6 điệp viên lừng danh nhất mọi thời đại
Bức màn bí mật của thế giới điệp viên luôn thu hút lòng hiếu kỳ của dư luận. Dù việc giải mật hồ sơ của các điệp viên chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, nhưng qua đó độc giả phần nào hiểu được cuộc sống gian truân và tính mạng luôn bị đe dọa của giới gián điệp.
Cùng khám phá câu chuyện của 6 điệp viên được đánh giá là lừng danh nhất mọi thời đại.
1. Mata Hari (1879-1917)
Mata Hari được cho là một trong những điệp viên, vũ công kiêm “gái gọi” xinh đẹp nhất mọi thời đại. Bà là người Hà Lan, bị buộc tội làm gián điệp cho Đức trong Chiến tranh thế giới I, và bị xử bắn vào năm 1917.
Bà tán tỉnh những doanh nhân, nhà ngoại giao, các sĩ quan quân đội, và chính trị gia cấp cao để thu thập thông tin tình báo cho Đức. Khi bị bắt, bà thừa nhận làm gián điệp cho Pháp, nhưng Chính phủ Pháp phủ nhận thông tin này.
Sau khi bị hành quyết, thi thể của bà không được chôn cất mà bị chuyển tới trường y cho sinh viên nghiên cứu trên bàn giải phẫu. Phần đầu của Mata Hari được ướp và trưng bày tại Bảo tàng tội phạm của Pháp, song đã bị đánh cắp vào năm 1958, có thể do một người hâm mộ nào đó.
2. Vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg (1915, 1918-1953)
Cặp vợ chồng này gặp nhau tại Liên minh Cộng sản của giới trẻ năm 1936 ở Mỹ. Họ bị buộc tội chuyển giao các bí mật hạt nhân cho Liên bang Xô Viết.
Julius được KGB (Cơ quan tình báo Liên Xô) tuyển mộ năm 1942, và được xem là một trong những điệp viên lừng lẫy nhất của tổ chức này. Sau đó Julius cũng tuyển mộ nhiều người vào phục vụ cho KGB. Ông đã cung cấp cho cơ quan tình báo này hàng ngàn tài liệu từ Ủy ban Tư vấn quốc gia Mỹ về hàng không vũ trụ, trong đó có bản thiết kế hoàn chỉnh chiếc máy bay tiêm kích phản lực Lockheed P-80 Shooting Star.
Vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg bị xử tử trên ghế điện vì tội làm gián điệp. Vụ việc phát giác khi trung sĩ David Greenglass bị bắt trong lúc đang hoạt động tình báo ở Los Alamos và đã khai ra đồng minh là vợ chồng em gái Ethel và Julius Rosenberg.
3. Aldrich Ames (1941)
Aldrich Ames được xem là một trong những điệp viên hai mang khét tiếng. Ames làm việc cho cả KGB và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 1985 tới 1991. Ba năm sau, tức năm 1994, Ames bị bắt và kết án tù treo. Trong nhiệm vụ đầu tiên, với tư cách là một sĩ quan hoạt động đơn tuyến, Ames đã cắm chốt ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để tuyển mộ các sĩ quan tình báo Xô Viết. Do các khó khăn tài chính trong cuộc sống riêng xa hoa, ông bắt đầu làm gián điệp cho Xô Viết từ năm 1985.
Ames được cử tới hoạt động ở văn phòng châu Âu của CIA, nơi ông có thể tiếp cận trực tiếp danh tính của các yếu viên CIA đang cài cắm trong KGB nói riêng và quân đội Xô Viết nói chung. Thông tin do Ames tiết lộ đã khiến hàng trăm yếu viên CIA lâm vào vòng nguy hiểm, và hàng chục người bị kết án tử hình. Ames nhận được khoản tiền 4,6 triệu USD để chi trả cho cuộc sống xa hoa hơn mức bình thường của một nhân viên CIA.
Đầu năm 1985, CIA bắt đầu để ý tới những “tổn thất” nhanh chóng này. Lúc đầu, CIA không thể tin kịch bản bị KGB “tương kế tựu kế”. Tuy nhiên, khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc, Ames trở thành nghi vấn hàng đầu. Lo ngại Ames trốn, FBI đã bắt ông và vợ tại sân bay. Ông bị kết án tù chung thân, và giam giữ ở Penitentiary, bang Pennsylvania.
4. Klaus Emil Julius Fuchs (1911-1988)
Fuchs mang quốc tịch Đức, là một nhà vật lý làm việc ở Los Alamos trong một dự án bom nguyên tử. Ông chịu trách nhiệm cho những tính toán liên quan tới phân rã hạt nhân và bom khinh khí. Khi còn học đại học ở Đức, ông đã có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Đức.
Ông bắt đầu cung cấp thông tin cho Liên Xô khi đang làm việc trong một dự án hạt nhân bom nguyên tử tại Anh. Ông nghĩ rằng, người Xô Viết cần biết những gì người Anh và người Mỹ đang phát triển. Năm 1943, ông được chuyển tới Mỹ để hỗ trợ dự án Manhattan.
Từ năm 1944, ông làm việc ở Los Alamos. Trong vòng 2 năm, ông cung cấp cho KGB các kế hoạch trên lý thuyết việc chế tạo bom khinh khí và các dữ liệu sản xuất uranium, theo đó Liên Xô có thể ước tính số liệu bom mà Washington sở hữu. Trong quá trình bị điều tra, Fuchs thú nhận từng làm gián điệp cho Liên Xô và bị kết án 14 năm tù. Ông được phóng thích năm 1959 và chuyển đến sinh sống tại Đông Đức.
5. Nhóm "5 Cambridge"
Nhóm "5 Cambridge" gồm 5 cựu sinh viên ĐH Cambridge làm gián điệp cho Liên Xô: Anthony Blunt, Kim Philby, John Cairncross, Guy Burgess và Donald McLean.
5 điệp viên này hoạt động trong Thế chiến II với nhiệm vụ thâm nhập các đại sứ quán, các cơ quan tình báo để cung cấp thông tin bí mật cho KGB.
6. Richard Sorge (1895-1944)
Richard Sorge, quốc tịch Đức, được xem là một trong những điệp viên lừng danh nhất của Liên Xô hoạt động tại Nhật Bản trước và sau Chiến tranh Thế giới II. Năm 1944, Richard Sorge xung phong phục vụ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và bị thương nặng.
Trong quá trình dưỡng thương, ông đã đọc và thấm nhuần sách của Marx và thấm nhuần hệ tư tưởng cộng sản. Sau đó ông tới Liên Xô và được tuyển mộ làm điệp viên, hoạt động dưới vỏ bọc của một nhà báo và được cử tới nhiều nước châu Âu.
Năm 1933, Liên Xô quyết định cử ông tới xây dựng mạng lưới gián điệp tại Nhật Bản. Năm 1941, Sorge biết được chiến dịch Barbarossa Đức chuẩn bị xâm lược Liên Xô và thông báo cho phía Liên Xô, nhưng thật không may vì Stalin (lãnh đạo của Liên Xô lúc bấy giờ) đã lờ đi mọi chuyện. Vài tuần sau, cơ quan tình báo của Nhật đã bắt và hành quyết Sorge vào năm 1944. 20 năm sau khi bị xử tử, Sorge được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào năm 1964.
Thanh Hương
Theo Infonet