nhiệm vụ chủ yếu của CIA là công khai và bí mật thu thập, phân tích thông tin tình báo Chính phủ, công ty và cá nhân nước ngoài trên các phương diện chính trị, văn hóa, công nghệ…, phối hợp hoạt động với các cơ quan tình báo trong nước khác, đồng thời báo cáo những tin tức tình báo này đến các bộ ngành trực thuộc Chính phủ Mỹ.
Trên thực tế, không ai biết CIA thực sự làm gì, bởi cơ quan này có nhiều đặc quyền, được cung cấp khoản ngân sách khổng lồ và được trang bị những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất thế giới. Mặc dù nhiệm vụ chính là tình báo, CIA còn có thể thành lập các bộ phận chiến lược để tiến hành các nhiệm vụ khẩn cấp đòi hòi sự can thiệp, ngăn chặn và giải trừ đe dọa về vũ khí. Lực lượng này cũng sử dụng thay thế cho quân đội trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ về tuyên bố chiến tranh.
2. FSB - Cục An ninh Liên bang Nga
Được thành lập ngày 3/04/1995, tuyển mộ khoảng 200.000-300.000 yếu viên, trụ sở chính đặt tại quảng trường Lubyanka, Moscow.
FSB chịu trách nhiệm cho các hoạt động phản gián, an ninh trong nước, chống khủng bố và do thám, có trụ sở tại Lubyanka, giống như KGB trước đây. Tất cả các cơ quan cưỡng chế luật pháp và tình báo ở Nga đều hoạt động dưới sự hướng dẫn của FSB. Dưới FSB có các bộ phần gồm Ban Phản gián, Ban Bảo vệ Hiến pháp, Phòng Phản gián quân sự… chủ yếu chịu trách nhiệm về các vấn đề nội bộ của Nga, trực thuộc Tổng thống Nga.
Trong khi đó, trách nhiệm tình báo gián điệp ngoài nước thuộc về Cơ quan Tình báo Ngoại quốc Nga (FIS). Tuy nhiên, FAPSI (Cục liên bang về Thông tin và giao tiếp Chính phủ) trực thuộc FSB có thể tiến hành hoạt động giám sát điện tử ngoài nước Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng được bổ nhiệm là Giám đốc FSB năm 1998 dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin. Sau này, Tổng thống Putin đã cải tổ cấu trúc của FSB sau nhiều chỉ trích về chất lượng hoạt động của cơ quan này.
3. Mossad - Israel
Tên đầy đủ của Mossad là Cục Tình báo và Sứ mệnh đặc biệt Israel, được chính thức thành lập năm 1951, có trụ sở tại Tel Aviv.
Quy mô của Mossad chỉ có thể coi là “cậu bé” so với cộng đồng tình báo thế giới hiện nay với khoảng 900 nhân viên, nhưng lại làm việc gọn gàng, hành động cẩn thận. Nhiệm vụ chính của Mossad là thu thập thông tin tình báo và hoạt động bí mật, bao gồm cả việc ám sát mục tiêu và hoạt động bán quân sự bên ngoài lãnh thổ Israel như đưa người Hồi giáo về Israel từ các nước mà việc di cư của người Hồi giáo bị cấm hay bảo vệ cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Kể từ khi thành lập đến nay, Mossad đã nhiều lần lập nên những chiến công xuất sắc, đặc biệt có đóng góp lớn cho việc bảo vệ an ninh quốc gia Israel. Mossad chỉ chịu trách nhiệm trước thủ tướng. Ở trong nước, Mossad có quyền lực rất lớn, có quyền chi phối đối với lực lượng đặc nhiệm Israel. Là cơ quan tình báo chủ lực trong cộng đồng tình báo Israel cùng với cơ quan tình báo quân sự Aman và cơ quan An ninh Nội địa Shin Bet, Mossad có quyền gửi các báo cáo trực tiếp đến thủ tướng.
4. MI-6 - Anh
Tổng cục An ninh Anh ban đầu được thành lập nhằm mục đích chống lại tình báo Đức vào năm 1909 nhưng sau đó cơ quan này được tách ra thành hai nhánh gọi là MI-5 và MI-6.
Công việc của MI-6 hoàn toàn giống với thế giới gián điệp của James Bond, nhưng các chiến dịch của MI-6 hoàn toàn tuyệt mật. Khác với các hoạt động tương đối công khai của MI-5, MI-6 thu thập thông tin tình báo nước ngoài theo một phương thức hết sức bí mật.
Theo luật của Anh, vai trò của MI-6 là thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động hay mưu toan của những người bên ngoài nước Anh và phải hành đồng vì các lợi ích an ninh, quốc phòng, ngoại giao và kinh tế trong khuôn khổ do Uỷ ban Tình báo kết hợp (JIC) và các bộ trưởng quy định.
Khác với MI-5, MI-6 luôn tiến hành các chiến dịch tình báo mật trên toàn thế giới, từ Bắc Ireland, Trung Đông, châu Phi và mới đây nhất là Afghanistan, Iraq. Vai trò của MI-6 đã thay đổi đáng kể sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do nhu cầu phản gián đối với Liên Xô không còn tính cấp bách nữa. Tuy nhiên, mối đe doạ của khủng bố quốc tế cũng đang đặt ra cho MI-6 một trách nhiệm mới.
5. BND - Đức
Được thành lập ngày 1/04/1956, có trụ sở tại Pullach với khoảng 6.050 điệp viên. BND có khoảng 300 trụ sở hoạt động ở Đức và các nước ngoài, chịu sự quản lý trực tiếp của Văn phòng Thủ tướng. BND hoạt động giống như một hệ thống cảnh báo sớm trước các nguy cơ đe dọa lợi ích của Đức từ nước ngoài. BND thu thập và đánh giá các thông tin trên nhiều lĩnh vực như: khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chuyển giao công nghệ trái phép và tổ chức tội phạm. Phạm vi hoạt động của BND gồm cả tình báo quân sự và dân sự.
6. Bộ An ninh Quốc gia MSS - Trung Quốc
Có lẽ đây là cơ quan tình báo đối ngoại lớn nhất và năng động nhất của Chính phủ Trung Quốc. Luật pháp Trung Quốc quy định MSS có những đặc quyền bắt hoặc giữ người giống như cảnh sát đối với các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MSS là thu thập thông tin tình báo nước ngoài từ rất nhiều quốc gia.
Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) được tổ chức thành nhiều cục, mỗi đơn vị được giao phó các nhiệm vụ khác nhau: Cục 1 (nội địa ) có nhiệm vụ tuyển mộ nhân viên làm việc cho MSS. Những người được tuyển chọn sẽ được đào tạo và đưa ra nước ngoài dưới vỏ bọc: sinh viên du học, doanh nhân, du lịch, định cư hoặc các mục đích khác; Cục 2 (đối ngoại) chịu trách nhiệm hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài. Đây cũng là đơn vị cung cấp bản phân tích báo cáo cho các cấp tình báo cao hơn dựa theo thông tin thu nhập được từ điệp viên; Cục 3 phụ trách hoạt động tình báo ở Hong Kong, Macao và Đài Loan, đồng thời tuyển mộ nhân viên có mối quan hệ ở các vùng lãnh thổ này.
Thanh Hương
Theo Infonet