Lật tẩy gián điệp Trung Quốc trong báo giới Mỹ
Xưa nay, hoạt động tình báo nói chung và thế giới của các điệp viên nói riêng luôn là “bức màn bí ẩn” thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Đôi khi, một điệp viên bí mật lại mang vỏ bọc của một nhà báo.
Nhiều điệp viên Trung Quốc đang đội lốt nhà báo tại Mỹ. Ảnh minh họa. |
Trên lý thuyết, ranh giới giữa hoạt động báo chí và hoạt động gián điệp được phân định khá rõ ràng. Thật vậy, nhà báo “lấy và bán” thông tin cho công cộng, điệp viên lại hoạt động vì lợi ích của một Chính phủ; nhà báo phơi bày các bí mật, điệp viên lại bảo vệ những bí mật đó; các biện pháp tác nghiệp của nhà báo là công khai, trong khi điệp viên lại phải che đậy những thủ đoạn của mình; nhà báo được bảo vệ, ít nhất là ở phương Tây, bởi luật pháp, trong khi các điệp viên, nếu bị bắt sẽ không có cơ hội được “dùng lại”.
Tuy nhiên, đôi khi ranh giới này lại rất mơ hồ, bởi các điệp viên có thể sử dụng vỏ bọc là nhà báo. Hạ nghị sĩ Dana Rohrabacher, Mỹ quan ngại rằng, hoàn toàn không có ranh giới giữa hoạt động tình báo và báo chí ở các phóng viên Trung Quốc và các hoạt động của Tân Hoa Xã chính là minh chứng.
Đây không phải lần đầu tiên một cơ quan thông tấn nước ngoài được sử dụng cho các mục đích tình báo. Trước đây, BBC đã từng phục vụ hoạt động này. Vài năm trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới II, các quan chức Anh quyết định rằng, các hoạt động báo đài nhằm vào những quốc gia đối thủ có thể giúp họ dự báo được hoạt động của đối phương. Chính vì vậy, các quan chức này quyết định thành lập Cơ quan Giám sát truyền thông Anh, được biết đến là bộ phận hoạt động thu thập tình báo của BBC. Chức năng chính của cơ quan này (BBCMS) là phân bổ sản phẩm tình báo có tên Bản tóm tắt các chương trình phát sóng thế giới – đây là một báo cáo gửi cho London trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh thế giơí II.
Trong ấn phẩm Studies in intelligence (tạm dịch là Nghiên cứu tình báo) của CIA, nhà sử học Kalev Leetaru viết rằng: "Khi Đại chiến II gần kết thúc, BBC đang kiểm soát gần 1,25 triệu từ/ngày với 30 thứ tiếng”. BBCMS vẫn hiện hữu và có mối quan hệ tương hỗ với cộng đồng tình báo Mỹ. Rohrabacher cho rằng, những điều mà Tân Hoa Xã làm đang làm có thể “vượt” cả bậc thầy BBCMS.
Trong số các nhà báo Trung Quốc tới Mỹ tác nghiệp, có không ít là các sĩ quan tình báo. Họ gửi báo cáo về những điều đang xảy ra tại Mỹ mà lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm. Các điệp viên này có cách thức truyền tin đặc biệt mà chỉ những người nằm trong danh sách mới nhận được.
Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, cơ quan trực thuộc Quốc hội Mỹ chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề an ninh quốc gia giữa hai nước, báo cáo năm 2009 rằng: “Cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân hoa Xã cũng có một số hoạt động tình báo, thu thập thông tin, cho ra các báo cáo phân loại để gửi tới lãnh đạo các cấp, cả sự kiện trong nước và quốc tế”. Hơn nữa, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (có chức năng giống như CIA và FBI của Mỹ) cũng sử dụng rộng rãi các vỏ bọc truyền thông để cử điệp viên ra nước ngoài hoạt động, chẳng hạn phóng viên của Tân Hoa Xã hay Trung hoa Nhật báo.
Thanh Hương
Theo Infonet